Cuộc đua 'chạy nước rút' trong xuất khẩu của HTX trong 3 tháng cuối năm

Cuối năm là cao điểm kinh doanh xuất khẩu lớn nhất trong năm nhưng việc dồn lực sản xuất của HTX, doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn.

Khảo sát Cốc Cốc cho thấy, 80% người mua sắm lên kế hoạch mua sắm Tết trước ít nhất 1 tháng, 50% số người mua sắm lên kế hoạch mua sắm ít nhất 40 ngày trước Tết. Như vậy nếu tính cả công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, chế biến, đưa sản phẩm ra thị trường… thì thời gian để HTX phục vụ mùa Tết không còn nhiều.

Cơ hội lớn, thách thức nhiều

Đó là đối với thị trường trong nước, còn đối với xuất khẩu, giới chuyên gia cho rằng, khi nói đến thị trường Tết tức là nói đến 3 tháng cuối năm. Đây được coi là thời điểm vàng của kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu.

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty TNHH Vietgo, cho biết cuối năm là dịp đặc biệt vì không chỉ có ở Việt Nam mà còn có Tết ở các nước khác từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Đây là thời điểm người dân các nước đi mua sắm tiêu dùng nhiều nhất, nhất là dịp Tết tây ở châu Âu, châu Mỹ.

Đối với HTX, doanh nghiệp Việt, 3 tháng cuối năm là thời điểm bận rộn, phải đàm phán kỹ càng để ký hợp đồng dài hạn. HTX, doanh nghiệp nào chốt được hợp đồng cả năm thì gần như cả năm sau không phải lo gì nữa. Nhiều đơn vị nước ngoài họ mở LC dài, cứ xuất đến đâu, doanh nghiệp ra ngân hàng thanh toán đến đó.

Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của thị trường thế giới gia tăng những tháng cuối năm đồng nghĩa với việc HTX có thêm cơ hội xuất khẩu.

Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của thị trường thế giới gia tăng những tháng cuối năm đồng nghĩa với việc HTX có thêm cơ hội xuất khẩu.

Đến thời điểm tháng 6, 7, thị trường nước ngoài thường mua ít hơn bởi, lúc đó người tiêu dùng các nước chỉ mua thêm những hàng thiếu, còn nhu cầu lớn, dài hạn lại tập trung vào 3 tháng cuối năm.

“Khách nước ngoài làm việc rất có kế hoạch. Họ sẽ xây dựng kế hoạch cho cả năm và làm việc với nhà cung cấp từ cuối năm trước. Do đó, thời điểm những tháng gần Tết mới là lúc họ làm việc điên cuồng”, ông Nguyễn Tuấn Việt, cho biết.

Vậy nhưng, trong cao điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường những tháng cuối năm, không ít doanh nghiệp, HTX đang gặp những khó khăn nhất định trong đầu tư.

Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai), cho biết giá ca cao thu mua từ thành viên, nông dân đang khoảng 160-170 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên trên 200.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Do đó, dù cơ hội kinh doanh những tháng cuối năm sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Thụy Sỹ… rất rộng mở nhưng HTX lại đứng trước khó khăn vì thiếu nguồn cacao, đặc biệt là hàng bảo đảm chất lượng phục vụ xuất khẩu. Bởi loại cây này đang bị thu hẹp diện tích ở Việt Nam sau một thời gian dài bị xuống giá, người dân không mặn mà sản xuất.

Còn tại HTX Bưởi da xanh Bến Tre, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc HTX cho biết, 3 tháng cuối năm chính là thời điểm chạy marathon nhưng khó khăn của HTX hiện nay là thiếu nguồn vốn để mở rộng chuỗi, xây dựng nguồn nguyên liệu. Đi liền với đó, HTX còn thiếu nguồn nhân sự chất lượng cao có thể vận hành, quản lý mảng trái cây xuất khẩu, tham gia hội chợ quốc tế, hội chợ thương mại. Bởi cuối năm cũng là thời điểm tổ chức các hội chợ quốc tế dày hơn.

Ông Trần Hữu Thắng, Giám đốc HTX hồ tiêu Xuân Thọ (Đồng Nai), cho rằng dù chi phí logistics cước vận tải biển từ Việt Nam đi các nước thuộc châu Mỹ và châu Âu trong những ngày đầu tháng 10 đã giảm khoảng 40% so với thời điểm tháng 7. Nhưng nhìn chung, chi phí vận tải của Việt Nam vẫn cao hơn so với thế giới. Đặc biệt, vào những tháng cuối năm, chắc chắn giá vận tải xuất khẩu sẽ tăng vì nhu cầu vận chuyển hàng hóa nhộn nhịp hơn.

Chi phí vận chuyển tăng đi kèm với lợi nhuận của HTX, doanh nghiệp bị kéo giảm, thậm chí đối diện nguy cơ mất khách hàng. Nếu chi phí vận chuyển tăng quá cao, nhiều HTX, doanh nghiệp phải tính toán đến việc thay đổi chiến lược kinh doanh, và tìm kiếm giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng.

“Qua quá trình xuất khẩu, chúng tôi đã có lần phải chấp nhận chia nhỏ đơn hàng, chọn thị trường gần để giảm chi phí logistic...”, ông Trần Hữu Thắng cho biết.

Kích cầu sản xuất

Rõ ràng, cơ hội xuất khẩu dịp cuối năm không hề nhỏ, nhưng đi liền với đó là không ít khó khăn, thách thức đối với các HTX trong giai đoạn cao điểm của năm.

Điều này cũng được ông Nguyễn Tuấn Việt đồng tình nhưng vị chuyên gia này cũng cho rằng nhìn nhận chung, ngành nông sản Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố thúc đẩy và làm bệ đỡ thuận lợi cho xuất khẩu.

Cụ thể như chi phí điện, nước, xăng dầu hiện không quá cao. Nhiều HTX, doanh nghiệp đáp ứng tốt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Vì vậy, các đơn vị cần tận dụng những thế mạnh sẵn có để giảm bớt áp lực xuất khẩu vào những tháng cuối năm.

Song song đó, cần có thêm các chính sách kích cầu sản xuất thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX, doanh nghiệp đầu tư cải tiến sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh. Còn các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng phải tính toán, cân đối bài toán chi phí để giảm giá thành từ khâu nhập nguyên liệu đến đưa sản phẩm ra thị trường nhằm đa dạng cơ hội xuất khẩu.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (Đồng Nai) cho rằng cơ hội xuất khẩu, đáp ứng các đơn hàng cuối năm rất lớn nên HTX rất mong được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ để mở rộng khả năng thu mua nông sản, tăng tốc sản xuất trong thời điểm này.

Bên cạnh đó, một thực trạng hiện nay là vẫn còn nhiều người dân bán nông sản cho thương lái, không thông qua HTX, doanh nghiệp và hiệp hội để xuất khẩu nên khó tăng được giá trị sản phẩm. Do đó, cần đẩy mạnh liên kết chuỗi để thúc đẩy các bước trong chuỗi từ đó nâng cao năng lực xuất khẩu cho HTX.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/cuoc-dua-chay-nuoc-rut-trong-xuat-khau-cua-htx-trong-3-thang-cuoi-nam-1102895.html