Ngồi nhà mua bán khắp năm châu, tại sao phải đi hội sách toàn cầu?

Xây dựng quan hệ lâu năm, tham dự hội sách quốc tế và chứng minh tiềm năng thị trường, năng lực xuất bản là cách các công ty sách thuyết phục đối tác nước ngoài khi mua bản quyền.

 Quảng bá sách và văn hóa Việt tại Hội sách Thiếu nhi châu Á năm 2022. Ảnh: AFCC.

Quảng bá sách và văn hóa Việt tại Hội sách Thiếu nhi châu Á năm 2022. Ảnh: AFCC.

Ngày nay, khi các công cụ giao tiếp trực tuyến vừa đa dạng hình thức vừa nhanh chóng, tiết kiệm chi phí có thể hỗ trợ hoạt động trao đổi thông tin bất chấp khoảng cách nửa vòng Trái đất, những tưởng việc gặp mặt, trò chuyện trực tiếp đã không còn là phương cách tối ưu, thậm chí không cần thiết đối với hoạt động thương thảo trong kinh doanh, công việc.

Thế nhưng thực tế vẫn chứng minh dẫu công nghệ có phát triển đến đâu thì những hội ngộ ngoài đời thực vẫn luôn mang đến những lợi thế ưu việt so với không gian ảo. Trong ngành xuất bản, những hội sách quốc tế chính là nơi các nền xuất bản "xúc chạm", cọ xát và học hỏi lẫn nhau, cũng như thiết lập và củng cố các mối quan hệ hợp tác.

Lợi thế cạnh tranh trong thương thảo bản quyền của đơn vị thâm niên

Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) Nguyễn Vũ Phương nhận định rằng khi xét duyệt lời ngỏ mua bản quyền, các nhà xuất bản tại nước ngoài thường ưu tiên đơn vị từng làm nhiều sách với họ hoặc từng làm sách của tác giả đó nếu có cạnh tranh.

Từ đây có thể thấy những đơn vị với nhiều năm kinh nghiệm và đa dạng danh mục sách hoặc chuyên chú vào dòng sách cùng thể loại với sách của đối tác sẽ có ưu thế khi thuyết phục bên sở hữu bản quyền.

Giám đốc Kế Hoạch và Bản Quyền của Công ty CP Văn hóa và Truyền Thông Nhã Nam Nguyễn Xuân Minh cho biết khi cạnh tranh bản quyền những đầu sách hot trên thế giới, thuận lợi của đơn vị là có mặt từ sớm trên thị trường. Theo đó, với profile (hồ sơ) đáng tin cậy và danh mục sách đã xuất bản dày dặn, đơn vị nhận được sự tin tưởng của đối tác. Nhiều đầu sách hot được chính chủ sở hữu hoặc đại diện bản quyền chủ động giới thiệu với Nhã Nam.

Tương tự, Giám đốc Đối ngoại truyền thông Công ty CP Sách Thái Hà Phạm Thủy khẳng định một trong những chiến lược quan trọng để thuyết phục đối tác của đơn vị là xây dựng mối quan hệ lâu dài, tin cậy.

Cụ thể, đội ngũ Thái Hà duy trì tham gia các hội sách quốc tế lớn trên thế giới như Hội sách Frankfurt (Đức), Hội sách thiếu nhi Bologna (Italy), Hội chợ Sách London (Anh), Hội sách Bắc Kinh (Trung Quốc), Hội sách Bangkok (Thái Lan), hội sách Đài Bắc (Đài Loan). Theo bà Thủy, điều này không chỉ giúp đơn vị gia tăng cơ hội được ưu tiên trong các cuộc đàm phán bản quyền mà còn tạo lòng tin về khả năng phát triển của thị trường Việt Nam.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm việc với các đối tác trong và ngoài nước, First News đã tạo được sự tin cậy trong mắt các nhà xuất bản lớn nhỏ và theo ông Nguyễn Vũ Phương, điều này giúp quy trình đàm phán được nhanh chóng và thuận lợi hơn. Đơn vị chú trọng đến những chi tiết nhỏ như email trao đổi thường ngày, và cũng đầu tư "du học" để tìm kiếm và nuôi dưỡng mối quan hệ bền lâu và gắn kết hơn với các đối tác.

