Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng trung ương

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lãi suất cơ bản đã được điều chỉnh tăng 80 lần trên toàn thế giới, trong đó 60 lần thuộc về nhóm ngân hàng trung ương các nước mới nổi. Chuỗi 80 lần nâng lãi suất trong nửa đầu năm nay nhiều gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tần suất nâng lãi suất cơ bản hiện cao hơn 56 lần so với năm 2011 khi mà lạm phát tăng tại phần lớn các nước châu Á, và cao gấp 65 lần so với thời kỳ năm 2006 khi mà kinh tế bùng nổ trước cú sốc Lehman Brothers năm 2006.

Liên tiếp tăng lãi suất

Ngày 16-6, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đồng loạt nâng lãi suất. Trong đó, SNB nâng lãi suất từ mức -0,75%/năm lên -0,25%/năm. Mức tăng 0,5%/năm này đã gây bất ngờ với nhiều chuyên gia kinh tế, đánh dấu lần đầu tiên SNB nâng lãi suất trong vòng 15 năm qua. Trong khi đó, BOE tăng lãi suất thêm 0,25%/năm lên mức 1,25%/năm, ghi nhận lần nâng lãi suất thứ 5 liên tiếp trong vòng nửa năm qua. Ngân hàng Trung ương Hungary cũng bất ngờ nâng lãi suất thêm 0,5%/năm, lên 7,25%/năm trong bối cảnh lạm phát của nước này đang ở mức hai con số.

Các ngân hàng trung ương đã liên tiếp tăng lãi suất trong thời gian qua.

Các ngân hàng trung ương đã liên tiếp tăng lãi suất trong thời gian qua.

Trước đó, vào ngày 15-6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có đợt nâng lãi suất thứ ba liên tiếp, với mức tăng 0,75%/năm, mức cao nhất kể từ năm 1994. Động thái chính sách này diễn ra trong bối cảnh CPI tháng 5 của Mỹ tăng 8,6%, mức cao nhất kể từ tháng 12-1981 đến nay. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ nâng lãi suất vào tháng 7 và tháng 9, sau khi tuyên bố sẽ dừng chương trình nới lỏng định lượng (QE) từ tháng 7.

Theo Financial Times, nhóm các nền kinh tế mới nổi cũng đang trong xu thế siết chặt chính sách tiền tệ với tốc độ cao hơn trong năm 2008, khi đó đã có 50 lần nâng lãi suất. Họ buộc phải hành động nhanh bởi việc Mỹ nâng lãi suất sẽ khiến cho đồng USD tăng giá so với đồng tiền các nước mới nổi. Đồng nội tệ yếu sẽ đẩy cao lạm phát bằng việc khiến cho chi phí nhập khẩu hàng hóa leo thang.

Một số đợt tăng lãi suất lớn nhất đến từ các nước mới nổi ở Mỹ Latinh khi các ngân hàng trung ương cố gắng ngăn chặn dòng vốn chảy ra. Brazil đã nâng lãi suất 10 lần trong 1 năm qua và lãi suất hiện ở mức 12,75% so với mức 2% vào tháng 3-2021. Các quốc gia khác bao gồm Mexico, Chile và Peru cũng đã thực hiện việc nâng lãi suất.

Hiện Trung Quốc và Nga vẫn tiếp tục hạ lãi suất. Nhật Bản cũng chưa gia nhập xu thế nâng lãi suất cơ bản trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn đang trong quá trình hồi phục từ đại dịch COVID-19 và tình trạng giá cả hàng hóa leo thang đang làm tăng áp lực suy thoái. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho rằng ngay cả khi lạm phát tại Nhật Bản hồi tháng 4 vừa qua đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái thì điều đó không có nghĩa BoJ đã đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Vì vậy, BoJ chưa từ bỏ chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Nguy cơ và rủi ro

Tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ thường là giải pháp được các ngân hàng trung ương sử dụng để kiểm soát đà tăng phi mã của giá hàng hóa. Lãi suất tăng lên khiến cho việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời khuyến khích việc tiết kiệm. Khi việc vay nợ tốn kém hơn, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các hàng hóa và dịch vụ sẽ bị hãm lại; lạm phát sẽ dịu đi khi nhu cầu bị nguồn cung vượt lên.

Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra suy thoái đang ngày càng tăng khi các ngân hàng trung ương chạy đua để tăng lãi suất. Việc ghìm nén nhu cầu tiêu dùng đặt ra nguy cơ tăng trưởng kinh tế bị bóp nghẹt. Thống đốc BOE Andrew Bailey đã cảnh báo rằng ngân hàng trung ương này đang đứng trước một “lối đi rất hẹp” giữa lạm phát cao và tăng trưởng yếu. Tại Mỹ, một số nhà phân tích dự báo FED có thể buộc phải cắt giảm lãi suất ngay từ đầu năm sau để chống lại nguy cơ suy thoái kinh tế. Một vấn đề khác là các nền kinh tế mới nổi có thể trở thành “nạn nhân” của các đợt tăng lãi suất khi việc FED tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá.

Vấn đề tài chính không chỉ giới hạn ở các nền kinh tế kém phát triển. Báo cáo Đánh giá ổn định tài chính mới nhất do ECB phát hành mới đây đã cảnh báo về sự bất ổn tài chính cũng như mối nguy cơ trên một số phương diện. Lạm phát ngày càng cao và tăng trưởng giảm tốc có thể làm tăng biến động thị trường và "gây khó khăn cho khả năng thanh toán khi chi phí tài chính tăng lên".

Uy tín suy giảm

Năm ngoái, các ngân hàng trung ương đã khẳng định rằng lạm phát chỉ là “nhất thời” khi giá cả tăng lên do tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng sau khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Tuy nhiên, giá năng lượng và lương thực đã tăng vọt sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine và đẩy lạm phát lên cao hơn.

Tháng 11-2021, Chủ tịch FED Jerome Powell mới từ bỏ tuyên bố cho rằng lạm phát là “nhất thời”. Tháng trước, Chủ tịch FED đã thừa nhận: “Có lẽ sẽ tốt hơn nếu tăng lãi suất sớm hơn”. Mỹ không phải quốc gia duy nhất đối mặt với thách thức uy tín. Trong tháng 6, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết tất cả các tổ chức quốc tế, tất cả các nhà dự báo có uy tín đã thực sự mắc cùng một sai lầm khi đánh giá thấp cuộc khủng hoảng.

Một cuộc khảo sát của công ty chuyên nghiên cứu về lĩnh vực tiếp thị và quảng cáo Gallup được công bố vào tháng 5 cho thấy chỉ 43% trong số những người được hỏi có mức độ tin tưởng “tuyệt đối” hoặc “hợp lý” đối với những quyết sách mà chủ tịch Powell đã đưa ra cho nền kinh tế Mỹ. Tương tự, một cuộc khảo sát hàng quý của BOE cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Anh đã tỏ ra không hài lòng với hiệu quả hoạt động của BOE liên quan tới vấn đề kiểm soát giá cả sinh hoạt.

Bích Hạnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/cuoc-dua-lai-suat-cua-cac-ngan-hang-trung-uong-i659514/