Cuộc đời khổ như chị Dậu của người phụ nữ có 'bàn chân voi', da lột như da rắn
Hơn 20 năm sống chung với đôi 'chân voi' khiến việc đi lại của chị Tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, những ngày đông lạnh, đôi chân ấy lại sưng tấy, bong tróc như da rắn.
Thoạt nhìn, chị Phạm Thị Tỉnh (ở xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) cũng như bao người phụ nữ bình thường với gương mặt phúc hậu, giọng nói trầm, dáng người hơi đậm và bước đi khá chậm chạp. Chị Tỉnh mặc một chiếc quần hoa bạc màu, dáng dài chấm gót, chân đi một đôi dép tổ ong ngoại cỡ, bị rách một bên. Chỉ đến khi chị vén quần lên, để lộ đôi chân khổng lồ, sưng tấy, nhiều người không khỏi giật mình.
Chị Tỉnh sinh ra lớn lên khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Đôi chân hoàn toàn không có biểu hiện gì bất thường. Năm 15 tuổi, chị bị ngã xe đạp, cả người không bị xây xước gì, chỉ duy nhất vết rách nhỏ ở mắt cá chân. Chị chẳng để ý gì đến vết thương ấy, hàng ngày vẫn lội bùn, làm ruộng như thường. Nửa tháng sau, vết rách liền miệng, lên da non. Đấy cũng là thời điểm chị Tỉnh phát bệnh lạ.
Uống vội liều thuốc giảm đau, đưa ánh mắt nhìn xuống chân, chị Tỉnh kể: “Lúc đó, người tôi sốt li bì, chân sưng đỏ như quả gấc. Dần dần nó cứ phù lên như cái cột, ai nhìn cũng phát sợ. Gia đình vội đưa tôi đi bệnh viện huyện, nhưng các bác sĩ không xác định được nguyên nhân. Nhà tôi hồi ấy nghèo lắm, ăn bữa trước còn phải để dành bữa sau, lấy đâu tiền lên Trung ương khám bệnh. Tôi đành chấp nhận sống chung với đôi chân khổng lồ”.
Nhiều người ví chân chị như hai “chiếc cột đình”, chu vi đến 70cm, ước chừng chiếm 1/2 trọng lượng cơ thể. Bắp chân chị còn to hơn phần đùi, phần cổ chân xù xì, khô cứng, lấm chấm những mảng thâm đen. Các ngón chân lại dính chặt vào nhau, ngón to, ngón nhỏ không đều. Đôi chân chị càng nhìn càng giống chân voi. Vì vậy mà biệt danh Tỉnh "chân voi” cũng gắn liền với chị từ đó.
Nhiều lúc cái tên Tỉnh “chân voi” còn bị người lớn đem ra để dọa đám trẻ con trong làng. Người ác miệng còn bảo chị bị bệnh hủi, rồi tránh xa, không dám tiếp xúc. Sau đó, chị chỉ ở trong nhà, thu mình trong căn phòng tối. Nếu có việc cần thiết, chị cũng chỉ dám đi vào buổi tối, để tránh mọi người gièm pha. Tự ti về đôi chân khác người, chị Tỉnh thường chọn cho mình những chiếc quần ống rộng, chấm gót chân để mọi người không chú ý.
“Năm 2016, tôi ra Viện Sốt rét – Ký sinh trùng Trung ương để khám, bác sĩ cho biết tôi mắc phải căn bệnh giun chỉ phù voi. Vì bệnh để lâu đã ngấm vào máu rồi nên rất khó chữa. Hơn nữa, chi phí chữa trị cũng rất tốn kém, họ khuyên tôi mua thuốc về uống và điều trị cầm chừng”, chị Tỉnh cho hay.
Từ khi mắc bệnh lạ chị Tỉnh không thể làm việc đồng áng nữa. Mỗi lần lội bùn, hai chân chị lại mẩn đỏ, ngứa rát. Để có tiền trang trải cuộc sống chị phải nhặt sen, xoáy long nhãn… ngày ít thì được dăm bảy chục nghìn đồng nhiều thì được 100 nghìn đồng, chỉ đủ rau cháo qua ngày.
Hạnh phúc “chóng nở, sớm tàn”
Trước khi bị bệnh lạ, chị cũng được nhiều trai làng để ý. Nhưng từ khi sống chung với đôi chân khổng lồ, chẳng mấy ai ngó ngàng đến chị. Đến năm 28 tuổi, chị gặp anh Nguyễn Văn Tiến, một người hơn chị rất nhiều tuổi. Ít lâu sau, hai người nên duyên vợ chồng.
