Cuộc đua AI và bài toán quản trị toàn cầu

Khi trí tuệ nhân tạo (AI) đang tiến nhanh tới ngưỡng Trí tuệ Nhân tạo Tổng quát (AGI), thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có về an toàn, đạo đức và quyền lực công nghệ. Giờ đây, câu hỏi lớn nhất không phải là ai sẽ dẫn đầu, mà là làm thế nào để quản trị AI một cách có trách nhiệm trong một cuộc đua mà 'luật chơi' vẫn chưa được thống nhất.

Khi AI tiến gần tới ranh giới AGI

Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong thập kỷ qua đang làm thay đổi sâu sắc cách con người sống, làm việc và tương tác với thế giới. Từ khả năng viết luận văn đại học, vượt qua các kỳ thi cho các luật sư, điều hành các hệ thống sản xuất và sáng tạo nghệ thuật, AI đang dần chạm tới những lĩnh vực được cho là độc quyền của trí tuệ con người. Với tốc độ phát triển hiện tại, nhiều chuyên gia tin rằng Trí tuệ Nhân tạo Tổng quát (AGI), một dạng AI có khả năng hiểu và xử lý các nhiệm vụ đa dạng tương đương với con người, không còn là viễn cảnh xa vời.

Tuy nhiên, chính tốc độ phát triển vượt bậc ấy cũng khiến không ít người lo ngại. Giáo sư Yoshua Bengio, một trong ba "cha đẻ" của học sâu (deep learning - kỹ thuật cơ bản trong đào tạo AI) gần đây đã cảnh báo về "sự cần thiết phải giảm tốc độ phát triển hệ thống AI hiện đang diễn ra trước cái giá phải trả là nguyên tắc phòng ngừa và đạo đức".

Các hệ thống AI hiện đại như GPT-4 của OpenAI, Gemini của Google DeepMind hay Claude của Anthropic đã thể hiện khả năng xử lý thông tin ở cấp độ vượt trội trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, GPT-4 đã đạt điểm cao hơn 90% thí sinh trong kỳ thi LSAT (đầu vào trường luật tại Mỹ) và vượt qua nhiều bài kiểm tra chuyên ngành ở cấp độ sau đại học.

Theo báo cáo của Cơ quan Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (2025), có tới 40% công việc trên toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi AI. Không chỉ dừng lại ở khả năng xử lý văn bản hay hình ảnh, AI đang tiến dần đến khả năng lập luận, hành động và ra quyết định một cách tự chủ - những yếu tố từng chỉ thuộc về con người.

Giáo sư Yoshua Bengio, Đại học Harvard. Ông nổi tiếng với những đóng góp nền tảng cho học sâu và gần đây đã lên tiếng cảnh báo về sự cần thiết của việc điều chỉnh phát triển AI

Giáo sư Yoshua Bengio, Đại học Harvard. Ông nổi tiếng với những đóng góp nền tảng cho học sâu và gần đây đã lên tiếng cảnh báo về sự cần thiết của việc điều chỉnh phát triển AI

Sự chuyển dịch từ các mô hình chuyên biệt (narrow AI) sang các hệ thống có khả năng tổng quát và đa nhiệm là dấu hiệu rõ ràng cho thấy thế giới đang bước vào một kỷ nguyên công nghệ hoàn toàn mới. Điều này càng khiến nhu cầu xây dựng một khung quản trị toàn cầu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Cảnh báo hậu quả từ "cỗ máy tự quyết định"

Nếu không được quản lý một cách chặt chẽ, cuộc đua AI có thể trở thành một phiên bản hiện đại của cuộc chạy đua vũ trang trong thế kỷ XX. Khi các quốc gia và tập đoàn công nghệ lớn cạnh tranh khốc liệt để giành ưu thế về AI, việc bỏ qua những yếu tố an toàn, minh bạch và đạo đức trở thành nguy cơ thường trực.

Một trong những rủi ro đáng ngại là việc sử dụng AI trong các lĩnh vực quân sự. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết rằng cả chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Trung Quốc, Pháp, Israel, Ấn Độ, Triều Tiên, Pakistan, Liên bang Nga, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, đều thể hiện sự quan tâm đến việc phát triển và tích hợp các năng lực AI tiên tiến vào quân đội của họ, với một số quốc gia rõ ràng coi AI là ưu tiên chiến lược. Nếu không có cơ chế kiểm soát hiệu quả, những cỗ máy "tự quyết định" này có thể gây ra hậu quả khôn lường, đặc biệt trong bối cảnh thiếu vắng trách nhiệm giải trình.

