Cuộc đấu trí chưa thấy hồi kết giữa Mỹ và Nga

Nga và Mỹ đang cố thuyết phục đối phương rằng cái giá phải trả cho cuộc tấn công là quá đắt. Nhưng sự mơ hồ trong ý định của hai bên đang làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm.

Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Moscow và Washington đang “chơi một trò chơi” ngày càng rủi ro và phức tạp, nhằm đạt được mục tiêu của họ mà không cần đến một tiếng súng nào.

Ngoại giao truyền thống chỉ là một phần trong trò chơi này. Các hoạt động triển khai quân sự, lệnh trừng phạt, đóng cửa đại sứ quán và rò rỉ thông tin tình báo, chỉ để chứng minh mỗi bên sẵn sàng hành động hay chấp nhận một số rủi ro nhất định.

Những gì Nga và Mỹ đang làm là một hình thức đàm phán có tính rủi ro cao, nhằm giải quyết tương lai của châu Âu một cách dứt khoát như được quyết định bằng chiến tranh. Các bên sẽ liên tục cảnh báo về một cuộc xung đột thay vì trực tiếp tiến hành nó.

Chủ ý khó đoán định

Bằng cách chuyển hàng nghìn binh sĩ tới biên giới Ukraine, Nga hy vọng sẽ thuyết phục được Washington và Kyiv rằng họ sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh lớn để đạt được mục đích. Vì vậy, các nước này tốt nhất nên đáp ứng yêu cầu của Nga một cách hòa bình.

Trong khi đó, bằng cách cảnh báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra, thậm chí đóng cửa đại sứ quán và thề trả đũa kinh tế, chính quyền Biden muốn Moscow thấy rằng không thể mong đợi sự nhượng bộ từ Mỹ. Do đó, sự leo thang quân sự sẽ trở nên vô ích.

 Các binh sĩ Mỹ đến Đông Âu hôm 14/2 từ căn cứ Fort Bragg, Bắc Carolina, Mỹ. Ảnh: New York Times.

Các binh sĩ Mỹ đến Đông Âu hôm 14/2 từ căn cứ Fort Bragg, Bắc Carolina, Mỹ. Ảnh: New York Times.

Hai bên đã thực hiện một loạt hành động với chủ ý trên trong thời gian gần đây. Nhưng càng cố gắng khiến đối phương tin vào sự đe dọa của mình, họ càng làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm có thể xảy ra, vượt ngoài tầm kiểm soát.

Mỗi bên cũng duy trì sự mơ hồ về những gì họ sẽ chấp nhận hoặc sẽ làm, với hy vọng buộc đối thủ của mình phải chuẩn bị cho mọi tình huống.

Nhà Trắng nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ quyết định nên xâm lược hay không trong tuần này, nhằm giảm bớt sự mơ hồ có chủ ý của Moscow.

Ngay sau đó, hôm 15/2, Nga đã rút bớt một số lực lượng ở biên giới Ukraine trong khi tiếp tục các “trò chơi quân sự” gần đó và chuẩn bị công nhận hai vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine là nước độc lập, theo Xinhua.

Bằng cách “giả vờ” giảm leo thang căng thẳng và tăng nguy cơ xâm lược cùng lúc, Moscow muốn khiến phương Tây bối rối và phải chuẩn bị cho cả hai trường hợp.

Kết quả là một "canh bạc" ngoại giao hỗn độn và rủi ro không hề thua kém một cuộc chiến tranh.

Trò chơi thuyết phục

Với vị thế của mình, Moscow và Washington đang chật vật giải quyết hai câu hỏi về khả năng xung đột ở Ukraine.

Liệu một cuộc xâm lược có mang lại cho Nga nhiều lợi ích hơn là thiệt hại? Và liệu phương Tây có dè chừng hơn Nga trước những thiệt hại mà biện pháp trừng phạt của ông Biden sẽ gây ra, và từ bỏ chúng?

 Tổng thống Nga Putin đã phát đi tín hiệu rằng ông sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh lớn để đạt mục tiêu. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Nga Putin đã phát đi tín hiệu rằng ông sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh lớn để đạt mục tiêu. Ảnh: New York Times.

Nếu Moscow có thể thuyết phục Washington rằng câu trả lời cho cả hai đều là “có”, ông Biden và các đồng minh sẽ buộc phải kết luận rằng tốt hơn hết họ nên nhượng bộ để ngăn Nga phát động chiến tranh.

