Cuộc đời và sự nghiệp tân Tổng thống Indonesia

Hãng tin AP chỉ ra sự nghiệp của Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto - người sắp nắm giữ vị trí Tổng thống Indonesia - gắn liền với cáo buộc vi phạm nhân quyền. Ông từng hai lần thua cuộc trước đương kim Tổng thống Joko Widodo nhưng lại chấp nhận tham gia nội các của cựu đối thủ.

Theo kết quả thăm dò sau bỏ phiếu do các tổ chức độc lập thực hiện, Bộ trưởng Subianto chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14.2 với tỷ lệ gần 60% phiếu ủng hộ. Ở nhiều cuộc bầu cử trước đây kết quả thăm dò sau bỏ phiếu thường trùng khớp với kết quả chính thức.

Ủy ban Bầu cử quốc gia dự kiến công bố kết quả chính thức vào ngày 20.3. Nếu được xác nhận, tân tổng thống sẽ làm lễ nhậm chức vào tháng 10.

Ông Prabowo Subianto sinh năm 1951 trong một gia đình quyền lực bậc nhất đất nước. Cha ông - Sumitro Djojohadikusumo - là chính trị gia có sức ảnh hưởng, giữ chức bộ trưởng dưới thời hai vị Tổng thống Sukarno và Suharto.

Ban đầu chính trị gia Djojohadikusumo phục vụ Tổng thống Sukarno, nhưng sau đó quay lưng chống lại cấp trên nên bị buộc phải lưu vong. Subianto lúc nhỏ chủ yếu sống ở nước ngoài, nói được tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Hà Lan.

Gia đình ông về nước sau khi tướng Suharto lên nắm quyền. Vị tổng thống này mạnh tay đàn áp tiếng nói bất đồng chính kiến và bị cáo buộc biển thủ hàng tỉ USD công quỹ cho bản thân, gia đình cùng cộng sự thân cận.

Subianto đăng ký vào Học viện Quân sự Indonesia năm 1970, tốt nghiệp năm 1974 rồi phục vụ quân đội gần 3 chục năm. Năm 1976 ông gia nhập lực lượng đặc nhiệm Kopassus, chỉ huy một đơn vị từng hoạt động ở Đông Timor.

Các nhóm nhân quyền từng cáo buộc Subianto liên quan đến hàng loạt hành vi vi phạm nhân quyền ở Đông Timor trong thập niên 1980 và 1990. Ông phủ nhận tất cả.

Suốt nhiều năm, ông Subianto cùng vài thành viên Kopassus khác bị cấm nhập cảnh Mỹ do hứng chịu cáo buộc vi phạm nhân quyền. Đến năm 2020 lệnh cấm được dỡ bỏ để ông có thể sang thăm với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia.

Năm 1983, ông kết hôn với con gái Tổng thống Suharto là Siti Hediati Hariyadi.

Nhiều cáo buộc vi phạm nhân quyền nữa buộc ông Subianton phải rời khỏi quân đội. Ông giải ngũ vào năm 1998 sau khi Kopassus dính bê bối bắt cóc và tra tấn hàng loạt đối thủ chính trị của Tổng thống Suharto. Cùng năm, ông sang Jordan sinh sống.

Về nước năm 2008, ông Subianto góp sức thành lập đảng Gerinda, từng hai lần tranh cử tổng thống nhưng đều thua cuộc trước chính trị gia Widodo. Ban đầu ông từ chối thừa nhận thất bại, vậy mà sau đó lại chấp nhận giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng nhằm duy trì sự đoàn kết chính trị.

Ở lần tranh cử mới nhất, Bộ trưởng Subianto cam kết giữ nguyên kế hoạch phát triển kinh tế của đương kim lãnh đạo, đưa đất nước vươn mình thành trung tâm xe điện toàn cầu, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, tăng hỗ trợ xã hội và tạo hàng triệu việc làm.

Đáng chú ý trong kế hoạch phát triển kinh tế hiện tại là dự án xây dựng tân thủ đô Nusantara trị giá 30 tỉ USD. Một liên minh các tổ chức phi chính phủ xác định gia đình Bộ trưởng Subianto sẽ thu lợi lớn từ dự án nhờ số đất đai cùng mỏ khoáng sản mà họ nắm giữ ở tỉnh Đông Kalimantan nơi thủ đô mới tọa lạc. Họ cũng có quan hệ làm ăn với doanh nghiệp các ngành dầu cọ, than và khí đốt, khai thác mỏ, nông nghiệp, ngư nghiệp.

Bộ trưởng Subianton được kỳ vọng duy trì cách tiếp cận thực dụng trong chính sách đối ngoại. Dưới thời Tổng thống Widodo, quốc gia vạn đảo này tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ, đồng thời thu hút đầu tư từ Trung Quốc.

“Quốc gia lớn và giàu tài nguyên như chúng ta luôn bị các cường quốc ghen tị. Vì vậy chúng ta phải đoàn kết và hòa hợp”, Bộ trưởng Subianton phát biểu sau khi có kết quả thăm dò sau bỏ phiếu vừa qua.

Tổng thống Widodo không công khai ủng hộ ứng viên nào, nhưng cấp phó cùng Bộ trưởng Subianto tranh cử là con trai cả của ông Widodo (Gibran Rakabuming Raka). Ngoài ra, đương kim lãnh đạo còn nhiều lần cùng Bộ trưởng Subianto xuất hiện trong các sự kiện cấp nhà nước - động thái hứng chịu không ít chỉ trích.

Bộ trưởng Subianto cũng có quan hệ với nhiều người theo đường lối Hồi giáo cứng rắn. Tuy nhiên ở lần tranh cử mới nhất, ông xây dựng hình tượng nhẹ nhàng hơn nên thu hút được đối tượng cử tri trẻ tuổi. Nhà lãnh đạo tương lai khẳng định sẽ bảo vệ tất cả người dân bất kể dân tộc, tôn giáo hay thành phần xã hội.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cuoc-doi-va-su-nghiep-tan-tong-thong-indonesia-214144.html