Cuộc đời rất dài của Colin Powell

Colin Powell, vị tướng tham gia sâu vào chính trường nhất kể từ Dwight D. Eisenhower và là người được nể trọng bởi các tổng thống của cả hai đảng, vừa qua đời vì Covid-19.

Colin Powell sống một cuộc đời rất dài. Ông được tôn vinh là người giúp dẫn dắt quân đội Mỹ tới chiến thắng trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991 trong tư cách chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, dưới thời Tổng thống Bush "cha" - George H. W. Bush. Ông trở thành ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Bush "con" - George W. Bush - rồi cũng từ cương vị này, ông để lại "vết nhơ" của sự nghiệp khi đứng trước Liên Hợp Quốc để cáo buộc Iraq có vũ khí hủy diệt, điều đã bị chứng minh là sai lầm sau đó.

Colin Powell đi từ một người độc lập khi còn tại ngũ trở thành một đảng viên Cộng hòa công khai, rồi sau đó lại tuyên bố ủng hộ ứng viên của đảng Dân chủ trong 3 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông trở thành vị tướng tham gia sâu vào chính trường nhất kể từ Dwight D. Eisenhower.

New York Times gọi cuộc đời của ông Powell là câu chuyện điển hình cho sự thành công của nước Mỹ (ông cũng có một cuốn tự truyện tên là My American Journey, tạm dịch: Hành trình Mỹ của tôi). Từ con trai của một gia đình di dân, ông trở thành một vị tướng 4 sao từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền.

Cựu Tổng thống Barack Obama gọi ông là "một người lính mẫu mực và một người ái quốc mẫu mực”.

Powell vừa qua đời ngày 18/10 ở tuổi 84 vì biến chứng Covid-19.

"Vết nhơ"

Khi ông Powell qua đời vào ngày 17/10, một trong những hình ảnh được nhắc lại nhiều nhất là khi ông - trong cương vị ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền Bush "con" - đứng trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 2/2003, dùng uy tín cá nhân để thuyết phục cộng đồng quốc tế hậu thuẫn cuộc xâm lược Iraq.

Dựa vào nhiều nguồn tin ẩn danh, tướng Powell quả quyết rằng Iraq sở hữu vũ khí hóa học, sinh học và thậm chí nguyên tử.

Khi cuộc xâm lược diễn ra sau đó, không ai tìm thấy vũ khí hủy diệt tại Iraq.

Sự kiện đó đã phủ bóng lên nhiệm kỳ của ông Powell, dù trước đó là một màn khởi đầu đầy hy vọng. Cuối năm 2000, khi ông George W. Bush đắc cử tổng thống và bổ nhiệm ông Powell làm ngoại trưởng trong chính phủ mới, tướng Powell trở thành người da màu đầu tiên lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông còn là vị trí đầu tiên được bổ nhiệm trong nội các của ông Bush năm đó.

Trong năm đầu làm ngoại trưởng, ông Powell có thể khiến Trung Quốc trả tự do cho phi hành đoàn của Mỹ, sau khi máy bay hai nước va chạm trên Biển Đông và khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng. Ông cũng tạo điều kiện cho Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo mà không để Nga có phản ứng dữ dội.

 Ngoại trưởng Colin Powell tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 2003. Ảnh: Corbin.

Ngoại trưởng Colin Powell tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào năm 2003. Ảnh: Corbin.

Nhưng những năm tiếp theo là thời gian khó khăn với vị tướng 4 sao. Là người tin tưởng vào các liên minh hợp tác quốc tế, tướng Powell thường bị cô lập trong một chính phủ bị chi phối bởi các nhân vật có tư tưởng tân bảo thủ - vốn không mấy tin tưởng vào tác dụng của Liên Hợp Quốc hoặc NATO.

Trong những tuần sau cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001, Ngoại trưởng Powell đóng vai trò là người trì hoãn bước đường tới chiến tranh với Iraq. Ông từng cảnh báo tổng thống rằng xâm lược Iraq có thể gây bất ổn Trung Đông và trói Mỹ vào công việc tái thiết.

“Ông làm vỡ thì ông phải chịu trách nhiệm”, tướng Powell kể lại lời mình nói với Tổng thống Bush “con”.

Nhưng tới cuối cùng, tướng Powell cũng thỏa hiệp, và thay mặt chính quyền Mỹ đứng ra phát biểu tại Liên Hợp Quốc.

Vài năm sau, Powell nhận định bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an là một “vết nhơ” trong sự nghiệp mà ông phải chấp nhận trong “đau xót”. Nhưng lúc này, mọi chuyện đã quá muộn. Cuộc chiến do Mỹ dẫn dắt tại Iraq đã khiến hàng nghìn người Mỹ và hơn 100.000 người Iraq thiệt mạng.