Nhưng nếu Washington có thể thuyết phục Moscow rằng cả hai câu trả lời đều là “không”, ông Putin sẽ phải lùi bước để cắt giảm tổn thất.

Những động thái gần đây như chuyến thăm đến Trung Quốc của ông Putin hay thái độ “bất cần” của các đại sứ Nga với các lệnh trừng phạt, cho thấy Nga sẵn sàng chịu những tổn thất có thể dự đoán trước cho một cuộc chiến.

Nhưng tất nhiên, nếu chiến tranh thực sự có lợi như vậy thì nó đã bắt đầu. Điều này cho thấy ông Putin có thể đang lừa dối một phần, dù không thể nói trước là bao nhiêu.

Tuy nhiên, các mối đe dọa và trò “lừa bịp” có hiệu quả tốt nhất khi được củng cố bằng hành động. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra cuộc chiến mà không bên nào thực sự mong muốn.

Và những nỗ lực này rất phức tạp bởi mỗi bên cần thuyết phục nhiều đối tượng về những điều trái ngược nhau.

Ông Biden phải thuyết phục ông Putin rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ rất nghiêm khắc. Đồng thời, ông phải khiến châu Âu - những quốc gia sẽ chịu nhiều tổn thất - tin rằng các lệnh trừng phạt sẽ không ảnh hưởng quá nặng nề hoặc được thực hiện mà không có sự đồng ý của họ.

Tương tự, ông Putin đang tìm cách thể hiện trước các nhà lãnh đạo phương Tây rằng Nga đã sẵn sàng cho chiến tranh. Nhưng ông cũng phải thuyết phục những công dân không thích chiến tranh ở nước mình rằng ông đang bị lôi kéo, chẳng hạn bằng những tuyên bố sai trái về sự hung hăng của Mỹ và Ukraine.

Sự khác biệt về văn hóa chính trị

“Hệ thống của (Mỹ) cởi mở hơn nhiều so với của chúng tôi. Điều đó tạo ra rất nhiều hiểu lầm", Alexander Gabuev, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moscow, cho biết.

 Các binh sĩ Mỹ đến Đông Âu hôm 14/2 từ căn cứ Fort Bragg, Bắc Carolina, Mỹ. Ảnh: New York Times.

Các binh sĩ Mỹ đến Đông Âu hôm 14/2 từ căn cứ Fort Bragg, Bắc Carolina, Mỹ. Ảnh: New York Times.

Ông Gabuev nói rằng quyết định của Điện Kremlin thường bị chi phối bởi một số quan chức tình báo và quân đội, nên Nga có xu hướng tin rằng Washington cũng hoạt động theo cách tương tự.

Do đó, những lời bình luận không toan tính của các sĩ quan quân đội Mỹ được Nga đặc biệt coi trọng, trong khi các nhà lập pháp dẫn dắt phần lớn chính trường của Washington lại bị phớt lờ. Điều này cản trở nỗ lực thuyết phục Nga tin vào những lời đe dọa của Mỹ.

Những hiểu lầm như vậy trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây, khi Washington và Moscow trục xuất các nhà ngoại giao của nhau và chấm dứt nhiều cuộc trao đổi không chính thức. Điều này cản trở tầm nhìn của họ về nền chính trị của đối phương.

Washington và Moscow càng ít hiểu nhau thì họ càng khó giải mã tín hiệu và dự đoán phản ứng của đối phương.

Trong khi đó, ông Putin ngày càng bị ảnh hưởng bởi các quan chức an ninh, những người có xu hướng hiếu chiến và thiếu tin tưởng phương Tây, theo học giả Adam E. Casey và Seva Gunitsky tại Đại học Michigan (Mỹ).

Và khi cuộc khủng hoảng càng kéo dài, sẽ có nhiều cơ hội xảy ra sai lầm hơn. “Mỗi ngày trôi qua chúng ta không giải quyết nó (cuộc khủng hoảng), khả năng xảy ra sai sót sẽ càng tăng lên”, tiến sĩ Yarhi-Milo, học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia, cho biết.

Hải Linh

Theo: New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-dau-tri-chua-thay-hoi-ket-giua-my-va-nga-post1296517.html