"Các lần tham dự hội sách quốc tế ở Frankfurt, First News luôn tận dụng cơ hội để trò chuyện và kết thân với các nhà xuất bản trên toàn thế giới để mở rộng các mối quan hệ cũng như để gầy dựng tin tưởng nơi họ", Giám đốc First News chia sẻ.

Chứng minh tiềm năng thị trường, chất lượng xuất bản

Bên cạnh duy trì mối quan hệ hợp tác và khẳng định lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, các nhà xuất bản, công ty sách cũng cần nỗ lực không ngừng để cho đối tác nước ngoài thấy được Việt Nam là một thị trường tiềm năng với năng lực xuất bản tốt, đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế.

Bà Phạm Thủy cho biết chứng minh tiềm năng thị trường là phần quan trọng của thương thảo bản quyền. Đơn vị mua bản quyền cần cung cấp dữ liệu về thị trường sách Việt Nam, minh chứng cho đối tác quốc tế thấy độc giả Việt Nam quan tâm đến dòng sách của họ. Cụ thể, Thái Hà sẽ đưa ra số liệu về doanh thu của các đầu sách cùng thể loại hoặc của tác giả có phong cách tương tự.

Song song, đơn vị trình bày kế hoạch xuất bản và truyền thông cho phiên bản tiếng Việt tại thị trường Việt Nam. Theo bà Phạm Thủy, Thái Hà thường chuẩn bị kế hoạch chi tiết về cách phát hành và quảng bá sách, từ các buổi ra mắt, truyền thông đa kênh cho đến chiến dịch quảng bá trực tuyến và trên mạng xã hội; hợp tác cùng tác giả để tổ chức các sự kiện trực tuyến tương tác với độc giả Việt Nam, giúp gia tăng giá trị cho tác phẩm và thị trường.

Những nỗ lực trên giúp đơn vị không chỉ tăng cường khả năng cạnh tranh trong việc mua bản quyền, mà còn nâng cao uy tín với các đối tác nước ngoài.

Về phía Nhã Nam, để thuyết phục đối tác, đơn vị đưa ra cam kết kèm bằng chứng về chất lượng sản phẩm tiếng Việt, cùng kế hoạch về những điều có thể làm cho phiên bản tiếng Việt ở Việt Nam (chất lượng in ấn, truyền thông...).

"Tại First News, chúng tôi luôn đặt sự uy tín của mình lên hàng đầu", ông Nguyễn Vũ Phương nói. Theo ông, tác phẩm do đơn vị liên kết xuất bản luôn được đầu tư kĩ lưỡng từ khâu dịch thuật, biên tập đến khi in ấn ra thành phẩm để đạt chất lượng tốt: "Chúng tôi luôn cam kết làm hết khả năng với từng tựa sách được xuất bản và với mỗi yêu cầu của nhà xuất bản nước ngoài, chúng tôi luôn lắng nghe và điều chỉnh sao cho phù hợp".

Giám đốc First News nhận định nhà xuất bản nước ngoài luôn công tâm chọn lựa nơi phù hợp nhất để gửi gắm các tác phẩm của mình. Vì vậy, đơn vị xem cạnh tranh là một cách để hiểu được ý đồ của đối tác nước ngoài, biết được họ cần gì và muốn gì, từ đó đơn vị tìm được phương án khắc phục và học hỏi thêm để hoàn thiện hơn.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/ngoi-nha-mua-ban-khap-nam-chau-tai-sao-phai-di-hoi-sach-toan-cau-post1501521.html