Cuộc đua 'không khoan nhượng' cho vị thế tại gói thầu tỉ đô la ở sân bay Long Thành

Sức nóng của cuộc đua giành gói thầu trị giá 35.000 tỉ đồng ở dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành ngày càng gia tăng khi các bên tham gia liên tục tung ra hàng loạt 'chiêu thức' để thể hiện vị thế. Tưởng chừng như mọi việc ngã ngũ khi chỉ có một liên danh vượt qua được vòng khảo thí hồ sơ kỹ thuật, thế nhưng những ồn ào sau đó từ các đối thủ cho thấy để bước tới vạch đích là điều không đơn giản.

Trong bối cảnh suy giảm của ngành xây dựng trong hai năm qua, việc chiến thắng tại gói thầu 5.10 của dự án sân bay Long Thành có ý nghĩa rất quan trọng với rất nhiều doanh nghiệp cho hành trình phát triển sắp tới. Do vậy kết quả chọn nhà thầu cho dự án vẫn đang được giới đầu tư từ xây dựng, bất động sản cho đến chứng khoán thấp thỏm trông chờ. Và trong thời gian này gần như cả ngành xây dựng Việt Nam đang tập trung sự chú ý vào cuộc chiến “cân não” giữa các liên danh lớn tham gia vào gói thầu này.

Biểu dương lực lượng qua liên danh

Sân bay Long Thành được xem là dự án trọng điểm quốc gia và mang tầm cỡ hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương với tổng vốn đầu tư 14,9 tỉ đô la. Gói thầu 5.10 (nhà ga hành khách) là gói có vốn đầu tư lớn nhất hiện nay với hơn 35.200 tỉ đồng. Hầu hết doanh nghiệp ngành xây dựng có vốn hóa lớn trên sàn chứng khoán đều tham gia vào gói thầu này dưới dạng liên danh. Có thế thấy những tên tuổi lớn nhất trong ngành xây dựng đã phân nhóm đối kháng trong thời gian qua.

Với những người theo dõi lâu năm, đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình năm nay thật đặc biệt. Ở đó, có sự xuất hiện của những doanh nhân đang đứng đầu các doanh nghiệp được xem là đối thủ của Hòa Bình như ông Bolat Duisenov – Chủ tịch HĐQT Coteccons, ông Trần Quang Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Central, ông Trần Nhật Thành – Chủ tịch tập đoàn xây dựng Delta, ông Nguyễn Khắc Đồng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng An Phong…

Hình ảnh các lãnh đạo doanh nghiệp này vui vẻ bắt tay với nhau đã gây bất ngờ lớn cho giới đầu tư. Nhưng về bản chất, cuộc hội ngộ ở Hòa Bình biểu hiện sự công khai của một liên minh mang tên Hoa Lư đã được hình thành từ khá lâu trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên, những ông lớn của ngành xây dựng Việt Nam, vốn là đối thủ trong cả thập niên qua, đứng chung một chiến hào hướng tới mục tiêu chiến thắng tại gói thầu trị giá hàng tỉ đô la của dự án Sân bay Long Thành.

Các ông lớn ngành xây dựng “quần hùng” tại các gói thầu ở dự án sân bay Long Thành thông qua các liên danh. Ảnh minh họa: BTC

Các ông lớn ngành xây dựng “quần hùng” tại các gói thầu ở dự án sân bay Long Thành thông qua các liên danh. Ảnh minh họa: BTC

Hoa Lư không chỉ tập hợp những doanh nghiệp nội địa có thế mạnh trong mảng dân dụng, thương mại, nhân tố có thể gây đột biến trong liên minh này chính là đối tác ngoại Powerline Engineering Public. Đây là doanh nghiệp có bề dày trong ngành xây dựng Thái Lan với việc tham gia vào hầu hết các dự án sân bay tại quốc gia này.

Nếu như liên danh Hoa Lư quy tụ phần lớn anh hào trong ngành xây dựng của Việt Nam thì liên danh Vietur được nhìn nhận là mang khát vọng “phục hưng” của ông Nguyễn Bá Dương, người đứng đầu Coteccons trước đây.

