Cuộc đời một kẻ lừa đảo táo tợn nhất thời Liên Xô
Đó từng là một kẻ đội lốt nhà báo quân đội với cái tên giả Valentin Purgin. Golubenko quả là một kẻ quá tinh ranh và táo tợn, sự trơ tráo của kẻ lừa đảo này đến mức khó có thể tin được. Nhưng thực tế là suốt một thời gian dài hắn vẫn nhởn nhơ hoạt động mà không bị trừng phạt ngay trước mắt bộ máy an ninh khổng lồ.
Quá khứ đen tối
Vladimir Golubenko sinh năm 1914 tại Ural trong một gia đình lao động, có cha là công nhân, mẹ là một lao công và tuổi thơ của hắn hoàn toàn không có gì nổi bật. Do không quan tâm nhiều đến việc học hành nên cậu học trò này còn không tốt nghiệp trung học. Năm 19 tuổi, Golubenko lần đầu tiên đi móc ví trên xe điện rồi bị bắt. Khi chưa chấp hành xong bản án, vào năm 1937 hắn lại một lần nữa phải ngồi sau song sắt, lần này với tội danh nghiêm trọng hơn là gian lận và giả mạo giấy tờ.
Kẻ tái phạm trẻ tuổi đã bị đưa đi thi hành án tại trại cải tạo lao động và hắn nhanh chóng bỏ trốn. Ở trên tàu, kẻ vượt ngục đã lục soát đồ của một hành khách ngẫu nhiên và thó được một cuốn hộ chiếu mang tên Valentin Purgin, một người trạc tuổi hắn. Golubenko ngay lập tức nghĩ ra cách sử dụng chiến lợi phẩm này - hắn khéo léo dán ảnh của mình vào đó và bắt đầu một cuộc sống mới.
Kể từ đó, không còn là một kẻ tội phạm đào tẩu, Vladimir Golubenko đã xuất hiện với tư cách là đồng chí Valentin Purgin, người không gây ra bất cứ điều gì sai trái. Lẽ ra, đối với một kẻ tội phạm đang bị truy nã thì điều hợp lý nhất là sẽ nằm im và lẩn trốn, nhưng “Purgin” mới lộ diện thì lại không như vậy. Hắn ta quyết định tìm đường đến với mọi người và ngay từ đầu đã chọn thành phố công nghiệp lớn Sverdlovsk để làm việc. Tại đó, hắn đã không lãng phí thời gian mà lập tức đánh cắp được con dấu của Học viện Vận tải Quân sự và làm giả tấm bằng tốt nghiệp của Học viện này, sau đó xin làm phóng viên cho tờ báo “Putevka”.
Nhưng kế hoạch của Golubenko không phải là một cuộc sống gò bó của một nhà báo ở vùng ngoại ô, hắn bị thủ đô thu hút. Công việc chính thức của hắn với ấn phẩm “Putevka” ở Sverdlovsk đã giúp kẻ lừa đảo được hợp pháp hóa và sau đó hắn đã đến Moscow, có trong tay thư giới thiệu và đầy đủ cả chứng chỉ, văn bằng giả mà hắn đã khéo léo tự chế trong lúc rảnh rỗi. Tại thủ đô, người phóng viên trẻ đến từ Ural đã được tiếp đón một cách ưu ái và là nhà báo đầy triển vọng, “Purgin” hiện diện trong biên chế của tờ báo “Gudok” (Tiếng còi).
Tại đây, Purgin lại gặp may, cuộc sống đã đưa đẩy hắn tiếp cận với quyền Tổng biên tập Arkady Poletaev của báo KP (Sự thật Thanh niên), một trong số những tờ báo quan trọng nhất của Liên Xô. Khi chiếm được niềm tin của Poletaev, tên tội phạm đã thay đổi nơi làm việc và chính thức có chân tại báo KP. Tình bạn với Tổng biên tập thật hữu ích, vào ngày 17-3-1939, Purgin đã được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Quân giới của tòa soạn này. Thế là, từ một công dân với một lý lịch hoàn toàn giả mạo và một quá khứ tội phạm, hắn đã trở thành một người được tôn trọng và có thẩm quyền. Nhưng hắn hiểu rằng con đường tiếp theo của mình sẽ bị đóng lại vì còn thiếu một thứ chính yếu - đó là chứng tích phục vụ Tổ quốc.