"Tôi gần như phát điên với chính mình vì không ngửi thấy vấn đề", ông viết lại sau này trong cuốn sách It Worked For Me: In Life and Leadership (2012). "Linh tính đã hại tôi".

Ông Powell từ chức vào cuối nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Bush, trong lúc ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi liệu có phải ông chưa làm hết khả năng để ngăn chặn cuộc chiến tại Iraq hay không.

Ông Powell gặp gỡ cựu Tổng thống Obama tại Nhà Trắng vào năm 2010. Ảnh: Washington Post.

Ông Powell gặp gỡ cựu Tổng thống Obama tại Nhà Trắng vào năm 2010. Ảnh: Washington Post.

Học thuyết Powell

Colin Powell sinh ngày 5/4/1937 tại khu Harlem, New York trong một gia đình di dân người Jamaica. Học lực của Powell chỉ ở mức trung bình, nhưng ông có thành tích xuất sắc trong chương trình sĩ quan dự bị của Lục quân Mỹ. Sau khi tốt nghiệp đại học vào tháng 6/1958, ông được phong hàm thượng úy.

“Tôi thích sự tổ chức và kỷ luật trong quân đội”, ông Powell nói, theo CNN. “Tôi thấy mình khác biệt phần nào khi mặc đồng phục”.

Năm 1962, Powell tham chiến ở Việt Nam lần đầu tiên. Sau 6 tháng đầu, ông giẫm trúng bẫy chông và phải dành 6 tháng sau ở trụ sở tại Huế.

Tới năm 1968, Powell trở lại Việt Nam. Lần này, ông may mắn thoát chết trong một vụ rơi trực thăng và được tặng thưởng huân chương vì giải cứu đồng đội khỏi chiếc máy bay đang cháy.

 Một lính Mỹ tại Việt Nam vào năm 1965. Ảnh: U.S. Department of Defense.

Một lính Mỹ tại Việt Nam vào năm 1965. Ảnh: U.S. Department of Defense.

Những gì bản thân trải qua trong khoảng thời gian này đã định hình sự nghiệp 35 năm trong quân ngũ của ông.

Như nhiều sĩ quan trẻ tuổi khác tại chiến trường, ông Powell tin vào sự phi lý và vô nghĩa của cuộc chiến tại Việt Nam, Washington Post nhận định. Ông từ đó có cái nhìn khắt khe về cách Mỹ tiến hành chiến tranh và thiệt hại mà cách thức ấy gây ra đối với tinh thần và kỷ luật quân đội. Đó có thể là nền tảng đầu tiên cho Học thuyết Powell sau này.

“Nhiều người cùng thế hệ sĩ quan thời Việt Nam với tôi thề rằng khi tới lượt mình ra quyết định, chúng tôi sẽ không lặng lẽ chấp nhận một cuộc chiến hờ hững, vì những lý do nửa vời mà người Mỹ không thể hiểu nổi”, ông Powell viết trong cuốn hồi ký năm 1995.

Politico gọi ông Powell là "người được ca ngợi bởi bất kỳ ai từng làm việc cùng". Ông được Jeffrey J. Matthews miêu tả trong cuốn sách Colin Powell: Imperfect Patriot (tạm dịch: Colin Powell: Một người yêu nước bất toàn) là "một lãnh đạo mạnh mẽ và một cấp dưới hoàn hảo, điều không phải ai cũng có". Trước khi yêu cầu cấp dưới một nhiệm vụ khó khăn, ông sẽ tự mình thực hiện điều đó.

Tuy nhiên, tướng Powell cũng bỏ qua cơ hội bóc trần tội ác của Lục quân Mỹ tại Mỹ Lai vào năm 1968. Ba tháng sau vụ thảm sát, tướng Powell nhận được thư từ một người lính trẻ cáo buộc quân đội Mỹ có hành vi tàn bạo đối với dân thường. Nhưng sau một cuộc điều tra qua loa, ông Powell bác bỏ cáo buộc.

Tướng Powell ký tặng sách tại Washington D.C. vào tháng 9/1995. Ảnh: Zuma Press.

Tướng Powell ký tặng sách tại Washington D.C. vào tháng 9/1995. Ảnh: Zuma Press.

Khi George H.W. Bush (Bush “cha”) trở thành tổng thống vào tháng 10/1989, ông Powell được bổ nhiệm chức vụ chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, vị trí quân đội cao nhất trong Bộ Quốc phòng Mỹ. Khi ấy, ông 52 tuổi - trở thành sĩ quan trẻ nhất và cũng là người da màu đầu tiên giữ vị trí này.

