Cuộc đua danh tiếng ở các 'lò đào tạo hoa hậu' tại Việt Nam

Giữa lúc các cuộc thi hoa hậu mọc lên như nấm sau mưa, một trào lưu mới xuất hiện trong giới sắc đẹp tại Việt Nam là mời người đẹp quốc tế sang để chấm thi.

Không có gì sai khi gọi 2022 là năm “loạn” hoa hậu. Từ các cuộc thi cấp quốc gia đến hàng loạt chương trình nhan sắc, quý bà nhỏ lẻ cấp thành phố, cấp tỉnh… tăng phi mã như giá vàng sau hai năm “tạm ẩn mình” vì dịch bệnh.

Trong bối cảnh các cuộc thi sắc đẹp xuất hiện ngày càng nhiều, một số nhà tổ chức đã tìm cách nâng tầm thương hiệu của mình: Mời người đẹp đăng quang cuộc thi quốc tế sang Việt Nam làm giám khảo. Nó như một cách khẳng định rằng đẳng cấp của họi hoàn toàn vượt qua chương trình khác.

Một, hai lần thì còn được chú ý, nhưng khi mọi thứ quá dồn dập, việc khán giả thấy ngán là quá bình thường. Suốt hai tháng qua, mỹ nhân quốc tế sang Việt Nam ngày càng nhiều. Dần dần, việc này khiến khán giả bội thực. Và từ mục đích ban đầu là để khán giả chiêm ngưỡng nhan sắc các nàng hậu quốc tế, nó dần biến thành cuộc đua danh tiếng của các lò đào tạo hoa hậu tại Việt Nam.

Từ “cuộc đua” của Sen Vàng và Uni

Đầu tháng 6, Sen Vàng - đơn vị đứng sau tổ chức Miss Grand Vietnam - “chơi lớn” khi mời Top 10 Miss Grand Thailand và chủ tịch Miss Grand International sang Việt Nam dự họp báo khởi động cuộc thi Hoa hậu.

Thời điểm đó, fan sắc đẹp tỏ ra hứng thú vì cuối cùng có thể chiêm ngưỡng nhan sắc của 10 người đẹp đến từ Thái Lan, đặc biệt là Á hậu 1 - Miss Grand Phuket có cú xoay búp bê Barbie nổi đình đám trong cộng đồng fan hoa hậu.

Đây được xem là nước cờ truyền thông khôn ngoan, khi mọi thông tin, hình ảnh về Top 10, cuộc thi Miss Grand Vietnam phủ sóng khắp các mặt báo và mạng xã hội. Không ngoa khi nói truyền thông thực sự thuộc về nhà Sen Vàng, dù thời điểm đó cuộc thi nhan sắc khác đang gây chú ý không kém là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.

Không để thua “đối thủ”, phía UNI Media lộ hint mời các người đẹp quốc tế sang Việt Nam để xuất hiện trong đêm chung kết. Và lần này, đơn vị tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam “chơi lớn” đến nỗi mời các hoa hậu chấm thi, ở lại Việt Nam du lịch, tương tác với người hâm mộ.

UNI “cao tay” hơn khi dành riêng một buổi để fan sắc đẹp, truyền thông, báo chí có cơ hội trò chuyện với bộ ba Hoa hậu Hoàn vũ Natalie Glebova, Catriona Gray và Harnaaz Sandhu.

Tại buổi gặp gỡ, truyền thông được dịp đặt câu hỏi về tiêu chí chấm thi, cách tìm ra tân hoa hậu. Fan hy vọng rằng ban tổ chức tìm ra được chủ nhân cho chiếc vương miện tiệm cận với Hoa hậu Hoàn vũ nhất có thể.

Đặc biệt, fan còn “mơ tưởng” việc mời được Chủ tịch và CEO của Hoa hậu Hoàn vũ sang Việt Nam là tín hiệu cho rằng Ngọc Châu - người đẹp vừa đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 - sẽ vượt xa thành tích Top 5 của H’Hen Niê, thậm chí tiến vào top 3, đội vương miện…

Chưa biết Ngọc Châu có lọt top Hoa hậu Hoàn vũ hay đại diện Việt Nam tại Miss Grand Vietnam có lập thành tích như Thùy Tiên hay không, nhưng truyền thông đã thực sự thuộc về ban tổ chức, danh tiếng của hai cuộc thi cũng nâng cao hơn, nằm ngoài làn sóng “loạn hoa hậu” như hiện tại.

