Cuộc đua gay cấn

Hôm nay (26-9), hơn 60,4 triệu cử tri Đức sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 20. Đây không chỉ là cuộc bỏ phiếu để bầu nghị viện gồm 598 ghế mà còn là bước đệm để chọn ra một chính phủ và thủ tướng mới thay thế bà Angela Merkel, người đã giữ cương vị này trong 16 năm qua.

Cuộc bầu cử quốc hội năm 2021 được đánh giá là cuộc ganh đua gay cấn nhất tại Đức so với những kỳ bầu cử gần đây. Các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử cho thấy, Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) liên tiếp dẫn đầu trong suốt hai tháng qua (25%), vượt trên liên đảng Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) cầm quyền (22%). Điều này có thể hiểu được tâm lý muốn thay đổi của cử tri Đức sau 16 năm cầm quyền liên tục của CDU/CSU.

Dù vậy, tỷ lệ ủng hộ SPD và liên minh CDU/CSU khá sít sao, chỉ chênh 3 điểm phần trăm, nên không ai dám chắc đảng nào sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 26-9. Lịch sử bầu cử quốc hội ở Đức từng ghi nhận, kể từ năm 1961 đến nay, không có đảng nào giành được quá bán số phiếu để có thể tự đứng ra lập chính phủ. Và năm nay cũng không loại trừ khả năng lịch sử có thể lặp lại. Điều đó đồng nghĩa với việc SPD sẽ phải liên minh với các đảng khác nếu muốn trở thành đảng cầm quyền. Trong khi đó, CDU/CSU cũng phải tìm kiếm đối tác nếu không muốn trở thành đảng đối lập trong nghị viện liên bang.

Trong ảnh (từ trái sang): Chủ tịch CSU Markus Soder, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch CDU Armin Laschet tại sự kiện chính thức "khai hỏa" chiến dịch tranh cử nước rút ở thủ đô Berlin ngày 21-8-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ảnh (từ trái sang): Chủ tịch CSU Markus Soder, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch CDU Armin Laschet tại sự kiện chính thức "khai hỏa" chiến dịch tranh cử nước rút ở thủ đô Berlin ngày 21-8-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Với kết quả khó đoán định, cuộc bầu cử quốc hội sẽ đặt ra những kịch bản nào cho chính trường Đức? Trong hai kịch bản được thảo luận nhiều nhất hiện nay, mấu chốt đang nằm ở sự lựa chọn của Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do (FDP). Hiện tại, Đảng Xanh đang có xu hướng nghiêng về SPD, trong khi FDP lại có xu hướng ủng hộ CDU/CSU. Với tỷ lệ ủng hộ 11% trong các cuộc thăm dò trước bầu cử, FDP ưu tiên liên minh với Đảng CDU và Đảng Xanh để tạo thành liên minh Jamaica (màu cờ của Jamaica (vàng/đen/xanh) trùng với màu cờ của 3 đảng: FDP, CDU, Đảng Xanh). Tuy nhiên, FDP cũng có thể đóng vai trò lực lượng hỗ trợ cho SPD và Đảng Xanh để tạo thành liên minh đỏ/xanh/vàng (còn gọi là phương án “đèn giao thông”) với mức quá bán (khoảng 53%). Kịch bản SPD và CDU/CSU lập “đại liên minh” cũng được tính tới song khó có khả năng lặp lại như trong cuộc bầu cử năm 2017. Những tính toán trên chắc chắn còn thay đổi sau khi kết quả cuộc bầu cử quốc hội được công bố. Khi đó các đảng sẽ có vũ khí chính thức để mang ra đàm phán và mặc cả.

