Cuộc đua 'Chiếc giày vàng' và kỷ lục phản lưới nhà
Cho dù đã gần ngã ngũ, nhưng cuộc đua 'Chiếc giày vàng' của EURO 2020 vẫn chưa dừng lại cho đến khi xác định được ngôi vô địch trên sân Wembley sắp tới. Người Anh vẫn có quyền hy vọng, trong khi kỷ lục không ngờ của kỳ giải năm nay về những bàn thắng phản lưới nhà cũng có thể tiếp tục nối dài.
EURO 2020 đang dần khép lại và cuộc đua “Chiếc giày vàng” của kỳ giải năm nay dành cho các cầu thủ ghi được nhiều bàn thắng nhất cũng đang đi đến hồi kết. Hiện tại, trong danh sách cầu thủ ghi nhiều bàn thắng, có hai cầu thủ ghi được năm bàn thắng là hai tiền đạo C.Ronaldo (Bồ Ðào Nha) và Patrik Shik (Czech); xếp sau là các cầu thủ ghi được bốn bàn thắng: Harry Kane (Anh), Karim Benzema (Pháp), Emil Forsberg (Thụy Ðiển) và Romelu Lukaku (Bỉ) cùng năm cầu thủ ghi được ba bàn thắng là G.Wijnaldum (Hà Lan), R.Lewandowski (Ba Lan), H.Seferovic (Thụy Sĩ), R.Sterling (Anh), A.Morata (Tây Ban Nha). Tuy nhiên, phần lớn các cầu thủ đã phải dừng bước qua các vòng đấu loại trực tiếp vừa qua. Cuộc đua chỉ còn lại hai “hy vọng” của người Anh là H.Kane (bốn bàn thắng) và R.Sterling (ba bàn thắng). Trong khi đó, đội tuyển Italia vào trận chung kết với năm cầu thủ đã ghi được hai bàn thắng, nhưng rất khó có khả năng họ sẽ bứt phá có thêm được ba bàn thắng trong một trận đấu để san bằng thành tích năm bàn thắng trong một trận chung kết được dự đoán là khó khăn.
Theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), nếu các cầu thủ sở hữu số bàn thắng như nhau, “Chiếc giày vàng” EURO 2020 sẽ được trao dựa trên các tiêu chí lần lượt về số tình huống kiến tạo thành bàn thắng nhiều hơn và có số phút thi đấu ít nhất, cuối cùng là trên cơ sở số bàn thắng ghi được tại vòng loại. Theo tiêu chí này, C.Ronaldo đang dẫn đầu danh sách nhận giải với năm bàn thắng và một đường kiến tạo cho đồng đội ghi bàn ở trận thắng Ðức ở vòng bảng. Tuy cũng có năm bàn thắng, song Patrik Schik chỉ xếp thứ hai vì không có bàn kiến tạo nào và đã hết cơ hội cạnh tranh. Với H.Kane đã có bốn bàn thắng sau trận bán kết, nhưng cũng không có tình huống kiến tạo thành bàn và đang hy vọng làm nên “kỳ tích” ở trận chung kết trên sân nhà. Ðể có thể vượt Ronaldo và trở thành “Vua phá lưới” của giải, H.Kane sẽ cần phải ghi được hai bàn thắng hoặc một bàn thắng cùng hai pha kiến tạo thành bàn. Nếu tiền đạo của “Tam sư” chỉ có bằng được với thành tích của Ronaldo thì anh cũng không thể chạm tay vào “Chiếc giày vàng” bởi có tổng số phút thi đấu hơn rất nhiều so với Ronaldo đã dừng bước từ vòng 1/8. R.Sterling của đội tuyển Anh đang có ba bàn thắng, một pha kiến tạo, cũng khó về đích so với Ronaldo ở cuộc đua này khi nhìn vào tình thế khó khăn của trận chung kết. Tuy nhiên, với người hâm mộ Anh, không gì là không thể và họ vẫn có quyền mơ về chiếc Cúp vô địch cùng “Chiếc giày vàng”.
Bên cạnh cuộc đua cho ngôi “Vua phá lưới” qua những con số thống kê, EURO 2020 cũng để lại ấn tượng với kỷ lục trong lịch sử giải đấu khi có quá nhiều pha ghi bàn thắng “phản lưới nhà”. Tính đến trận bán kết hai giữa Anh và Ðan Mạch đã có 11 bàn phản lưới nhà, nhiều hơn tổng số chín bàn phản lưới nhà trong cả 15 lần tổ chức trước của EURO từ năm 1960 đến 2016. Ðiều thú vị là cầu thủ M.Demiral của Thổ Nhĩ Kỳ đã “làm nên lịch sử” khi là người đầu tiên ghi bàn mở màn ở một kỳ EURO bằng pha phản lưới nhà. Và như một điềm báo trước, trong các vòng đấu vừa qua, đã có thêm 10 bàn phản lưới nhà được ghi thêm với các mức độ hài hước khác nhau hoặc đơn giản chỉ là sự kỳ quặc, khó hiểu. Giới chuyên môn và người hâm mộ đều đang tự hỏi, điều gì đang diễn ra ở kỳ giải này, có phải vì các hậu vệ hay thủ môn đã thi đấu quá mất tập trung?
Một trong những nguyên nhân đầu tiên mà nhiều người đồng ý là có vẻ là các hậu vệ đã thật sự mệt mỏi sau hai mùa giải kéo dài do đại dịch Covid-19 khiến mùa giải 2019/20 bị dồn lịch thi đấu đến mùa hè và ngay sau đó là mùa giải 2020/21 tiếp diễn. Không có gì ngạc nhiên khi sai lầm của các hậu vệ xuất hiện nhiều hơn sai sót của những cầu thủ ở khu vực khác trên sân. Một lý do khác là EURO 2020 cũng có nhiều trận đấu hơn. Từ năm 2016, số đội tham dự EURO đã tăng từ 16 đội lên 24 đội, đồng nghĩa số trận sẽ tăng đáng kể từ 31 trận lên 48 trận. Ngược thời gian về năm 1960, khi EURO lần đầu tiên diễn ra, giải chỉ có bốn đội và bốn trận đấu. Vì thế, nhiều trận đấu hơn sẽ có nhiều tình huống ghi bàn phản lưới hơn, dù chúng ta cũng khó giải thích với con số ba bàn phản lưới ở năm 2016 tăng vọt lên 10 bàn vào năm 2020.
Sau những nguyên nhân mang tính khách quan, cũng phải nói tới nguyên nhân hoàn toàn mang tính chuyên môn vì cách xác định thế nào là một bàn đá phản. Trước đây, nếu một cú sút hướng về khung thành và chạm người cầu thủ đối phương, cầu thủ sút bóng vẫn được công nhận là người ghi bàn. Còn hiện tại, nếu bóng chạm cầu thủ đối phương và bay vào lưới, UEFA xem đó là một bàn đá phản lưới nhà. Một lý do có vẻ không thuyết phục nhiều, nhưng cũng có thể, đó là sau hai năm chịu dịch Covid-19 và sự căng thẳng trong thi đấu khiến các cầu thủ có những hành động khó hiểu, góp phần tạo thêm “không khí vui nhộn” cho giải đấu như tình huống thủ môn Dubravka của Slovakia tự ném bóng vào lưới nhà ở trận thua Tây Ban Nha 0-5 tại vòng bảng. Nói gì thì nói, những bàn thắng phản lưới nhà cũng nên được xem như là một dấu ấn cho một kỳ giải EURO vốn đã quá nhiều bất ngờ và kịch tính.