Ông Dương sở hữu trong tay hệ sinh thái doanh nghiệp xây dựng trẻ nhưng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh như Newtecons, Ricons, SOL E&C, BM Windows…

Dù liên danh Vietur được lập khá trễ (quí 2-2023) nhưng cũng quy tụ được đồng minh chất lượng. Ở trong nước, Vinaconex là một tên tuổi lớn, có kinh nghiệm lâu năm với các dự án đầu tư công, từng tham gia các dự án sân bay như Phú Bài (nhà ga T2), Cam Ranh (nâng cấp sân đỗ). Trong khi đó, CC1 cũng nổi danh với việc tham gia các gói thầu cao tốc Bắc – Nam cũng như dự vào việc xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất cùng với Hancorp.

Đối tác ngoại của nhóm Vietur cũng là một cái tên đình đám với nhà thầu hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ IC Holdings và có kinh nghiệm trong thi công sân bay tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là đơn vị đại diện đứng đầu liên danh Vietur.

Trong số 3 liên danh cạnh tranh với nhau tại gói thầu này, CHEC-BCEG-Vietnam Contractors là ẩn số lớn nhất, bởi các thông tin về 2 nhà thầu Trung Quốc là China Habour Engineering Company Limited và Bejing Construction Engineering Group Co, Ltd không dễ tìm kiếm. Tuy nhiên với những chiến lược cạnh tranh về giá có thể là vũ khí giúp các nhà thầu đến từ Trung Quốc có thể xoay chuyển cục diện. Tuy nhiên điểm bất lợi của liên danh này là không có được đối tác nội đủ mạnh để tạo sự cân bằng khi chỉ có một mình Tổng công ty 789 là có tiếng tăm.

Với danh tính rõ ràng của các nhóm đối lập, “sức nóng” của gói thầu tỉ đô la này đang lan tỏa lên cả sàn chứng khoán trong thời gian qua và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong các nhóm đối lập được ví “cảm biến” để kiểm tra lợi thế của các bên. Trong mấy tháng qua cổ phiếu CTD của Coteccons và VCG của Vinaconex gần như có diễn biến đối lập nhau (bên này tăng trần thì bên kia giảm sàn), thể hiện mức độ cạnh tranh tại gói thầu này giữa các liên danh.

Cuộc đua cho vị thế trong ngành xây dựng

Không chỉ là canh tranh gián tiếp từ hồ sơ chào thầu mà những “miếng đòn” trực tiếp trong những giai đoạn nước rút để làm anh hưởng đến uy tín của đối thủ cũng như gia tăng vị thế của mình đã được các bên sử dụng. Cách đây hơn một tuần, Coteccons bị đối thủ Ricons yêu cầu làm thủ tục phá sản. Dù không liên quan, nhưng động thái này khiến không ít người liên tưởng đến một sự tác động cho cuộc đua giành thầu tại dự án sân bay Long Thành giữa hai bên.

Một chuyên gia tài chính độc lập nhìn nhận, mục đích của Ricons khi đệ đơn yêu cầu Coteccons mở thủ tục phá sản chắc chắn không nhằm đạt được mục tiêu khiến doanh nghiệp đang dẫn đầu ngành xây dựng thực sự phá sản. Tuy nhiên, hành động của Ricons phần nào đó có thể gây ra những xáo trộn, ít nhất là ảnh hưởng về mặt uy tín của Coteccons trong thời điểm nhạy cảm. Minh chứng là ngay sau khi thông tin trên nổ ra, cổ phiếu CTD của Coteccons nhanh chóng bị nhà đầu tư bán ra mạnh.

Thậm chí chủ tịch Coteccons bày tỏ quan điểm trong thông cáo báo chí phát đi sau đó cho rằng vụ việc không ngẫu nhiên mà xảy ra. Thực trạng thiếu việc làm, mất cân đối cung cầu, khiến sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực xây dựng đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Một số nhà thầu đã nhân cơ hội này để đẩy cao trào những xung đột không đáng có khiến cho môi trường xây dựng ngày càng trở nên tiêu cực.

“Đây là một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này. Do đó, Coteccons đề nghị nhà thầu xây dựng Ricons có tinh thần hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý và xác định giá trị công nợ phát sinh giữa hai bên để không ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu của Coteccons”, thông cáo nêu rõ.

Hơn cả một gói gói thầu, cuộc chiến không khoan nhượng tại sân bay Long Thành có thể là vì vị thế trong tương lai của các doanh nghiệp xây dựng. Ảnh: Baochinhphu.vn

Hơn cả một gói gói thầu, cuộc chiến không khoan nhượng tại sân bay Long Thành có thể là vì vị thế trong tương lai của các doanh nghiệp xây dựng. Ảnh: Baochinhphu.vn

Mọi dự đoán đều chỉ mang tính chủ quan cho đến thời điểm này, tuy nhiên, sự sốt sắng của các nhà thầu đang khẳng định sức hút của dự án xây dựng sân bay Long Thành rất lớn.