Như đã nêu ở trên, cuộc bầu cử quốc hội Đức không chỉ xác định số ghế của mỗi đảng trong nghị viện liên bang mà còn là bước đệm để chọn ra một chính phủ và thủ tướng mới thay thế bà Angela Merkel. Cho đến nay, có 3 ứng cử viên tranh cử chức thủ tướng, trong đó Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính liên bang Đức Olaf Scholz, đại diện của Đảng SPD, được đánh giá là gương mặt sáng giá kế nhiệm Thủ tướng Merkel. Trong nhiều tuần qua, chính khách Scholz đã có sự thể hiện vững vàng, ấn tượng nhất và liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Với khẩu hiệu “Sứ mệnh tương lai cho đất nước của chúng ta”, cương lĩnh tranh cử của ông Scholz đề ra những mục tiêu cụ thể trong hàng loạt lĩnh vực, từ chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế, tăng cường đầu tư công, tăng thu nhập tối thiểu đến tập trung đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên toàn nước Đức... Trong lĩnh vực đối ngoại, chính trị gia 63 tuổi này ủng hộ hợp tác với Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song cũng nhấn mạnh quan hệ đối tác với Pháp, cho rằng châu Âu cần có tiếng nói đồng lòng hơn trong các vấn đề của khu vực và thế giới.

Tham gia cuộc chạy đua chức thủ tướng cùng ông Scholz còn có ông Armin Laschet, 60 tuổi, đại diện của liên đảng CDU/CSU và bà Annalena Baerbock, 40 tuổi, đại diện của Đảng Xanh. Là nhân vật thân cận lâu năm với Thủ tướng Angela Merkel, ứng viên Laschet cho thấy ông là người muốn hướng tới những giải pháp hài hòa cho các vấn đề nội bộ. Trong cam kết tranh cử, ông Laschet tuyên bố sẽ đưa Đức trở thành nước công nghiệp trung hòa về khí thải, nơi mà những vấn đề về bảo vệ môi trường, người lao động và việc làm trong tương lai đều được bảo đảm. Ngoài ra, ông cũng khẳng định sẽ không tăng thuế, tăng giới hạn mức lương cho công việc làm thêm từ 450 euro lên 550-600 euro... Ưu thế của ông Laschet là có được sự hậu thuẫn của Thủ tướng đương nhiệm Merkel. Chỉ một ngày trước khi bầu cử diễn ra, bà Merkel vẫn đi vận động, kêu gọi cử tri tin tưởng, đồng lòng ủng hộ CDU và ông Laschet. Bà Merkel khẳng định việc lựa chọn ứng cử viên Laschet là sự bảo đảm cho một nền kinh tế mạnh cũng như bảo đảm việc làm cho nước Đức, gắn kết đất nước với những gì tốt đẹp nhất trên thế giới.

Trong khi đó, ứng cử viên của Đảng Xanh, bà Baerbock, hướng cam kết của mình vào vấn đề bảo vệ khí hậu, như nhanh chóng mở rộng chương trình năng lượng gió, mặt trời và loại bỏ than đá vào năm 2030... Tuy nhiên, bà Baerbock không được đánh giá cao bởi kinh nghiệm đối ngoại còn khá hạn chế.

Giới phân tích cho rằng, với gần 40% cử tri chưa quyết định ủng hộ đảng nào, cục diện cuộc bầu cử quốc hội Đức được đánh giá là khó đoán định và có thể gây bất ngờ ở phút chót. Một điều chắc chắn rằng bà Angela Merkel sẽ không rời ghế Thủ tướng Đức ngay sau ngày 26-9 bởi các đảng phái sẽ mất thời gian thảo luận thành lập chính phủ liên minh mới. Không loại trừ khả năng các cuộc mặc cả có thể kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, giống như cuộc bầu cử quốc hội năm 2017 khi các đảng phải cần tới 171 ngày mới có thể thành lập được liên minh cầm quyền. Về mặt cá nhân, bất cứ ai được chọn làm thủ tướng cũng sẽ phải chịu sức ép rất lớn bởi bà Merkel đã để lại một di sản đồ sộ không chỉ cho nước Đức mà còn cho cả châu Âu cũng như các mối quan hệ địa chính trị khác trên thế giới.

Linh Oanh / Báo QĐND

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/quoc-te/cuoc-dua-gay-can-51970.html