Cuộc 'đối thoại' của sơn mài với truyền thống và chính mình

Triển lãm 'Đối thoại' giới thiệu tới công chúng các tác phẩm do các họa sĩ trẻ từ nhóm De.lac thực hiện, dựa trên sự kết hợp của sơn mài với đa dạng các chất liệu và loại hình nghệ thuật khác nhau.

Vốn là những cá tính và có chuyên môn sáng tác khác biệt, nhưng 3 nghệ sĩ trẻ: Trương Hoàng Hải, Nguyễn Quang Vũ và Nguyễn Đoàn Quang Huy lại tìm thấy sự đồng điệu đến bất ngờ trong nghệ thuật. Khởi nguồn cho ý tưởng của cuộc Đối thoại có lẽ xuất phát từ sự đồng điệu ấy. Để rồi, mỗi tác phẩm sơn mài như một bản ghi chép về những cuộc Đối thoại của các tác giả với chính mình và với nhau.

Tác phẩm Đối thoại dẫn người xem vào thế giới của sơn mài.

Tác phẩm Đối thoại dẫn người xem vào thế giới của sơn mài.

Các họa sĩ kể với nhau những cảm nhận của cá nhân mình về hoa sen, một loài hoa có hương thơm đặc trưng, đại diện cho mùa hè Hà Nội. Từ đó, họa sĩ Nguyễn Tiến Cương đã gợi ý cho nhóm De.lac sáng tác trên chất liệu những câu chuyện ấy. Chuỗi các tác phẩm Cảm hứng với sen, từ hình tượng loài hoa này đã được các họa sĩ tái hiện bằng các góc nhìn và cách biểu đạt đặc sắc.

Như với Trương Hoàng Hải, trong Cảm hứng với sen VIII, khung cảnh một Hà Nội thật thân thuộc hiện lên với cây cầu Long Biên, cột điện, loa phường. Sự thân thuộc ấy đã ghi vào trong trí nhớ của anh trên đường đi đến xưởng vẽ của họa sĩ Nguyễn Tiến Cương, bố của Nguyễn Quang Vũ và cũng là người dẫn dắt nhóm De.lac trên con đường nghệ thuật.

Hay với Nguyễn Quang Vũ, Sen trong bão thể hiện sự kiên cường, hiên ngang, tinh thần dám vượt qua những nghịch cảnh của cuộc đời…

Cảm hứng với sen VIII gợi trong tâm trí người xem hình ảnh về một Hà Nội bình dị

Cảm hứng với sen VIII gợi trong tâm trí người xem hình ảnh về một Hà Nội bình dị

Sen trong bão hiện lên thật kiên cường, hiên ngang.

Sen trong bão hiện lên thật kiên cường, hiên ngang.

Cuộc đối thoại bằng sơn mài ấy tiếp tục được nối dài thêm, không chỉ là giữa các thành viên trong nhóm, mà còn hướng tới khán giả. Không bó buộc khả năng sáng tạo của mình trên các chất liệu như vóc, gốm, các họa sĩ trẻ còn tạo ra bản hòa tấu giữa sơn mài với nghệ thuật trình chiếu, nhựa in 3D, nghệ thuật sắp đặt,…

Từ 100 đến 100 triệu II là sự kết hợp giữa sơn mài và nghệ thuật sắp đặt.

Một Hà Nội giàu lịch sử nhưng thật hiện đại lại được tái hiện trong tác phẩm Tân giao. Tân giao, sự giao thoa giữa cái truyền thống và hiện đại được chuyển biến, sáng tạo dựa trên hình tượng có sẵn – đầu rồng thời Lý, được thực hiện bằng các phối hợp nhiều kỹ thuật và chất liệu như in 3D, sơn mài.

Tác phẩm lấy cảm hứng từ dòng đồ chơi nổi tiếng thế giới – half bone figure. Ý tưởng thực hiện xuất phát từ sự tò mò về mặt giải phẫu đối với các hình tượng nghệ thuật của nhóm tác giả.

Tân giao lấy cảm hứng từ đầu rồng thời Lý, triều đại đầu tiên đóng đô ở Thăng Long – Hà Nội.

Tác phẩm sơn mài lại sống động thêm qua tác phẩm Song miêu phiêu lưu ký. Qua đó, tác giả như có cảm giác chất liệu sơn mài vốn im lìm dường như đang cựa quậy cùng với nhịp chuyển động của các nhân vật 3D, cụ thể là hai chú mèo trên hành trình khám phá thế giới muôn màu của mình.

Song miêu phiêu lưu ký là hành trình phiêu lưu của hai chú mèo với chất liệu 3D mapping trong thế giới sơn mài.

Song miêu phiêu lưu ký là hành trình phiêu lưu của hai chú mèo với chất liệu 3D mapping trong thế giới sơn mài.

Triển lãm Đối thoại đã mang lại cho người xem sự hài hòa đến khó tin từ những chất liệu nghệ thuật tưởng chừng như chẳng có mối liên hệ nào với nhau. Nhóm họa sĩ trẻ De.lac đã chứng minh được, giữa những thứ khác biệt ấy vẫn có tiếng nói chung, nếu như ta tạo cho chúng một cơ hội để cùng đối thoại.

Triển lãm kéo dài từ hôm nay tới ngày 15.7.2024 tại đình Nam Hương (75 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Bài và ảnh: Đoan Túc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cuoc-doi-thoai-cua-son-mai-voi-truyen-thong-va-chinh-minh-44286.html