Cuộc đấu trí giữa Internet Archive, độc giả và giới xuất bản Mỹ
Sau kết quả vụ kiện năm ngoái với Hachette, HarperCollins, Penguin Random House và Wiley, thư viện số Internet Archive (IA) đã phải gỡ bỏ khoảng 500.000 đầu sách, theo Arstechnica.
Trong một bài đăng gần đây, Internet Archive (IA) cho biết việc các nhà xuất bản yêu cầu họ gỡ bỏ sách đã gây ra "tổn thất nặng nề" cho những độc giả vốn nhờ vào IA để tiếp cận kiến thức.
Trước tình hình này, Internet Archive đang tiến hành kháng cáo, hi vọng thuyết phục được tòa phúc thẩm Mỹ rằng việc họ cho độc giả đọc sách điện tử (ebook) miễn phí thông qua một thư viện khẩn cấp quốc gia là phù hợp với luật bản quyền. Họ dự định lập luận rằng các nhà xuất bản không đưa ra được bằng chứng cho thấy thị trường sách điện tử bị thiệt hại từ hành động của họ.
Chris Freeland, Giám đốc dịch vụ thư viện của Internet Archive chia sẻ: “Chúng tôi sử dụng công nghệ tiêu chuẩn trong ngành để hạn chế sách bị tải xuống và phân phối lại - điều các nhà xuất bản khác cũng đang làm. Nhưng họ lại kiện chúng tôi và nói rằng chúng tôi không được cho độc giả mượn sách trong kho của mình. Họ buộc chúng tôi phải xóa hơn nửa triệu cuốn sách khỏi thư viện và đó là lý do chúng tôi kháng cáo".
Phiên tranh luận đầu tiên của Internet Archive trong quá trình kháng cáo diễn ra vào ngày 28 tháng 6 tới.
Freeland bày tỏ: “Chúng tôi chỉ muốn khách hàng của thư viện mượn và đọc những cuốn sách chúng tôi sở hữu, giống như bất kỳ thư viện nào khác”. Ông cũng cho rằng các thư viện phải được phép thực hiện sứ mệnh cung cấp kiến thức, dù ở dạng bản in hay số hóa và “mọi độc giả đều có thể tiếp cận kiến thức một cách bình đẳng và công bằng, bất kể họ sống hoặc học tập ở đâu”.
Độc giả của Internet Archive lên tiếng
Sau khi kết quả phiên tòa giữa Internet Archive và các nhà xuất bản lớn được công bố, số lượng sách Internet Archive sở hữu dần bị thu hẹp lại. Nhiều cuốn sách bị gỡ và khi độc giả truy cập, trang web hiện thông báo “không thể mượn được”.
Ông Freeland cho biết kể từ đó, Internet Archive đã “ngập lụt” trong yêu cầu từ độc giả trên toàn thế giới khi họ tìm kiếm những cuốn sách bị xóa. Và "chúng tôi được gọi tên trên mạng xã hội mỗi ngày và mọi người hỏi 'tại sao thư viện bị thiếu nhiều sách đến vậy'?”, ông chia sẻ.
Trong một bức thư ngỏ gửi tới các nhà xuất bản, hiện có chữ ký của gần 19.000 người, độc giả bày tỏ mong mỏi giới xuất bản xem xét lại việc buộc Internet Archive gỡ bỏ nhiều cuốn sách và giúp Internet Archive nhanh chóng khôi phục quyền truy cập vào những cuốn sách này.
Lý giải cho bức thư của mình, các độc giả đề cập đến tác động tiêu cực về mặt tri thức đối với các học giả, sinh viên và nhà giáo dục, "đặc biệt là trong các cộng đồng còn thiếu thốn, nơi khả năng tiếp cận tài liệu bị hạn chế”.
Công chúng cũng lập luận rằng việc gỡ bỏ sách đã giáng "một đòn nghiêm trọng vào các gia đình có thu nhập thấp, người khuyết tật, cộng đồng vùng sâu vùng xa và người LGBTQ+, cùng nhiều cộng đồng khác", những người có thể không được phép tiếp cận thư viện địa phương hoặc họ cảm thấy "không an toàn khi truy cập thông tin ở nơi công cộng".
Bức thư viết: “Việc các ông (giới xuất bản Mỹ) loại bỏ những cuốn sách này sẽ cản trở sự tiến bộ và phát triển trong học thuật, cũng như gây nguy hiểm cho việc bảo tồn kiến thức văn hóa và lịch sử của chúng ta”.
Một độc giả của Internet Archive từ Boston, Mỹ viết: “Tôi hiểu các nhà xuất bản và tác giả phải kiếm được lợi nhuận, nhưng hầu hết tài liệu tôi đang cố gắng truy cập đều đã có từ rất lâu. Tác giả của những tài liệu này đã qua đời và nhà xuất bản cũng đã ngừng tái bản”.
Một người khác đến từ Australia viết: “Những cuốn sách trên archive.org là một nguồn tài nguyên quan trọng đối với tôi và nhiều người như tôi. Một lượng lớn tài liệu như vậy chưa bao giờ được phát hành ở nơi tôi sống và tôi không có nhiều lựa chọn về chủ đề để đọc".
Phản ứng cứng rắn từ giới xuất bản
Trước động thái của Internet Archive và độc giả, người phát ngôn của Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ (AAP), đơn vị cũng tham gia vào vụ kiện, đã lên tiếng bảo vệ quyết định gỡ bỏ sách trên Internet Archive.
Tuyên bố của Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ cho biết: “Việc xóa các tác phẩm văn học trên nền tảng Internet Archive đã được tòa án liên bang đưa ra với sự đồng thuận của Internet Archive. Và quyết định này dựa trên hành vi vi phạm bản quyền rõ ràng của họ. Nói tóm lại, Internet Archive đã phổ biến các tác phẩm văn học đến toàn thế giới trong khi từ chối đảm bảo quyền lợi cần thiết cho các tác giả và nhà xuất bản đã thực hiện những tác phẩm đó".
Nhằm giải quyết mâu thuẫn này, bức thư ngỏ của độc giả cũng đã đề cập tới việc “khuyến khích các nhà xuất bản làm việc cùng Internet Archive để vừa hỗ trợ được tác giả và vừa đảm bảo lợi ích cho công chúng, chẳng hạn như bán sách điện tử cho các thư viện để họ có quyền sở hữu, lưu hành và duy trì”.
Về khả năng giới xuất bản Mỹ chấp thuận bức thư ngỏ này, trang Tech Dirt cho rằng cơ hội rất mong manh. Gần như chắc chắn IA sẽ phải tiếp tục tìm cách củng cố dữ liệu và lập luận trong quá trình kháng cáo. Ông Freeland dự kiến có thể mất vài tháng hoặc thậm chí hơn một năm trước khi có quyết định cuối.
Một độc giả của Internet Archive ở vùng nông thôn Ấn Độ đang lo ngại nếu các nhà xuất bản giành chiến thắng cuối cùng, nhiều người như cô sẽ vĩnh viễn không thể tiếp cận được một nguồn tài nguyên tri thức đáng tin cậy như vậy. "Nếu các ông định cấm cung cấp những tài nguyên tri thức này trên mạng Internet, vậy chúng tôi thì sao?", cô gái đặt câu hỏi.