Cuộc đua kiến tạo sắc đẹp toàn cầu
Nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ phát triển chóng mặt khiến cho các quốc gia trên thế giới đồng loạt tham gia vào cuộc đua để trở thành đế chế làm đẹp toàn cầu…
Ngược dòng quá khứ, phẫu thuật thẩm mỹ từng được coi là chuyện của giới giàu có trong xã hội, quá đắt đỏ, viển vông hay không quan trọng. Thế nhưng hiện tại, phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành một điều cần thiết để cải thiện mọi thứ “không hài lòng” trên cơ thể mỗi người.
Nhiều người trên thế giới đã không ngại việc rót tiền để bay ra nước ngoài sử dụng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ ở những đất nước có ngành thẩm mỹ phát triển hay muốn được “lột xác” từ bàn tay của những bác sĩ có tiếng.
“VĂN HÓA THỊ GIÁC” THỜI HIỆN ĐẠI
Tiêu chuẩn về việc hoàn thiện ngoại hình nhờ phẫu thuật thẩm mỹ đã khiến nhiều người có cảm giác bị áp lực về ngoại hình của bản thân trên mạng xã hội cũng như ngoài đời thực. Nhiều người mang tâm thế bị tự ti và sợ sự định kiến từ người khác nếu không tham gia vào “cuộc chơi nhan sắc”.
Theo Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ, có tới 48% những người tìm tới phẫu thuật thẩm mỹ vì họ cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình và áp lực ngoại hình luôn quanh quẩn trong tâm trí họ.
Hơn thế, sự thịnh hành của những trang mạng xã hội đầy ắp những hình ảnh trước và sau phẫu thuật thẩm mỹ đã khiến nhiều người đặt nặng vấn đề ngoại hình và gia tăng sự ham muốn được phẫu thuật thẩm mỹ.
Những trang quảng cáo dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ rất cao tay khi sử dụng hình ảnh trước và sau của một ca phẫu thuật thẩm mỹ thành công. Điều này đã đánh đúng vào tâm lý lo ngại về ngoại hình của nhiều người.
Thậm chí, chính phủ của một số quốc gia trên thế giới điển hình như Trung Quốc đã đưa ra những quy định đối với các dịch vụ quảng cáo trong ngành này, những quảng cáo về phẫu thuật thẩm mỹ phải không gây hiểu lầm, không tạo ra cho người xem những kỳ vọng vô lý về lợi ích sau phẫu thuật, không sử dụng lời chứng thực của người phẫu thuật.
Không chỉ giới trẻ mới có mối lo ngại về ngoại hình trong thời đại này mà còn có rất nhiều người có tuổi đã phẫu thuật thẩm mỹ với hàng loạt xu hướng làm đẹp bằng công nghệ hiện đại để “cải lão hoàn đồng”.
“Văn hóa thị giác” của thời hiện đại đã khiến cho ngoại hình là một điều gì đó hết sức quan trọng và áp lực về ngoại hình đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Việc phẫu thuật thẩm mỹ không còn là dành cho phái nữ mà ngay cả những người nam giới cũng có nhu cầu này. Theo ước tính của công ty nghiên cứu iResearch, khoảng 17% nam giới tại Trung Quốc có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ.
Cũng theo iResearch, kể từ hơn 10 năm trước việc gia tăng thu nhập bình quân tại Trung Quốc là một trong những yếu tố làm cho phẫu thuật thẩm mỹ trở thành xu hướng. Nhiều người trẻ sau khi phẫu thuật thẩm mỹ còn quyết định nghỉ việc để định hướng bản thân trở thành người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội và kiếm tiền từ những bài đăng chia sẻ về kinh nghiệm phẫu thuật thẩm mỹ.
Bên cạnh việc mang lại một ngoại hình “lột xác” và lý tưởng thì nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ đã đưa ra cảnh báo rằng việc phẫu thuật thẩm mỹ có thể khiến con người “nghiện thẩm mỹ”, nhất là với những ai ám ảnh về một ngoại hình hoàn hảo.
Charlie Massey, giám đốc điều hành của Hội đồng Y khoa tổng hợp (GMC) nói rằng, con người đang sống trong một thế giới mà những người trẻ tuổi ngày càng chịu áp lực rất lớn về việc họ phải trông như thế nào. Điều này đã khiến cho nhiều cơ sở thẩm mỹ cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ cho người dưới 18 tuổi, đây là một việc sai về mặt đạo đức nghề nghiệp.
Việc ám ảnh ngoại hình của xã hội hiện đại đã gây ra nhiều hệ lụy khi hầu hết các cơ sở thẩm mỹ đều không nói cho khách hàng về rủi ro sức khỏe hay những biến chứng của các cuộc phẫu thuật. Bởi vậy, người chịu thiệt thòi nhất trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ chính là khách hàng.
