Cuộc đua lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát
Ngày 3-11, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, nâng biên độ lãi suất cơ bản lên khoảng 3,75 đến 4%. Sau FED, nhiều ngân hàng trung ương cũng có động thái tương tự, coi đó là giải pháp để kiềm chế tốc độ tăng lạm phát hiện đã lên mức kỷ lục ở nhiều nước.
Không nằm ngoài dự đoán
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - hội đồng gồm các quan chức FED chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ - đã quyết định nâng biên độ lãi suất cho vay cơ bản của FED lên khoảng 3,75 đến 4%. Đây là lần tăng 0,75 điểm % thứ tư liên tiếp do FED đưa ra và là lần tăng lãi suất thứ sáu kể từ tháng 3-2022.
Trong thông báo sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, FED nhấn mạnh quyết định tiếp tục tăng lãi suất "sẽ là phù hợp" để đạt được mức độ kiểm soát cần thiết nhằm kiềm chế lạm phát, song cơ quan này sẽ cân nhắc tác động đối với nền kinh tế khi đưa ra các quyết định tiếp theo.
Bình luận về thông báo của FED, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre đánh giá quyết định tăng lãi suất sẽ giúp giảm lạm phát. Nhà Trắng cũng khẳng định tiếng nói độc lập của FED và lưu ý về sự tin tưởng của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng cơ quan này có những "chính sách tiền tệ tốt nhất" để giải quyết vấn đề lạm phát.
Quyết định của FED được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, và có khoảng 50% người Mỹ tham gia một cuộc thăm dò dư luận do ABC News/Ipsos thực hiện cho rằng kinh tế hoặc lạm phát là những vấn đề quan trọng nhất chi phối lá phiếu của họ.
Động thái của FED không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích và thị trường bởi trước đó, bà Lisa Cook, thành viên Ban Thống đốc FED khẳng định Mỹ sẽ cần tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất cơ bản nữa nhằm hạ nhiệt nền kinh tế và kiềm chế giá cả tăng cao, sau đó siết chặt chính sách tiền tệ trong một khoảng thời gian cho đến khi FED tin rằng có thể đạt mục tiêu đưa lạm phát trở về mốc 2%. Trong một phát biểu ngay sau khi FED công bố tăng lãi suất, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục các biện pháp hiện nay một thời gian nữa để kiềm chế lạm phát, bất chấp sức ép suy thoái.
"Cuộc đua lãi suất"
Để kiềm chế đà tăng kỷ lục của lạm phát, không chỉ FED mà nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đang trong "cuộc đua lãi suất". Điều chỉnh lãi suất cũng là công cụ quan trọng được nhiều ngân hàng trung ương sử dụng trong thời gian qua để hỗ trợ đồng nội tệ không giảm sâu so với USD. Theo ước tính của hãng tin Bloomberg, khoảng 90 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất trong năm nay, và một nửa trong số đó đã tăng ít nhất 0,75 điểm phần trăm trong một lần tăng duy nhất.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây cũng tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm lên 2%, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 3 liên tiếp và là lần tăng lớn thứ 2 trong lịch sử ECB. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết quyết định tăng lãi suất nhằm bảo đảm ổn định giá cả, qua đó hạn chế những thiệt hại cho nền kinh tế. Trong khi lạm phát tại Mỹ duy trì ở mức cao nhất trong 40 năm, lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng chạm mức kỷ lục. Giá tiêu dùng đã tăng 10,7% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái ở Eurozone.
Theo chân FED, ngày 3-11, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất trong 33 năm, để kiểm soát lạm phát dự báo tăng cao kỷ lục lên khoảng 11%. Quyết định này đưa lãi suất của Anh lên 3%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. BoE cho biết nước Anh đang rơi vào tình trạng suy thoái dự báo kéo dài đến giữa năm 2024.
Tại châu Á, theo nhận định của tờ The Korea Times, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) tiếp tục đối mặt với một tình huống khó xử trước khả năng phải thực hiện một bước đi quan trọng khác là tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp ấn định lãi suất sắp tới. Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cho biết, sau quyết định của FOMC, lãi suất chủ chốt của FED đã tăng lên phạm vi từ 3,75% đến 4%. Điều này đã nới rộng khoảng cách với lãi suất của BoK lên 1 điểm phần trăm. Trong khi đó, BoK cũng được dự báo sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm vào trung tuần tháng 11 này. Tuy nhiên, các nhà kinh tế Hàn Quốc vẫn nghi ngờ về triển vọng sáng sủa của nền kinh tế Hàn Quốc, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thanh khoản đang chưa có hồi kết.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/cuoc-dua-lai-suat-nham-kiem-che-lam-phat-post269090.html