Không lâu sau những tác động trực tiếp giữa hai doanh nghiệp, một văn bản của đơn vị mở thầu là Tổng công ty Càng hàng không Việt Nam (ACV) về kết quả vòng kỹ thuật gói thầu 5.10 đã lan truyền, gây sự chú ý của dư luận. Theo văn bản này thông báo, hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu nêu trên chỉ có một liên danh duy nhất là Vietur để bước vào vòng xét duyệt hồ sơ tài chính.

Với việc là liên danh duy nhất được xem xét hồ sơ tài chính gần như giới đầu tư cho rằng kết quả gói thầu này đã ngã ngũ khi không còn đối thủ cạnh tranh. Tuy vậy, liên danh Hoa Lư cũng không dễ chấp nhận việc bị loại khỏi cuộc chơi và bắt đầu “phản đòn” với khi gửi đơn khiếu nại về kết quả.

Cụ thể, liên danh Hoa Lư đã có văn bản gửi cơ quan chức năng khiếu nại bên mời thầu là AVC liên quan đến thông báo số 3146 công bố Liên danh Vietur đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

“Chúng tôi có bằng chứng cho thấy thành viên đứng đầu của Liên danh Vietur đã vi phạm quy định về đấu thầu và không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật Gói thầu 5.10, và vì vậy cần xem xét lại Thông báo 3146”, văn bản nêu rõ.

Liên danh Hoa Lư cho rằng, sân bay Long Thành một trong những công trình lớn trọng điểm của đất nước, cần có sự cẩn trọng trong công tác lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, không bị vướng lịch sử chậm trễ thi công hay nghi vấn tham nhũng. Tuy nhiên công ty IC Holding có lịch sử thi công chậm trễ nhiều công trình và có lịch sử bị chấm dứt các dự án lớn, có lịch sử kiện tụng chủ đầu tư. Các kinh nghiệm xây dựng sân bay của IC Holdings là không đúng sự thật Chủ tịch công ty này cũng từng vướng vào nhiều nghi vấn tham nhũng.

“Việc chọn duy nhất Liên danh Vietur vào vòng xét mở hồ sơ tài chính có khả năng đồng nghĩa với việc đơn vị trúng thầu đã được xác định từ vòng xét tuyển hồ sơ đề xuất kỹ thuật, dẫn đến nguy cơ rất cao không đảm bảo tính cạnh tranh công bằng về giá. Có khả năng gây thiệt hại ngân sách của Nhà nước và nhân dân”, văn bản của Hoa Lư nhấn mạnh.

Sau thông tin trên, văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi ACV, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các Bộ: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến đơn kiến nghị của liên danh Hoa Lư về năng lực liên danh tham gia dự thầu gói thầu 5.10.

Cụ thể, xét đơn kiến nghị của liên danh Hoa Lư, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao ACV, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, giải quyết đơn kiến nghị nêu trên theo theo quy định pháp luật.

Những động thái “không khoan nhượng” từ đối thủ khiến cơ quan quản lý yêu cầu xem xét lại cũng cho thấy sức nóng của gói thầu này chưa thể hạ nhiệt dù đã có một liên danh vượt lên. Với liên danh Vietur, dù bước đầu chiếm lợi thế trong cuộc cạnh tranh này nhưng cơ hội để về đích cúng rất mong manh.

Bức tranh ngành xây dựng Việt Nam đang có gam màu tối với sau hai năm khủng hoảng bởi Covid-19. Do vậy một dự án như sân bay Long Thành có ý nghĩa lớn trong chiến lược phục hồi và cả sự phát triển về dài hạn của doanh nghiệp nếu trúng thầu. Thậm chí, năm ngoái ông Nguyễn Bá Dương còn chia sẻ chiến lược của doanh nghiệp là không tham gia vào dự án đầu tư công nhưng năm nay đã phải chuyển hướng tham gia để tìm động lực. Hơn cả một gói thầu, việc cả ngành xây dựng “quần hùng” tại sân bay Long Thành có thể là vì vị thế trong tương lai của họ.

V. Dũng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cuoc-dua-khong-khoan-nhuong-cho-vi-the-tai-goi-thau-ti-do-la-o-san-bay-long-thanh/