Khoảng thời gian làm chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng là lúc ông áp dụng bài học từ Chiến tranh Việt Nam, hay còn gọi là Học thuyết Powell.

Về cơ bản, học thuyết này cho rằng Mỹ chỉ nên dùng sức mạnh quân sự khi mọi biện pháp ngoại giao, chính trị hoặc kinh tế đều đã thất bại, đồng thời không nên bị cuốn vào cuộc chiến lâu dài và vô nghĩa như ở Việt Nam.

Nhưng một khi đã động binh, Mỹ cần dùng toàn bộ lực lượng cần thiết để nhanh chóng khống chế đối phương và giảm tối thiểu thương vong. Ngoài ra, hành động quân sự cũng cần nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân và có mục đích rõ ràng.

 Ngoại trưởng Dick Cheney (trái) làm lễ tuyên thệ nhậm chức chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho tướng Powell vào năm 2001. Ảnh: Corbis.

Ngoại trưởng Dick Cheney (trái) làm lễ tuyên thệ nhậm chức chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho tướng Powell vào năm 2001. Ảnh: Corbis.

Ngay trong những năm đầu ông đương chức, thế giới đã chứng kiến Học thuyết Powell được ứng dụng trong thực tiễn, qua việc Mỹ đưa quân can thiệp khi Iraq xâm lược Kuwait.

Ban đầu, tướng Powell ưu tiên dựa vào các lệnh trừng phạt để kiểm soát Iraq. Nhưng khi Tổng thống Bush “cha” quyết định có động thái quân sự, tướng Powell phát động lực lượng khổng lồ để tấn công quân đội Iraq.

Lực lượng áp đảo đã giúp quân đội Mỹ giành chiến thắng nhanh chóng mà chịu ít thương vong trước Iraq. Sự thành công của hai chiến dịch Bão táp Sa mạc và Lá chắn Sa mạc khiến ông Powell dường như trở thành người hùng quốc gia, với mức độ tán thành 71% trong những năm đầu sau cuộc chiến.

Sau chính quyền của Tổng thống Bush “cha”, ông Powell vẫn đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ dưới chính quyền mới của Tổng thống Bill Clinton cho tới khi từ chức vào tháng 10/1993. Năm đó, một cuộc khảo sát của Wall Street Journal/NBC News cho thấy tỷ lệ tán thành đối với ông là 64%, so với 6% không tán thành.

Bảy năm sau sau khi giã từ quân nghiệp, sự nghiệp chính trị của ông Powell bắt đầu dưới chính quyền Bush "con", với một thành tích gây tranh cãi hơn nhiều.

"Đừng tội nghiệp cho tôi"

Sau khi rời chính quyền của Tổng thống Bush "con", ông Powell dành phần lớn thời gian đi diễn thuyết và cố gắng giúp đỡ trẻ em và người thiểu số khó khăn thông qua một tổ chức phi lợi nhuận.

Trong thời gian trên chính trường, ông Powell thường công tác dưới thời các tổng thống là đảng viên Cộng hòa. Nhưng những năm sau này, ông dần nghiêng về phía các ứng viên tổng thống từ đảng Dân chủ.

Năm 2008 và 2012, tướng Powell ủng hộ ông Barack Obama ra tranh cử tổng thống. Năm 2016, ông Powell tiếp tục bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton, thay vì Donald Trump - người bị vị tướng 4 sao lên án là “một nỗi nhục quốc gia”.

Năm 2020, ông Powell tiếp tục lên án ông Trump trong chiến dịch tái tranh cử, đồng thời cho biết sẽ bỏ phiếu cho Joe Biden.

Ngày 18/10, Colin Powell đã ra đi cùng cách với hơn 4,5 triệu người khác trên thế giới: Vì Covid-19 và các biến chứng do căn bệnh gây ra. Một phần lớn trong số những người qua đời vì Covid-19 cũng ngang tuổi Powell, hoặc mắc nhiều bệnh nền như ông. Trước khi nhiễm virus, ông Powell đã được tiêm phòng đầy đủ, nhưng đang phải chống chọi với hai căn bệnh đa u tủy xương và Parkinson.

"Đừng tội nghiệp cho tôi, lạy chúa tôi. Tôi đã 84 tuổi", ông nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7 với nhà báo Bob Woodward của Washington Post. "Tôi chưa mất một ngày nào trong đời để chống lại hai căn bệnh này. Tôi khỏe mạnh".

Quốc Đạt

Theo New York Times, Politico, Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-doi-rat-dai-cua-colin-powell-post1271638.html