Cuộc đua căng thẳng

Cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta không nhỏ nhưng áp lực cạnh tranh cũng ngày một gay gắt hơn.

Tuần trước, một phái đoàn gồm hơn 50 doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hàng năm do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tổ chức. Trong số đó có nhiều tên tuổi quen thuộc, đều có hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam và có kế hoạch mở rộng, như Apple, Coca Cola và PepsiCo, Netflix...

Trước đó, ngay những tháng đầu năm, nhiều dự án FDI với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư hay ký biên bản ghi nhớ; thậm chí có cả dự án “tỷ đô” dự kiến sẽ triển khai ở Thái Nguyên.

Đây là một vài trong rất nhiều ví dụ cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang nhìn vào Việt Nam như một điểm đến cho sự phát triển và cơ hội.

Trong bối cảnh đầu tư toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn do các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và lo ngại về suy thoái toàn cầu, khu vực Đông Nam Á đang được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng đi kèm với dòng vốn đầu tư, dẫn đến sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khối các nước ASEAN khi các doanh nghiệp thành lập nhà máy sản xuất, cơ sở kho bãi, mạng lưới phân phối và các cơ sở khác tại khu vực.

Cơ hội là có thật, nhưng áp lực cạnh tranh cũng có thật và ngày một gay gắt hơn! Một báo cáo vừa được Indonesia công bố cho biết, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã thu hút được 45,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2022, tăng 44,2% so với năm 2021. Đây là mức tăng trưởng đầu tư nước ngoài cao nhất thế giới vào năm ngoái!

Trong khi đó, Trung Quốc - mặc dù vẫn đóng cửa nền kinh tế - nhưng thu hút được một lượng vốn “khủng”. Chỉ trong 10 tháng năm 2022, Trung Quốc đã thu hút được gần 1.090 tỷ nhân dân tệ, tương đương 140 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021. Thậm chí, nếu tính theo USD, dòng vốn đầu tư này còn tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 168,34 tỷ USD.

Khi Trung Quốc mở cửa trở lại, có thể dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển khỏi nền kinh tế này, nhưng đây cũng sẽ là “thỏi nam châm” hút đầu tư nước ngoài. Ở khu vực châu Á, thậm chí là trên toàn cầu, Trung Quốc vẫn là địa điểm đầu tư và sản xuất hấp dẫn. Indonesia là một đối thủ đáng gờm khác khi những năm gần đây đã tung ra nhiều chính sách mới để cạnh tranh đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển. Chưa kể, trong khu vực, Thái Lan cũng là một địa điểm đầu tư hấp dẫn…

Một thông tin quan trọng khác được đề cập trong Báo cáo thường niên FDI 2022 là Chính phủ các nước phát triển đang có xu hướng hạn chế FDI ra ngoài để tập trung nguồn lực ứng phó với tình trạng suy thoái kinh tế, gia tăng số người thất nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia đối với công nghệ nguồn. Điều này cũng có nghĩa cuộc đua thu hút FDI sẽ ngày một căng thẳng hơn, không chỉ với các đối thủ truyền thống, mà còn cả các “đối thủ nặng ký” mới.

Khi áp lực cạnh tranh lớn, nếu không muốn về sau trong cuộc đua thu hút FDI! Việt Nam buộc phải “nhanh chân” hơn và quyết liệt hơn trong hàng loạt vấn đề như cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng và chất lượng cung cấp dịch vụ công… Chính sách ưu đãi đầu tư cũng cần được sửa đổi, bổ sung để thích ứng với định hướng thu hút FDI mới và cuộc cạnh tranh trong khu vực… Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan đến cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu - một vấn đề cấp bách hiện nay, để ứng phó có hiệu quả, vừa tăng nguồn thu ngân sách, vừa tạo môi trường pháp lý hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế.

Nguyễn Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/cuoc-dua-cang-thang-i320465/