Cuộc đời giai nhân nức tiếng Lê Hằng, từng là 'nàng thơ' của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn

NSƯT Lê Hằng – ca sĩ nổi tiếng những năm 50-60 vừa qua đời vì ung thư tại nhà riêng sau nhiều tháng chống chọi với bệnh tật. Sinh thời, bà từng được biết đến là 'nàng thơ' trong nhiều sáng tác của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, mà một trong số đó là giai phẩm 'Tà áo xanh' nức tiếng.

NSƯT Lê Hằng (còn có tên Thanh Hằng) tên thật là Lê Lệ Hào, sinh năm 1935 tại làng Giáp Nhị, Thanh Trì, Hà Nội trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật.

Do hoàn cảnh khó khăn, bà phải nghỉ học sớm và đan len thuê. Nhưng nhờ trời phú cho giọng hát trong trẻo, cao vút, bà sớm bén duyên với nghệ thuật.

Sau khi giành giải Nhất cuộc thi hát do Đài phát thanh Hà Nội tổ chức, Lê Hằng được mời hát cho các rạp Long Biên, Đại Đồng, Tháng Tám, Công Nhân…

Là ca sĩ nổi tiếng, khi thủ đô Hà Nội được giải phóng, Lê Hằng tham gia tích cực vào các hoạt động văn nghệ của đoàn thể lúc bấy giờ. Bà gia nhập đoàn Văn công Sư đoàn 312, rồi sau đó trở thành nữ ca sĩ chính của đoàn Văn công Quân khu Việt Bắc cho tới khi về hưu năm 1985. Ca khúc "Trước ngày hội bắn" do nữ nghệ sĩ thể hiện, cho đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến như một thành công, đưa tên tuổi bà đến với đông đảo công chúng lúc bấy giờ.

Vẻ đẹp của giai nhân một thời khi về già vẫn khiến người ta ngưỡng mộ

Vẻ đẹp của giai nhân một thời khi về già vẫn khiến người ta ngưỡng mộ

Chia sẻ về sự ra đi của danh ca Lê Hằng, nhà văn Trương Quý viết: "NSƯT Lê Hằng, người từng đoạt giải thủ khoa kỳ thi hát tại đài phát thanh Hà Nội 1953, ngôi sao ca nhạc Hà Nội năm 1954, nàng thơ của sân khấu Đại Đồng, nguyên mẫu của những Lá đổ muôn chiều, Tà áo xanh, Chiếc lá cuối cùng, Bài ca bị xé, Tâm sự, Màu nắng có bao giờ phai đâu... Người thành công với các bài hát Tan tác, Đêm xuân, Hướng về Hà Nội, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Trước ngày hội bắn, Suối Mường Hum chảy mãi, Lời anh vọng mãi ngàn năm... Người không hát bài hát nào Đoàn Chuẩn viết cho mình. Người có thể đã thành ngôi sao ở Sài Gòn nếu như không chọn ở lại năm 1954. Người đã chọn làm một cô văn công sống thời tuổi xuân ở miền núi... Xin được chia buồn cùng gia đình các chị con cô Hằng và tưởng nhớ một người phụ nữ đẹp đã giúp tôi hoàn thành mảnh ghép về một Hà Nội thời ấy".

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng kể một kỷ niệm về NSUT Lê Hằng có chút liên quan đến cha anh: "Đó là năm 1962, bố tôi cũng tham gia Hội diễn văn nghệ toàn miền Bắc và giành Huy chương Vàng. NSƯT Lê Hằng giành 3 huy chương, trong đó có Huy chương Vàng. Huy chương Vàng lúc đấy rất quý, bởi đây là một hội diễn lớn, cả chuyên và không chuyên, trong khi nó mang tầm cỡ toàn quốc bởi thời điểm đó đất nước vẫn còn đang chia cắt.

Lúc đó bố tôi đại diện cho tỉnh Cao Bằng, cũng thời điểm này, bố được nhận về Đoàn Ca múa Tổng cục chính trị (Nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội). Dù bố rất thích nhưng có thể do duyên, và nhiều điều khác nữa về thủ tục hành chính thời đó khiến bố tôi không được thực hiện mong muốn về công tác tại đoàn với tư cách một ca sĩ chuyên nghiệp sở hữu giọng nam cao.

Dẫu thế, việc đoạt Huy chương Vàng và được tuyển về Đoàn Tổng cục chính trị luôn là dấu ấn đẹp bố kể cho chị em tôi thuộc nằm lòng từ thời bé".

Là cảm hứng cho nhiều ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nhưng điều bất ngờ là bà chưa từng hát ca khúc nào của ông, dù có quen biết ngoài đời.

Danh ca Lê Hằng khi còn trẻ

Danh ca Lê Hằng khi còn trẻ

Nói về lý do này, bà chia sẻ trong chương trình "Chân dung cuộc tình" tháng 10/2019. Bà xác nhận ca khúc kinh điển "Tà áo xanh" là cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết cho mình: "Tôi biết ông ấy sáng tác ca khúc đó cho tôi vì tôi hay mặc áo xanh. Bài hát ông viết về tôi, tôi rất cảm ơn. Tuy nhiên, bảo hát thì tôi không hát. Người ta viết về mình, mà mình lại ca ngợi nó thì không được. Thế nên tôi để cho người khác hát".