Miếng mồi ngon

Nhận thấy sự hấp dẫn, hiệu ứng truyền thông nổi bật của việc mời mỹ nhân quốc tế sang Việt Nam, một số cuộc thi đã “rục rịch”, lên kế hoạch tương tự hai cuộc thi Miss Grand Vietnam và Miss Universe Vietnam.

Đầu tháng 7, một cuộc thi khác lần đầu xin giấy phép tổ chức là Hoa hậu Biển đảo Việt Nam. Do không thể cạnh tranh với những cuộc thi vốn được công chúng biết đến rộng rãi, ban tổ chức đã bắt kịp trào lưu mới trong giới hoa hậu: mời người đẹp quốc tế để gây chú ý.

Do chưa có cuộc thi Biển đảo Quốc tế, ban tổ chức Hoa hậu Biển đảo Việt Nam đã mời Hoa hậu Siêu quốc gia 2013 Mutya Johanna Datulsang Việt Nam đảm nhận vai trò giám khảo danh dự.

Song, quy luật tự nhiên là vậy, những thứ dồn dập, liên tục khiến người khác phát ngán. Một tháng trước, khán giả có thể phấn khích với thông tin Top 10 Miss Grand Thailand sang Việt Nam hay việc Catriona Gray ăn đồ Việt Nam. Nhưng khi Mutya Johanna Datul sang, thực tế không có nhiều người hưởng ứng với điều đó. Mặt khác, tên tuổi của Mutya Johanna Datul không quá nổi tiếng để khán giá có thể “quào” như hai cuộc thi trước đó.

Nhưng cũng không thể phủ nhận một điều rằng, chính nhờ việc mời Mutya Johanna Datul, Hoa hậu Biển đảo mới không bị chìm nghỉm, rơi vào quên lãng như các cuộc thi nhỏ lẻ khác.

Mới đây, một cuộc thi nhan sắc khác mời hai người đẹp Miss Earth 2020 Lindsey Coffey và Miss Earth 2021 Destiny Wagner sang Việt Nam. Nhưng thực tế hai người đẹp gần như không được truyền thông săn đón giữa cơn bão “drama dồn dập” của giới hoa hậu thời gian gần đây.

Lẽ dĩ nhiên, không ai có quyền cấm hay ý kiến việc một cuộc thi mời các hoa hậu quốc tế sang Việt Nam để quảng bá, làm giám khảo. Nhưng câu hỏi đặt ra là việc này liệu có đủ công tâm và chính xác hay không?

Tìm ra hoa hậu cần một quá trình dài. Sân khấu bán kết, chung kết chỉ đơn thuần là buổi trình diễn, đánh giá lại lần cuối bản lĩnh sân khấu của các người đẹp. Khi mời giám khảo quốc tế xuất hiện trong đêm chung kết, dễ xảy ra hai trường hợp.

Thứ nhất, giám khảo quốc tế không theo sát thí sinh, chỉ nhìn được tiềm năng, tố chất các người đẹp trong mấy mươi phút ngắn ngủi. Điều đó dễ dẫn đến sự chủ quan. Thứ hai, nếu các cuộc thi cho rằng giám khảo chính đánh giá, họ chỉ là “giám khảo danh dự”, thì chiếc ghế đó chẳng khác gì hữu danh vô thực.

Tựu trung lại, dù có hướng đi thế nào, người chiến thắng có xứng đáng hay không, thì đối tượng được lợi nhiều nhất vẫn là ban tổ chức cuộc thi hoa hậu. Giữa thời đại các cuộc thi hoa hậu mọc lên như nấm sau mưa, việc tìm ra hướng đi phô trương danh thế là cần thiết, nhưng rồi sau đó, ban tổ chức sẽ làm gì để không bị hòa tan trước danh sách cuộc thi hoa hậu dài “hằng hà sa số”?

Team Thời Trang

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/nguoi-mau-hoa-hau/cuoc-dua-danh-tieng-o-cac-lo-dao-tao-hoa-hau-tai-viet-nam-202207131506298237.html