Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam ngày càng có kết quả tích cực

Cả hệ thống chính trị của nước ta đang tập trung thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) và đạt được những kết quả tích cực. Trong khi đó, các thế lực thù địch lợi dụng cuộc đấu tranh với 'giặc nội xâm' để xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, qua đó không ngừng công kích, bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trang t. trên mạng xã hội YouTube. Ảnh chụp màn hình

Trang t. trên mạng xã hội YouTube. Ảnh chụp màn hình

Cụ thể, trang t. có trụ sở tại nước ngoài vào ngày 5-7 đã đăng video clip dài hơn 10 phút với nội dung liệt kê cụ thể các vụ việc tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước ta xử lý và quy kết rằng “càng chống, tham nhũng càng bùng”. Luận điệu ấy lại phát tán đến nhiều người xem, sau 4 ngày đăng tải, clip này đã có hơn 77,4 ngàn lượt xem, 1,5 ngàn lượt thích, cùng hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội Facebook và 17 ngàn lượt xem, hơn 400 lượt thích cùng hàng chục bình luận trên mạng xã hội YouTube.

* Tham nhũng xảy ra ở hầu hết các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển

Trong clip trên, các đối tượng thù địch cho rằng: “Thực sự, nếu không duy trì tham nhũng thì không bao giờ Đảng có được lực lượng trung thành…”. Điều này đồng nghĩa với việc các thế lực thù địch không hiểu được rằng tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, xảy ra ở nhiều quốc gia, bất kể chế độ chính trị nào và không riêng gì ở Việt Nam mới xuất hiện tham nhũng, tiêu cực.

Theo TS Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương, trong chuyên đề Những vấn đề cơ bản về PCTNTC trong đợt bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho cán bộ quy hoạch Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban TVTU Đồng Nai nhiệm kỳ 2025-2030: “Ở góc độ chung nhất có thể hiểu, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực có tính lịch sử, gắn liền với sự xuất hiện của chế độ tư hữu và các thiết chế quyền lực xã hội; xảy ra ở hầu hết các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển”.

Một khi đã nắm và hiểu rõ được bản chất của tham nhũng, tiêu cực thì không thể đổ lỗi cho thể chế chính trị. Qua đó có thể thấy rằng, các đối tượng thù địch lợi dụng công cuộc đấu tranh PCTNTC chỉ nhằm vào mục đích công kích đầy thù hằn, bôi nhọ đối với thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa.

TS Nguyễn Xuân Trường dẫn chứng số liệu: “Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022 do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố, tình trạng tham nhũng trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, 86% quốc gia không có tiến bộ trong chống tham nhũng, trong khi số quốc gia suy giảm đang gia tăng, 124/180 (tỷ lệ 2/3) quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá có mức độ tham nhũng nghiêm trọng…”.

Mặt khác, nhìn rộng ra, không phải chỉ có Việt Nam mới tiến hành công cuộc đấu tranh PCTNTC, mà các nước khác trên thế giới từ nhiều năm qua vẫn tiến hành chống tham nhũng, tiêu cực. Chẳng hạn: một số quan điểm, đường lối của Trung Quốc về phòng chống tham nhũng như: Phòng, chống tham nhũng phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài; phòng, chống tham nhũng phải trị cả gốc lẫn ngọn; kiên định “đả hổ”, “diệt ruồi”, “săn cáo”…

Với Hàn Quốc, quốc gia có chế độ cộng hòa tổng thống, tam quyền phân lập, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, Hàn Quốc đã hình thành nên một thể chế có sức đề kháng rất cao với tham nhũng. Nhiều đời tổng thống của Hàn Quốc đã bị truy tố, bị cáo buộc tham nhũng hoặc có người thân liên quan đến tham nhũng bị xử lý, gần nhất là Tổng thống Park Geun Hye bị xử lý hình sự tham nhũng (năm 2017). Năm 2008, Hàn Quốc thành lập Ủy ban Phòng, chống tham nhũng và quyền công dân, chuyên trách về phòng, chống tham nhũng…

* Các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc bản chất vấn đề

Những luận điệu trong clip này cho thấy rõ bản chất xảo quyệt của các đối tượng thù địch. Trước đây, Việt Nam thực hiện công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì các đối tượng này hô hào “đấu đá nội bộ”, xuyên tạc rằng “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam mãi mãi chỉ là khẩu hiệu, hình thức”. Còn thời gian qua, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, xử lý thì các đối tượng thù địch lại cho rằng “bùng”.

Các thế lực thù địch cố tình không hiểu rằng, tư tưởng, phương châm chỉ đạo xuyên suốt trong công cuộc đấu tranh PCTNTC của Đảng ta là “kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng”, ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả cụ thể, đáng ghi nhận.

Việc các đối tượng thù địch liệt kê các vụ tham nhũng và quy kết rằng “càng chống, tham nhũng càng bùng” là luận điệu mang ý kiến chủ quan, xuyên tạc và sai lệch về bản chất vấn đề. Bởi lẽ, khi ngày càng có nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực được “đưa ra ánh sáng” để xử lý tức là công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam ngày càng mang lại hiệu quả tích cực.

Trong cuốn Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham những, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ con số cụ thể về xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự liên quan đến tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam: “Trong 10 năm qua (2012-2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm”.

Các số liệu trên cho thấy nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị; quyết tâm nói đi đôi với làm trong công cuộc đấu tranh, phát hiện và xử lý “giặc nội xâm”, đập tan những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

“Chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm như vừa qua. Đây là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới” - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong cuốn sách trên.

Lâm Viên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202307/cuoc-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-cua-viet-nam-ngay-cang-co-ket-qua-tich-cuc-3171307/