Cuộc đối đầu năng lượng góp phần định hình lại quan hệ Mỹ và Venezuela năm 2025
Sự trở lại của ông Donald Trump và việc ông Nicolás Maduro tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và Venezuela, AFP dự báo.
Theo phân tích của hãng tin Pháp, hai nhân vật đại diện cho sự phân cực sâu sắc về ý thức hệ, nơi lợi ích năng lượng và căng thẳng ngoại giao hòa hợp trong cuộc đối đầu có tầm ảnh hưởng vượt ngoài các biên giới khu vực.
AFP kể lại, kể từ năm 2013, Caracas đã trở thành điểm nóng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Giữa các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, khủng hoảng kinh tế và tính thực dụng cần thiết để duy trì quyền tiếp cận chiến lược với dầu mỏ Venezuela, mối quan hệ giữa hai quốc gia dao động giữa đối đầu và sự phụ thuộc lẫn nhau. Vào năm 2025, khi chính quyền Trump chuẩn bị tăng cường các biện pháp trừng phạt, Venezuela, dù yếu kém nhưng vẫn mang tính chiến lược, tiếp tục là một yếu tố quan trọng trong bức tranh năng lượng toàn cầu.
Vào ngày 10 tháng 1 năm 2025, ông Nicolás Maduro đã bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của mình. Được coi là "bất hợp pháp" bởi Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh, lễ nhậm chức này đánh dấu một chương mới trong cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng leo thang.
AP cho biết, Bộ Tài chính Mỹ đã gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Tổng thống Maduro, nhắm vào tám cộng sự thân cận của ông, trong đó có Hector Andres Obregon Perez, chủ tịch PDVSA. Theo S&P Global, các biện pháp trừng phạt mới đi kèm với các hạn chế bổ sung đối với xuất khẩu dầu mỏ, gia tăng áp lực lên nền kinh tế đã gần như bị tê liệt.
Sự trở lại của các biện pháp trừng phạt tối đa?
Vào ngày 20 tháng 1 năm 2025, ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã đánh dấu sự leo thang căng thẳng với chính quyền Tổng thống Maduro, đặc biệt là việc công nhận Juan Guaidó là tổng thống hợp pháp và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt. Sự trở lại của ông Trump có thể làm gia tăng sự cứng rắn trong chính sách này, đặc biệt là các biện pháp hạn chế mạnh mẽ hơn đối với xuất khẩu dầu mỏ.
Tuy nhiên, trước khi rời nhiệm sở, chính quyền Biden đã gia hạn một số giấy phép đặc biệt cho phép Chevron và các công ty Mỹ khác tiếp tục hoạt động tại Venezuela. Mặc dù biện pháp này gây tranh cãi, nhưng mục đích nhằm bảo đảm dòng chảy dầu mỏ Venezuela hạn chế nhưng có chiến lược sang Mỹ. Trong một cuộc họp báo vào ngày 10 tháng 1, một quan chức cao cấp của chính quyền Biden đã tuyên bố: "Tùy thuộc vào diễn biến trong những ngày tới, chúng tôi sẵn sàng đưa ra những khuyến nghị cho chính quyền mới về tương lai của các giấy phép này".
CNN cho rằng động thái này phản ánh sự phức tạp trong các quyết định sắp tới của Trump. Nếu Mỹ muốn duy trì sức ép tối đa lên chính quyền ông Maduro, họ cũng sẽ phải cân nhắc đến các lợi ích kinh tế trong nước, đặc biệt là sự phụ thuộc của các nhà máy lọc dầu Mỹ vào dầu thô nặng từ Venezuela.
Vai trò quyết định của dầu mỏ
Theo AFP, với trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, Venezuela vẫn là một nhân tố then chốt, mặc dù ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này đã sụp đổ. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã làm suy yếu PDVSA, hạn chế quá trình khai thác và cản trở khả năng tiếp cận ngoại tệ của quốc gia này.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau vẫn tồn tại. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ, được thiết kế để xử lý dầu thô nặng từ Venezuela, đóng một vai trò quan trọng trong chính sách năng lượng của Mỹ. Mối quan hệ phụ thuộc này buộc Washington phải cân bằng giữa các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt và tính thực dụng cần thiết để tránh các gián đoạn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Hướng đến chính sách ngoại giao cứng rắn
Bộ Ngoại giao Mỹ đã tăng cường nỗ lực nhằm cô lập chính quyền Venezuela.
Sự trở lại của ông Trump đặt nền tảng cho một cuộc đối đầu ngoại giao lớn. Nếu ông Trump quyết định gia tăng các biện pháp trừng phạt, ông Maduro có thể tìm cách tăng cường liên minh với các đối tác như Trung Quốc và Nga.
Động thái này có thể sẽ làm thay đổi các cân quyền lực ở Mỹ Latinh, khi Washington tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của Caracas trong khi vẫn bảo vệ các lợi ích năng lượng.
Tương lai bất định cho quan hệ song phương
Năm 2025 hứa hẹn sẽ là giai đoạn then chốt đối với quan hệ giữa Mỹ và Venezuela. Những quyết định của hai nhà lãnh đạo, dù có tính phân cực và khó đoán, sẽ có tác động lớn đến địa chính trị khu vực và các thị trường năng lượng toàn cầu.
Bất chấp các căng thẳng, dầu mỏ vẫn là yếu tố then chốt trong mối quan hệ đầy mâu thuẫn này. Trong khi ông Trump có thể tăng cường sức ép, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai quốc gia có thể xoa dịu tính cực đoan và duy trì sự cân bằng mong manh giữa tính thực dụng kinh tế và đối đầu về hệ tư tưởng.