Những tưởng những bất hạnh mà chị từng trải qua sẽ được bù đắp bằng tình yêu đôi lứa. Năm 2009, chị Tỉnh sinh bé lớn, sau đó 3 năm chị mang thai bé thứ 2.
“Chỉ còn 12 ngày nữa là tôi hạ sinh bé thứ hai, tối hôm trước hai vợ chồng tôi còn chuẩn bị đồ cho con, thì hôm sau tôi nhận được tin chồng đột ngột qua đời”, tiếng nói chị Tỉnh xen trong tiếng khóc.
Nhận hung tin, chị Tỉnh không đứng trụ nổi, hai tay nắm chặt thành giường, khóc không thành tiếng. Đó là những ngày tháng ám ảnh kinh hoàng mà chị không bao giờ muốn nhắc lại. Từ ngày chồng mất, bát cơm của chị luôn chan đầy nước mắt. Nhiều hôm nghĩ không buồn ăn, nhưng nghe tiếng con lớn khóc, con nhỏ đạp trong bụng, chị đành nén đau thương, cố nuốt vì các con.
Những đứa trẻ chưa từng biết “mùi” áo mới
Ông trời lấy đi của chị nhiều thứ, nhưng lại bù đắp cho chị hai cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn. Năm nay, bé lớn Nguyễn Thị Kim Anh đã lên lớp 7, bé thứ hai Nguyễn Thị Thu Hà học lớp 4. Cả hai chị em có vóc dáng nhỏ hơn bạn bè cùng trang lứa, nhưng đã biết phụ giúp mẹ từ những việc nhỏ nhặt trong gia đình như nấu cơm, thông sen, xoáy nhãn…
Mười mấy năm trôi qua, hai chị em chưa từng một lần được diện những chiếc áo mới. Tất cả quần áo hai em có đều là do mọi người cho. Nhưng chưa bao giờ Kim Anh và Thu Hà đòi mẹ phải mua cho cái này, cái kia như các bạn. Với các em, chỉ cần mẹ khỏe mạnh, thế là đủ.
Khi được hỏi về ước mơ, Thu Hà ánh mắt sáng ngời, miệng cười tươi nói: “Con thích làm đầu bếp, để nấu thật nhiều món ăn ngon cho mẹ con ăn. Mẹ con nấu ăn ngon lắm, nhất là món bắp cải luộc, nộm su hào, xà lách sốt cà chua...” Những món ăn đơn giản, mọi người vẫn ăn hàng ngày, nhưng qua lời kể của Thu Hà, bỗng trở nên thật đặc biệt hơn bất kỳ “sơn hào hải vị” nào khác.
Còn Kim Anh ra dáng chị cả, cô bé điềm tĩnh trả lời: “Con làm gì cũng được, nhưng phải làm ra nhiều tiền nuôi sống mẹ con ạ”. Nghe hai con chia sẻ về ước mơ, chị Tỉnh quay mặt, lấy tay lau vội hai hàng nước mắt đang lăn dài trên má.
Hiện cuộc sống của ba mẹ con đều dựa vào chút tiền trợ cấp và số tiền ít ỏi kiếm được từ việc xoáy long nhãn qua ngày. Hễ có ai cho tiền, chị lại đem cất thật kín để trang trải học phí cho các con.
Những ngày ngày gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hai em phải sang nhà ông ngoại “bắt" wifi để học online. Nhà chỉ có một chiếc điện thoại duy nhất, chị Tỉnh phải chia đều, Kim Anh học sáng, Thu Hà học chiều. Nhiều hôm bị trùng lịch, một trong hai chị em đành phải chấp nhận hủy lịch học.
Chiều nay Hưng Yên có đợt không khí lạnh tăng cường, đôi chân của chị Tỉnh lại “dở chứng” sưng đỏ, tê bì. Còn 5kg nhãn cuối cùng, không cố được nữa, chị đành phải cân lại cho người khác bóc. Thấy mẹ đi xoáy nhãn từ xa về, hai đứa trẻ hét lớn: “A, mẹ đã về, mẹ có mệt không…”
Ngay sau khi chị Tỉnh ngồi xuống manh chiếu rách giữa nhà nghỉ ngơi, Thu Hà liền sà vào lòng mẹ, hai tay bóp nhẹ vào chân và hỏi: “Hôm nay chân mẹ có đau nhiều không”. Chị Tỉnh lắc đầu: “Mẹ không đau, mẹ hết đau rồi…”
Bên ngoài căn nhà cấp bốn, gió mùa Đông Bắc đang rít lên từng hồi lạnh lẽo nhưng trong nhà vẫn ấm áp, ngập tràn tiếng nói cười của ba mẹ con.