Dĩ nhiên, những chuyện như vậy không làm khó được kẻ lừa đảo. Thế là chẳng bao lâu chiếc những huy hiệu và huy chương bắt đầu xuất hiện trên ngực áo của nhà báo quân đội này. Đôi khi, làm như tình cờ, kẻ mạo danh đến tòa soạn với chiếc Huân chương Sao Đỏ trên ngực áo, một giải thưởng hiếm hoi và rất vẻ vang. Trước những câu hỏi của đồng nghiệp, Purgin lúng túng trả lời rằng mình từng là mật vụ của NKVD (Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô) và được Nhà nước đánh giá cao công lao.
Không ai biết được rằng “đồng chí Purgin” đã nhận được tất cả các giải thưởng cao quý của Chính phủ từ tay của… một phụ nữ lao công. Kẻ lừa đảo đã sắp xếp cho người mẹ của mình làm công việc dọn dẹp vào ban đêm trong khuôn viên của Đoàn Chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô. Từ bàn làm việc của nhà lãnh đạo cấp cao Mikhail Kalinin, bà ta đã lấy cắp một chiếc Huân chương và giấy tờ kèm theo. Đối với một kẻ tinh ranh trong những việc như vậy, Purgin đã không còn phải tự mình mày mò làm đồ giả nữa mà đã thuê hẳn một thợ khắc chuyên nghiệp thậm chí có thể làm được một cách hoàn hảo những con dấu quan trọng.
“Những nhiệm vụ” đặc biệt và vinh quang chói sáng
Rồi chính số phận đã tiếp tục giúp Purgin. Hắn được cử làm Biên tập viên tại vùng Viễn Đông, khi đó bắt đầu xảy ra cuộc xung đột quân sự. Ngay sau đó đã có một công văn từ Sở chỉ huy từ mặt trận gửi tới Moscow, cho biết Purgin bị thương trong quá trình thi hành nhiệm vụ và đang được điều trị trong bệnh viện. Tất nhiên, kẻ lừa đảo không bị bất kỳ vết thương nào và hắn đang rong chơi ở đâu thì chẳng ai biết chính xác.
Thực tế là trên những tờ biểu mẫu của trụ sở Sư đoàn 39 Lực lượng Đặc biệt bị Golubenko đánh cắp ở Grodno Belarus được hắn điền vào những thông tin giả đã giúp hắn ta tạo dựng một huyền thoại đẹp về bản thân. Và những tài liệu này lại giúp cho hắn giành được một giải thưởng rất cao quý khác - Huân chương Lenin. Và với một giải thưởng như vậy thì Purgin - Golubenko có thể làm được bất cứ điều gì. Một lời giới thiệu giả mạo của “hai cựu binh Bolsevich” đã giúp cho hắn trở thành ứng viên với tư cách thành viên của Đảng Cộng sản Liên Xô, điều này càng tạo thêm sức nặng cho kẻ lừa đảo trong mắt những người xung quanh.
Chiến tranh Liên Xô - Phần Lan bùng nổ buộc người phóng viên được thưởng Huân chương một lần nữa phải ra mặt trận. Nhưng vẫn như trước, chuyến công tác nguy hiểm này chỉ diễn ra trên giấy tờ. Kẻ lừa đảo này chẳng thiết nghĩ đến việc trốn tránh. Vào tháng 1-1940, hắn chỉ cần gửi đến tòa soạn một tờ biểu mẫu chính thức có đóng dấu được lấy từ “kho dự trữ” của mẹ hắn. Trong giấy có nói rằng đồng chí Purgin tạm thời được triệu hồi từ mặt trận về, đang thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt theo sự điều động của NKVD. Trên thực tế thì Golubenko đang ở tại thành phố bên sông Neva, “nhiệm vụ” của hắn ta chỉ là ăn uống no say tại những nhà hàng đắt tiền của thành phố cùng với những nhân vật đáng ngờ.
