Cuộc đời li kỳ của 'trùm tài phiệt' nức tiếng Sài Gòn xưa
Ông Nguyễn Tấn Đời được mệnh danh là 'trùm tài phiệt' thứ thiệt, cái gì cũng buôn, từ vải vóc, vật liệu xây dựng, bất động sản, ngân hàng...
Giai đoạn 1950-1975, Sài Gòn có nhiều doanh nhân thành đạt, trong đó phải kể đến ông Nguyễn Tấn Đời - "trùm tài phiệt" thứ thiệt. Ông đã viết hồi ký chi tiết về cuộc đời mình với nhiều tình tiết li kỳ như trắng tay làm lại cuộc đời từ đầu, buộc phải làm chủ ngân hàng sắp phá sản rồi vực dậy thành công, sang Canada bắt đầu lại từ con số 0.
Tay trắng khởi nghiệp với nhiều nghề
Ông Nguyễn Tấn Đời sinh năm 1922 tại làng Bình Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Ông nội Nguyễn Tấn Đời là một trong những đại gia tiếng tăm ở làng Bình Hòa lúc bấy giờ. Vì thế, từ nhỏ ông đã được gia đình cho ăn học đàng hoàng. Thời gian ở Long Xuyên, ông Nguyễn Tấn Đời vừa học vừa lùa bò thuê.
Năm 1945, ông Nguyễn Tấn Đời lên Sài Gòn theo học bậc cao đẳng tiểu học nhưng Cách Mạng Tháng Tám nổ ra khiến việc học gián đoạn. Ông về quê nhà rồi lại lên Sài Gòn vì chiến tranh lan đến làng quê nhỏ.
Lúc mới lên Sài Gòn, không tiền bạc, không người thân thích, ông phải lân la khắp nơi tìm việc làm, đêm đến ngủ ngoài hiên một ngôi nhà ở đường Lý Chính Thắng (quận 3). Sau đó, ông vào làm sổ sách cho một hãng buôn của người Pháp nhưng lại nhanh chóng bỏ việc vì nhàm chán. Ông chọn nghề môi giới làm công việc mưu sinh. Ông tập trung vào mặt hàng vải vóc, vật liệu xây dựng và giàu lên nhanh chóng.
Năm 1949, ông Đời kinh doanh tiền tệ song nhanh chóng phá sản. Không nản lòng, ông quyết định "khởi nghiệp" bằng nghề làm gạch ngói. Bằng sự siêng năng và uy tín trong làm ăn, chỉ hai năm sau, Hãng gạch ngói Đời Tân nhanh chóng vượt những đối thủ trong ngành gạch gói, trở nên nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh, cung cấp cho thị trường từ Sài Gòn, miền Đông cho đến cả miền Tây Nam Bộ.
Đầu thập niên 1950, ông Nguyễn Tấn Đời mở rộng kinh doanh ra nhiều lĩnh vực khác và đều thành công, cả trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực với các doanh nghiệp nước ngoài.
"Vua cao ốc" miền Nam
Sau khi thành công ở nhiều lĩnh vực, ông bắt đầu xây cao ốc cho thuê, nổi danh với nhiều cao ốc đồ sộ lúc đương thời và đem lại cho ông những món lợi kếch xù.
Ông Nguyễn Tấn Đời đã mua cả khu phố cạnh chợ Bến Thành để xây dựng nhà hàng Mai Loan cao 6 tầng - nổi tiếng sang trọng bậc nhất Sài thành với các tiện nghi lần đầu mới có ở Việt Nam lúc bấy giờ như tủ lạnh, máy lạnh... Cao ốc Mai Loan có 125 phòng, toàn bộ số phòng trên đều được thuê, đa số là những người sống độc thân như nhà văn, nhà báo, ca sĩ, vũ nữ...
Năm 1955, ông Nguyễn Tấn Đời xây thêm cao ốc Tân Lộc với 5 tầng lầu, 90 phòng ở số 177 – 179 đường Lê Thánh Tôn. Các căn hộ trong cao ốc này rộng rãi và tiện nghi hơn cao ốc Mai Loan, khi khánh thành cũng được thuê hết.
Sau đó, ông xây thêm cao ốc Victoria ở số 937 đường Trần Hưng Đạo. Cao ốc này được xem là cao nhất và nhiều phòng nhất thời bấy giờ, gồm 240 phòng.
Năm 1962, ông đầu tư xây cao ốc President ở số 727 đường Trần Hưng Đạo với 1.200 phòng.
Đến năm 1963, Nguyễn Tấn Đời cho xây thêm cao ốc Đức Tân ở số 491 đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) và cao ốc Prince ở số 175 - 177 đường Phạm Ngũ Lão.
Theo đó, vào những năm 1960, ông Nguyễn Tấn Đời được xem như “vua” cao ốc của Sài Gòn. Những tòa cao ốc của ông rất đồ sộ, có cái lên đến 1.655 phòng và tất cả được người Mỹ thuê.
Từ trắng trở thành tỷ phú, ông Nguyễn Tấn Đời được người dân cả miền Nam biết đến.
Bên cạnh đó, ông còn tham gia vào nhiều ngành nghề khác, thu khoản lợi nhuận "không phải dạng vừa".
Năm 1967, Ngân Hàng Tín Nghĩa đứng bên bờ vực phá sản. Ông Đời lại là cổ đông lớn chiếm 16% cổ phần, buộc phải mua lại cổ phần của các cổ đông khác và huy động thêm khoản tiền lớn nhằm đảm bảo mức dự trữ tối thiểu để Ngân Hàng Quốc Gia cho phép hoạt động tiếp. Như vậy, ông một lần nữa bất đắc dĩ phải kinh doanh ngành nghề hoàn toàn mới lạ mà không hề có chút kiến thức nào.
Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Đời thành lập mạng lưới Ngân hàng Tín Nghĩa với 32 chi nhánh ở khắp miền Nam. Tài khoản ký thác lên đến 30 tỷ đồng, trong khi tổng số tiền ký thác của các ngân hàng tư khác chỉ khoảng 18 tỷ đồng.
Trắng tay rồi tái khởi nghiệp ở nước ngoài
Năm 1974, các cơ sở của Ngân hàng Tín Nghĩa bị niêm phong, ông Đời ngồi tù tại Chí Hòa. Theo tin tức thời đó, ông Đời phạm vào các tội làm Ngân hàng Tín Nghĩa mất cân đối thu chi và không còn khả năng chi trả cho khách hàng... Nhưng theo dư luận ông bị các đối thủ hạ bệ. Từ một đại gia nức tiếng, ông trở nên trắng tay.
Lúc này, ông lang thang vạ vật tìm đường sang Canada. Tại đây, ông được một người bạn làm ăn cũ người Nhật giúp vốn và hỗ trợ kỹ thuật để mở một nhà hàng Kobe tại Canada. Dần dần ông đã phát triển thành một hệ thống nhà hàng với hàng loạt chi nhánh tại Mỹ như Washington. DC, Texas, Chicago, New York, Califonia, Hawaii, Floriada...Lúc này, tên tuổi của ông lại nổi tiếng như thuở xưa.
Khi đã thành danh nơi đất khách, ông Đời dự định về Việt Nam xin phép kinh doanh các ngành nghề trước kia như mở ngân hàng, xây cao ốc, mở xí nghiệp sản xuất... Tiếc thay, mọi kế hoạch đang tính toán dở dang thì ông lâm bệnh và từ trần vào ngày 6/7/1995 tại Orlando, Florida (Mỹ).