ĐẾ CHẾ PHẪU THUẬT THẨM MỸ
Ngành công nghiệp thẩm mỹ đã dẫn đến một hiện tượng và trào lưu ngày càng tăng với tên gọi là “du lịch phẫu thuật thẩm mỹ”, nơi các cá nhân có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ tìm kiếm các thủ thuật phẫu thuật phù hợp với bản thân bằng cách đi du lịch xuyên biên giới.
Hầu hết những người giàu có đến từ các nước kém phát triển đã tiên phong “du lịch phẫu thuật thẩm mỹ” và nó đang trở thành xu hướng của nhiều người. Những quốc gia như Hàn Quốc, Brazil, Colombia và Thái Lan là các nước nổi bật trong việc cung cấp dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ với chất lượng tốt và chi phí hợp lý.
Theo ước tính của Hiệp hội Du lịch y tế, mỗi năm có khoảng 14 triệu người trên khắp thế giới đến các quốc gia khác nhau để chăm sóc y tế trong đó chiếm phần lớn là những ca phẫu thuật thẩm mỹ.
Với sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ, các quốc gia khác nhau trên thế giới đang bước vào cuộc đua “đế chế phẫu thuật thẩm mỹ”. Nhờ các chuyến du lịch để "lột xác" mà nhiều xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ khác nhau đã tạo nên bức tranh ngành công nghiệp thẩm mỹ cho mỗi quốc gia.
Ngoài các quốc gia “lão làng” trong ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ thì các quốc gia Nam Mỹ như Brazil và Mexico hay các điểm đến ở châu Á như Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore và các địa điểm Đông Âu như Cộng hòa Séc, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như những lựa chọn phổ biến về thủ tục “du lịch phẫu thuật thẩm mỹ” với chất lượng và giá cả phải chăng.
Nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ ở nước ngoài không chỉ được thúc đẩy bởi việc theo đuổi tâm lý thẩm mỹ mà còn được thúc đẩy bởi các yếu tố như bác sĩ phẫu thuật có tay nghề cao và sự cân nhắc về chi phí, khiến nhiều cá nhân phải tìm kiếm các thủ tục phẫu thuật thẩm mỹ ở nước ngoài.
Cuộc đua “đế chế phẫu thuật thẩm mỹ” đang ngày càng gắt gao khi các quốc gia trên thế giới đang đua nhau phát triển và đưa ra các phương pháp tối ưu nhằm cải thiện ngoại hình như mong muốn của khách hàng.
Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về phẫu thuật thẩm mỹ bình quân đầu người với ngành công nghiệp trị giá 1,8 tỷ USD vào năm 2023 và vẫn giữ vững vị trí thủ đô phẫu thuật thẩm mỹ của thế giới trong 15 năm liên tiếp.
Ngành công nghiệp này đã tác động không hề nhỏ đến nền kinh tế Hàn Quốc khi theo ước tính của CEOWORLD, đã có 52,7 nghìn người nước ngoài đến nước này phẫu thuật thẩm mỹ vào năm 2023.
Những thành tựu đáng kinh ngạc của hệ thống chăm sóc sức khỏe và công nghệ tiên tiến đã khiến nhiều người trên thế giới quyết định đến Mỹ để “du lịch phẫu thuật thẩm mỹ”. Mỹ được cho là nơi có chi phí phẫu thuật thẩm mỹ đắt đỏ nhất khi một bác sĩ phẫu thuật có thể tính phí 2.400 USD cho một ca phẫu thuật cắt mí hoặc 3.600 USD cho một ca nâng ngực.
Bên cạnh Mỹ, cường quốc phẫu thuật thẩm mỹ tiếp theo gọi tên Trung Quốc. Ngày càng có nhiều người nước ngoài du lịch đến đất nước tỷ dân này để phẫu thuật thẩm mỹ. Nhờ nhu cầu “lột xác” tăng chóng mặt mà dịch vụ “môi giới thẩm mỹ” đã ra đời ở Trung Quốc. Đã có rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ giúp những khách hàng có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ tìm cho mình những trung tâm phẫu thuật phù hợp tại khắp Trung Quốc.
Argentina cũng tham gia vào cuộc đua khốc liệt trong ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ khi xây dựng một hệ thống thẩm mỹ lâu đời với hơn 2.000 bác sĩ trong ngành này. Chính vì những bác sĩ có tay nghề cao mà nhiều người nước ngoài bất chấp các khó khăn về kinh tế, vẫn tìm tới Argentina để thực hiện các ca phẫu thuật hút mỡ hay nâng ngực.
Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/cuoc-dua-kien-tao-sac-dep-toan-cau-post551110.html