Golubenko đã tìm hiểu về các sự kiện trong cuộc chiến tranh Liên Xô - Phần Lan từ báo chí và các phóng sự trên radio. Một lần, trong lúc uống rượu, hắn lại nảy ra một ý tưởng tuyệt vời nữa: vì đã từng chính thức “có mặt” tại tiền tuyến thì tại sao lại không thể trở thành Anh hùng Liên Xô? May mắn thay, vào thời điểm đó các Anh hùng thường là những người được tặng thưởng Huân chương Sao đỏ và Huân chương Lenin, cho nên việc được nhận danh hiệu Anh hùng là điều hoàn toàn hợp lý.
Thế rồi các mẫu văn bản in sẵn của Ban chỉ huy Sư đoàn 39 từng trợ giúp kẻ tội phạm một lần nữa lại trở nên hữu ích. Trên cơ sở đó, Golubenko đã gửi tới Bộ Tư lệnh Hải quân Nhân dân một bản tường trình để nhận giải thưởng kèm theo sự mô tả một loạt các chiến công anh hùng. Hắn gửi kèm theo văn bản những câu chuyện về các “chiến tích” lẫy lừng của mình trong quá khứ ở Viễn Đông và không quên nhắc đến cả những vết thương. Không lâu sau đó, giải thưởng đã đến với người “anh hùng”. Vào ngày 22-4-1940, trên tờ báo KP công bố một sắc lệnh về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho đồng chí Valentin Purgin.
Cuộc đời của tên tội phạm Golubenko đúng là rất toại nguyện. Hắn được cấp một căn hộ tốt ở trung tâm thủ đô, một chiếc ô tô riêng và hưởng nhiều đặc quyền khác nữa. Cũng tại đây, hắn đã kết hôn với một nữ nhà báo trẻ của tờ báo KP và bắt đầu cuộc sống bình thường nhất của một người “anh hùng”. Golubenko đã đi qua các thành phố và làng mạc của đất nước rộng lớn và kể cho những người nông dân, học sinh và thợ dệt nghe về những chiến công của mình ngoài tiền tuyến và tình yêu đối với Tổ quốc.
Cái kết bất ngờ
Đúng một tháng sau khi được phong danh hiệu Anh hùng, ngày 22-5-1940 trên tờ KP có đăng bài báo với nhan đề “Anh hùng Liên Xô Valentin Purgin”, cuối bài là những dòng ca ngợi “…Valentin Purgin, người xứng đáng nhất trong những người xứng đáng, một nhà yêu nước nhiệt thành của tổ quốc chúng ta, một chiến sĩ-nhà báo chân chính, một người Bolshevich thực thụ với trái tim trẻ trung và nhiệt huyết”.
Tận hưởng những vinh quang của mình chưa được bao lâu, kẻ lừa đảo đã không tính đến hậu quả từ bức ảnh của mình được đăng kèm bài báo trên tờ KP. Và chính từ bức ảnh của người “chiến sĩ tiền tuyến” này mà hắn đã bị các nhân viên của NKVD nhận ra đó chính là kẻ đã trốn thoát khỏi tay họ và vượt ngục khi đang thụ án ở Dmitrov. Vừa mới trở thành Anh hùng Liên Xô được vài tháng, kẻ tù phạm đào tẩu đã bị bắt ngay tại nhà ở trước sự phản đối kịch liệt của cô vợ từng không hề nghi ngờ quá khứ của chồng. Người vợ trẻ của Purgin đã hét vào mặt các nhân viên NKVD và dọa sẽ gọi điện cho đích thân Stalin và tin rằng ông sẽ đứng ra bênh vực người anh hùng đã trở thành nạn nhân của những kẻ đố kỵ và vu khống.
Không ai có thể tin được rằng người chỉ huy quân sự dũng cảm và anh hùng Valentin Purgin lại chính là tên tội phạm và kẻ gian manh Vladimir Golubenko. Lần này, sự nghiệp của kẻ lừa đảo 26 tuổi đã kết thúc một lần và vĩnh viễn. Tòa án Liên Xô nhanh chóng thông qua quyết định và ngày 24-8-1940 đã đưa ra phán quyết với bản án cao nhất. Và chỉ chưa đầy ba tháng sau, vào ngày 5-11-1940, V.Golubenko đã bị xử bắn. Người mẹ của tên tội phạm và tên thợ khắc giúp làm giả mạo các giấy tờ cũng không thoát khỏi hình phạt, họ đều bị kết án 5 năm tù giam.