Bên cạnh đó, AI còn có thể làm sâu sắc thêm các bất bình đẳng xã hội. Các mô hình học máy được huấn luyện trên dữ liệu lịch sử vốn đã mang nhiều định kiến có nguy cơ tái tạo và khuếch đại những thiên lệch này trong quá trình vận hành. Ví dụ, một nghiên cứu của MIT Media Lab cho thấy hệ thống nhận diện khuôn mặt sử dụng AI có tỷ lệ sai sót là gần 35% khi nhận diện phụ nữ da màu trong khi nhận diện nam giới da trắng là gần 0%.

Vấn đề quyền riêng tư cũng trở nên ngày càng nghiêm trọng. Trong bối cảnh dữ liệu cá nhân trở thành "nhiên liệu" cho các thuật toán AI, nguy cơ bị theo dõi, giám sát hoặc khai thác trái phép gia tăng đáng kể. Các tổ chức như UNESCO đã cảnh báo rằng nếu không có biện pháp bảo vệ quyền dữ liệu rõ ràng, AI có thể trở thành công cụ giám sát hàng loạt, làm xói mòn quyền tự do cá nhân.

Những nỗ lực xây dựng khung quản trị toàn cầu

Trước những lo ngại ngày càng rõ rệt, nhiều tổ chức quốc tế đã chủ động đưa ra các khung đạo đức và pháp lý cho AI. Liên minh châu Âu đã trở thành một trong những khu vực tiên phong khi chính thức thông qua Đạo luật AI (AI Act) vào năm 2024. Văn bản pháp lý này phân loại các hệ thống AI theo mức độ rủi ro, từ không chấp nhận được đến rủi ro tối thiểu, và đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt về minh bạch, kiểm tra an toàn, và bảo vệ quyền người tiêu dùng. Đây được xem là mô hình mẫu mà nhiều quốc gia đang theo dõi và học hỏi.

Một số nhà nghiên cứu đã đề xuất việc thành lập các liên minh xuyên quốc gia, kết nối các quốc gia có nguồn lực tài chính lớn như Canada, châu Âu với những nước có lực lượng kỹ sư và nhà nghiên cứu trẻ dồi dào như Việt Nam, Ấn Độ hay Brazil. Những mô hình hợp tác này không chỉ giúp chia sẻ chi phí nghiên cứu mà còn bảo đảm sự đa dạng về văn hóa, quan điểm và bối cảnh, những yếu tố thiết yếu để xây dựng AI có trách nhiệm.

Bên cạnh cách tiếp cận kỹ thuật, một số học giả theo trường phái lý thuyết phê phán nhấn mạnh rằng việc quản lý AI không thể tách rời khỏi bối cảnh quyền lực và các mối quan hệ xã hội. Họ cho rằng cần xem AI như một công cụ quyền lực và phải đặt câu hỏi: ai kiểm soát công nghệ này, ai được hưởng lợi và ai chịu thiệt hại? Cách tiếp cận này đặt con người, đặc biệt là những nhóm yếu thế, vào trung tâm của mọi chính sách và thiết kế công nghệ.

Bài học và cơ hội cho Việt Nam

Là một trong những nền kinh tế đang phát triển năng động với lực lượng kỹ sư phần mềm đông đảo, Việt Nam đang đứng trước cơ hội hiếm có để tham gia vào cuộc cách mạng AI toàn cầu. Theo báo cáo của Oxford Insights năm 2024, Việt Nam xếp thứ 51/193 quốc gia về chỉ số sẵn sàng cho AI, với số điểm cao nhất ở phần "tầm nhìn", và điểm mạnh nằm ở nguồn nhân lực trẻ, ham học hỏi và hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên, cơ hội lớn cũng đi kèm thách thức không nhỏ. Việt Nam cần sớm xây dựng khung pháp lý và đạo đức cho AI, đặc biệt trong bối cảnh các công nghệ này đang được tích hợp vào lĩnh vực tài chính, y tế và giáo dục. Việc bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu, đảm bảo tính minh bạch của thuật toán và ngăn chặn các hình thức phân biệt đối xử cần được đặt lên hàng đầu trong các chính sách sắp tới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên chủ động tham gia vào các diễn đàn quốc tế về quản trị AI, từ đó học hỏi kinh nghiệm và đồng thời đóng góp tiếng nói từ góc nhìn của một quốc gia đang phát triển.

Đăng Dương (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cuoc-dua-ai-va-bai-toan-quan-tri-toan-cau-20250507155836283.htm