Cuộc đối thoại giữa hai tâm hồn trong thời đại 'bão táp truyền thông'
Ngày 9-1, tại Nam Thi House, Phanbook tổ chức chương trình trò chuyện với chủ đề 'Sống trong bão táp truyền thông' với sự tham gia của hai nhà văn: Nguyễn Tường Bách và Trần Lê Sơn Ý. Đây cũng là dịp giới thiệu đến bạn đọc tập tản văn mới nhất của Trần Lê Sơn Ý là Thương một tình thương (Phanbook và NXB Lao động).
Trong thời đại mà truyền thông đang tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống, thay đổi cả hệ thống giá trị tưởng như vững chắc, buổi trò chuyện đã mang đến một cái nhìn sâu sắc và đa chiều. Hai diễn giả, với những trải nghiệm và nhân sinh quan khác nhau, đã cùng mở ra những câu chuyện vừa thân thuộc vừa đầy mới mẻ.
Nhà văn Trần Lê Sơn Ý, tác giả của các tác phẩm nổi bật như Yêu thương là tự do và Thương một tình thương, đã khéo léo chia sẻ góc nhìn của một người phụ nữ phương Đông. Chị kể về áp lực từ truyền thông trong việc duy trì vai trò người mẹ, người vợ, và người làm nghề sáng tạo.
“Truyền thông như một cơn sóng lớn, đôi khi khiến người ta ngộp thở, nhưng cũng có thể là dòng chảy nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp nếu ta biết cách cân bằng”, chị chia sẻ.
Ngược lại, nhà văn Nguyễn Tường Bách là người dành gần như cả cuộc đời để sinh sống và học tập ở phương Tây, mang đến một câu chuyện khác. Ông là tác giả của các tác phẩm như Mùi hương trầm và Đường rộng thênh thang với những góc nhìn đậm chất triết học và nhân văn.
Từ những trải nghiệm khi chứng kiến sự chuyển mình của truyền thông phương Tây qua các bước nhảy vọt về công nghệ, ông nhận định: “Truyền thông không chỉ kết nối mà còn biến đổi sâu sắc cách con người nhìn nhận và phản hồi trước cuộc sống”.
Không dừng lại ở truyền thông, buổi trò chuyện còn chạm đến một trong những vấn đề nóng bỏng nhất hiện nay: trí tuệ nhân tạo (AI). Theo nhà văn Nguyễn Tường Bách, AI là một bước tiến vượt bậc, nhưng đi kèm với đó là thách thức về giá trị con người. “AI không chỉ là công cụ; nó đang thay đổi chính cách con người tư duy và đánh giá bản chất cuộc sống”, ông chia sẻ.
Về phần mình, nhà văn Trần Lê Sơn Ý chia sẻ: “AI càng ngày càng biểu hiện những xúc cảm giống con người, trong khi ngược lại, con người đang có xu hướng trở nên máy móc như AI. Đây là một nghịch lý khi con người dần mất đi sự tự nhiên và cảm xúc đồng điệu của chính mình. Cân bằng giữa nhân văn và công nghệ sẽ là thách thức, nhưng đó là bài toán chúng ta phải cùng nhau giải quyết”.
Chương trình khép lại với những suy tư còn dang dở. Hơn cả một sự kiện văn chương, đây là lời nhắc nhở rằng dù truyền thông hay công nghệ có thay đổi thế nào, điều quan trọng nhất vẫn là cách con người tự cân bằng và kết nối với chính mình.