Cuộc đua giảm lãi suất: Các ngân hàng tìm cách giữ khách
'Cuộc đua' về lãi suất khá gay gắt hiện nay đã và đang buộc các ngân hàng phải tìm cách thích nghi và đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cần thiết đối với khách hàng.
Nếu như từ cuối quý II/2022 đến đầu năm 2023, lãi suất cho vay thông thường ở kỳ ngắn hạn của các NH dao động ở mức khá cao (phổ biến là trên 10%/năm), thì từ đầu quý II/2023 đến nay, lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm. Đến đầu năm 2024, lãi suất cho vay thông thường của các NHTMCP Nhà nước đối với các doanh nghiệp ở kỳ ngắn hạn (dưới 6 tháng) chỉ còn khoảng 6-7%/năm; kỳ trung, dài hạn khoảng trên dưới 9%/năm.
Đối với khối NHTMCP nhỏ, lãi suất cho vay tuy cũng giảm song vẫn được cho là còn khá cao, phổ biến cao hơn 1-2%, thậm chí là 3%/năm so với khối các NH thương mại Nhà nước và NHTMCP Nhà nước ở cả kỳ ngắn, trung và dài hạn. Điều này khiến nhiều khách hàng đã dần dịch chuyển khoản vay sang các NH có mức lãi suất hợp lý hơn.
Thực tế cho thấy, trong khi các NH thương mại Nhà nước, NHTMCP Nhà nước (gồm Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank - tốp 4 NH lớn) có lịch sử hình thành và phát triển từ vài chục năm nay, nên có nền khách hàng khá ổn định, thì các NHTMCP nhỏ đều thành lập sau. Do chưa tạo dựng được thương hiệu, mạng lưới các phòng giao dịch ít, nên để thu hút được khách hàng, các NH này buộc phải huy động vốn với lãi suất cao hơn đáng kể so với những NH lớn.
Vì đầu vào cao nên các NHTMCP nhỏ buộc phải cho vay với mức lãi suất cao hơn. Do đó, đối tượng các NH nhỏ thường hướng đến là khách hàng cá nhân và cho vay tiêu dùng. Đây là nhóm khách hàng có khả năng chấp nhận mức lãi suất cao hơn cho vay sản xuất - kinh doanh, do thủ tục vay thường đơn giản, thuận lợi hơn. Nhưng cũng chính vì thế, tỷ lệ nợ xấu của nhóm NHTMCP nhỏ cũng thường cao hơn.
Trong khi những năm trước, việc sản xuất - kinh doanh không quá khó khăn, thu nhập của phần lớn người lao động tương đối ổn định nên nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp đều tăng đáng kể. Thậm chí nhiều NH vào những tháng cuối năm còn hết hạn mức, không thể cho vay ra nên buộc nhiều người vay phải tìm đến NH nhỏ, chấp nhận mức lãi suất cao hơn. Chính vì thế, việc chênh lệch lãi suất 1-2%/năm không phải là vấn đề lớn đối với nhiều người.
Tuy nhiên, từ năm 2023 trở lại đây, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, câu chuyện lãi suất được quan tâm hơn. Cùng với đó, các NH lớn đều muốn cho vay ra và tìm nhiều giải pháp để tăng dư nợ khiến việc cho vay của các NHTMCP nhỏ gặp khó khăn. Điều này càng trở nên rõ rệt hơn khi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN của NH Nhà nước Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2023, cho phép người vay được vay vốn NH này để trả nợ NH khác. Trong đó có những khoản vay lên tới vài chục, thậm chí vài trăm tỷ đồng.
Theo đại diện một số chi nhánh NHTMCP như Bắc Á, Liên Việt, SHB: 2023 là năm đầu tiên chi nhánh có mức tăng trưởng âm về dư nợ. Bên cạnh một số ít NH chủ động giảm dư nợ theo định hướng của Hội sở chính, thì nguyên nhân chính vẫn là do khách hàng tìm đến những NH có mức lãi suất cho vay thấp hơn.
Trước sự dịch chuyển này, nhiều NH đã kịp thời điều chỉnh giảm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; cùng với đó là áp dụng một số chính sách hỗ trợ riêng đối với từng khách hàng nên đã giảm được phần nào tình trạng khách hàng “bỏ đi”. Đại diện một số NH cũng cho biết, đơn vị đã và đang triển khai một số chính sách mới có lợi cho khách hàng ngay từ đầu năm 2024 với hy vọng sẽ lấy lại đà tăng trưởng về dư nợ.
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh, phân tích: Trong khi mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp thì việc một số NHTMCP nhỏ vẫn cho vay với mức lãi suất cao là điều khó được chấp nhận. Trong bối cảnh hiện nay, những NH không chủ động hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng thì chuyện “mất khách" là điều dễ hiểu.
Quả thật, "cuộc đua" về lãi suất khá gay gắt hiện nay đã và đang buộc các NH phải tìm cách thích nghi và đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cần thiết đối với khách hàng. Đây đang được ví như một phép thử đối với các NH, cũng là cơ hội tốt để người dân, doanh nghiệp có thêm cơ hội và sự lựa chọn để gắn bó với những NH có chất lượng phục vụ tốt hơn. Mặc dù vậy, một lời khuyên được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra đó là: Trước khi tìm đến đối tác mới, hãy cân nhắc thiệt - hơn. Đừng vì lợi ích trước mắt mà cả bên vay và bên cho vay từ bỏ đối tác của mình, bởi chỉ có sự gắn bó lâu dài mới giúp cả NH và khách hàng hiểu, chia sẻ với nhau một cách tốt nhất...