Về giai thoại nhạc sĩ Đoàn Chuẩn từng say mê bà nên mới viết được những giai điệu đẹp và lãng mạn đến thế, nữ nghệ sĩ từng chia sẻ: "Bản thân tôi không biết nhạc sĩ Đoàn Chuẩn có nói rằng quý mến tôi với ai không nhưng chưa bao giờ ông ấy nói điều đó với tôi cả. Ngày ấy, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là chủ rạp Đại Đồng, tôi là ca sĩ hát ở đó nên chỉ làm việc với tư cách ca sĩ và ông chủ rạp phim. Tôi chủ yếu làm việc với người quản lý của ông ấy. Rất ít khi chúng tôi nói chuyện trực tiếp với nhau. Hơn nữa, khi ấy, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã có gia đình.

Tôi chỉ nhớ một lần, tôi cùng mấy anh em nhạc công tới chúc Tết gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, đang ngồi trò chuyện, nhìn thấy đám lá vàng rơi xao xác bên cửa sổ, tôi buột miệng 'Sao mùa xuân rồi mà vẫn có lá vàng rơi nhỉ?'. Mấy ngày sau, có việc tới nhà ông, tôi nhìn thấy một bản nhạc đang viết dở để trên bàn, trong đó có câu: 'Anh còn nhớ em nói rằng sao mùa xuân lá vẫn rơi/ Sao mùa xuân lá vẫn bay…' (lời trong ca khúc nổi tiếng 'Tà áo xanh'). Tôi cũng chưa bao giờ hát một bài nào của ông ấy".

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vốn là một công tử nổi tiếng đất Hải Phòng

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vốn là một công tử nổi tiếng đất Hải Phòng

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vốn là một công tử nhà giàu đất Hải Phòng, lại rất đẹp trai, tính cách lãng mạn, phóng khoáng nên xung quanh cuộc sống của ông cũng phủ nhiều giai thoại về các cuộc tình. Có những cuộc tình chỉ 3 phần thực, 7 phần hư ảo. Tuy nhiên với Tà áo xanh thì được nhiều người xác nhận.

Trong ca khúc Tà áo xanh, ông viết: "Anh còn nhớ em nói rằng/Sao mùa xuân lá vẫn rơi?/Sao mùa xuân lá vẫn bay?". Và để trả lời người giai nhân kia là những ca từ buồn thương: "Em ơi, có hoa nào không tàn/có trời nào không mây/có tình nào không phai?". Vì thế, nó còn có tên khác là Dang dở.

Không chỉ là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, với vẻ đẹp đoan trang và giọng hát trong trẻo, NSƯT Lê Hằng từng là cái tên bán vé ở các rạp Hà Nội. Bà cũng được rất nhiều chàng trai nhà giàu theo đuổi. Vậy nhưng, bà luôn khiêm tốn rằng: "Nhiều người khen tôi đẹp, nhưng thật lòng tôi thấy mình cũng chỉ dễ nhìn, vừa vừa thôi".

Những bức ảnh về nữ danh ca được nhà văn Trương Quý chia sẻ

Những bức ảnh về nữ danh ca được nhà văn Trương Quý chia sẻ

Trong những bức ảnh của nghệ sĩ Lê Hằng mà nhà văn Trương Quý vừa chia sẻ trên trang cá nhân, ngay cả khi tóc đã bạc phơ, vẻ đẹp của giai nhân một thời vẫn khiến cho người xem ngưỡng mộ. "Dù nhiều tuổi, bà Lê Hằng vẫn đẹp lắm, tính tình đúng kiểu người Hà Nội cũ: Kỹ lưỡng, nề nếp, khiêm nhường, thư thái", nhà văn Trương Quý nói.

Nổi tiếng là vậy nhưng giai nhân một thời có đời sống khá lặng lẽ, giản dị bên chồng và các con. Con gái của nữ nghệ sĩ cho biết cách đây hơn 10 năm bà bị đột quỵ nên mất đi giọng hát.

Nữ danh ca nhạc đỏ phát hiện bệnh ung thư đầu năm 2020 khi ở giai đoạn cuối. Sau gần 9 tháng, bệnh trở nặng và các tế bào ung thư di căn đến nhiều bộ phận trong cơ thể. Những ngày cuối đời, bà điều trị tại nhà riêng theo ý nguyên. Hôm 16/3, bà yếu hơn, khó thở nên các con đưa vào viện cấp cứu. Con gái của nữ nghệ sĩ cho biết bà ra đi trong vòng tay của con cháu vào tối 18/3 tại bệnh viện 108, thọ 86 tuổi.

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/cuoc-doi-giai-nhan-nuc-tieng-le-hang-tung-la-nang-tho-cua-nhac-si-doan-chuan-20210320091634439.htm