Cuộc đua lãi suất tiết kiệm trở lại, tín hiệu nhất thời hay xu hướng mới?
Một số ngân hàng thương mại vừa cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm mới với mức tăng nhẹ ở nhiều kỳ hạn, song nhìn chung mặt bằng lãi suất vẫn ở vùng thấp, khó tăng đột biến trong những tháng cuối năm.
Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước tính đến hết tháng 5, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 18,7 triệu tỉ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm. Dòng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn duy trì đà tăng, bất chấp lãi suất huy động được duy trì ở mức thấp. Hiện tại, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trên thị trường phổ biến ở mức 5-6%/năm.
Ngân hàng cạnh tranh giữ dòng tiền
Tại VCBNeo, nền tảng ngân hàng số của Vietcombank vừa công bố lãi suất tiết kiệm với mức điều chỉnh tăng thêm là 0,1 điểm phần trăm cho các kỳ hạn từ 1–6 tháng. Sau điều chỉnh, mức lãi suất cao nhất tại đây là 5,45%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.
Trong khi đó, Cake by VPBank tiếp tục duy trì mức lãi suất 6%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 12–36 tháng. Đáng chú ý, khách hàng cũ nếu quay lại gửi mới sẽ được cộng thêm 0,2 điểm %, nâng tổng lãi suất lên 6,2%/năm, mức cao nhất hiện nay trên thị trường ngân hàng số.
Không chỉ các ngân hàng số, một số ngân hàng thương mại cũng đang áp dụng mức lãi suất quanh ngưỡng 6%/năm nhằm giữ chân dòng vốn trung dài hạn. Chẳng hạn, HDBank trả lãi 6% cho kỳ hạn 18 tháng; BVBank niêm yết lãi suất 6,1%/năm cho kỳ hạn 60 tháng và 6%/năm cho kỳ hạn 48 tháng. Bắc Á Bank duy trì mức 6%/năm cho các kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng.
Ở nhóm ngân hàng lớn, VPBank vừa tăng 0,1 điểm % ở tất cả các kỳ hạn gửi trực tuyến. Theo đó, khách hàng gửi dưới 3 tỉ đồng sẽ được hưởng lãi suất lần lượt: 3,7%/năm cho kỳ hạn 1 tháng; 3,8%/năm với kỳ hạn 2–5 tháng; 4,7%/năm ở kỳ hạn 6–11 tháng; 5,2%/năm cho kỳ hạn 12–18 tháng; và 5,3%/năm với kỳ hạn 24–36 tháng.

Bảng niêm yết lãi suất tiết kiệm tại một ngân hàng thương mại có sự điều chỉnh tăng nhẹ ở nhiều kỳ hạn. Ảnh minh họa
Mặc dù lãi suất kỳ hạn ngắn như 1–3 tháng có dấu hiệu nhích nhẹ, nhưng mức lãi thực nhận vẫn khá thấp, chỉ dao động từ 3,4–3,7%/năm. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân tiếp tục cân nhắc các kênh thay thế như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán hoặc bất động sản.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Dương Anh Vũ nhận định: Động thái điều chỉnh tăng lãi suất tại một số ngân hàng gần đây chủ yếu nhằm xử lý vấn đề thanh khoản cục bộ, không phản ánh xu hướng chung của toàn hệ thống.
Theo ông, thanh khoản liên ngân hàng hiện vẫn duy trì ở mức dồi dào nên xác suất lãi suất huy động tăng mạnh trong ngắn hạn là không cao.
“Tuy lãi suất tiết kiệm hiện nay đang ở vùng đáy so với các giai đoạn trước, song bất kỳ chính sách nào cũng có hai mặt. Nếu tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức thấp trong khi áp lực tỉ giá còn hiện hữu, rủi ro sẽ chuyển dịch sang lĩnh vực ngoại hối. Dù đồng USD đang có dấu hiệu suy yếu trên thị trường quốc tế, nhưng VND vẫn tiếp tục giảm giá so với USD, cho thấy chúng ta đang đối mặt với nguy cơ suy yếu kép cả ở nội tệ và sức cầu tài chính", ông Vũ nói.
Lãi suất tiết kiệm vẫn có thể tiếp tục hạ
Ghi nhận từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, từ đầu tháng 7 đến nay, một số ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi. Bắc Á Bank giảm 0,1 điểm % ở tất cả các kỳ hạn; VIB giảm 0,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng đối với khoản gửi tại quầy từ 1 đến dưới 5 tỉ đồng. Ngân hàng Bảo Việt cũng điều chỉnh giảm 0,15–0,2%/năm ở các kỳ hạn từ 6 đến 13 tháng.
Trước đó, LPBank đã giảm 0,2%/năm đối với kỳ hạn 18–60 tháng khi gửi trực tuyến; NCB giảm 0,1%/năm tùy theo từng kỳ hạn.
Ở chiều ngược lại, lãi suất cho vay tiếp tục đi xuống. Bình quân lãi suất cho vay mới hiện ở mức 6,23%/năm, giảm 0,7 điểm % so với cuối năm 2024. Đây được xem là động thái tích cực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân mở rộng sản xuất kinh doanh trong bối cảnh phục hồi kinh tế chưa đồng đều.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất tiền gửi được nhiều chuyên gia đánh giá là đã và đang duy trì ổn định.
Tuy nhiên, theo phân tích của Công ty Chứng khoán MBS (MBS), đây chưa phải là mức thấp nhất và vẫn còn dư địa để giảm thêm trong quý III-2025. Sang quý IV, lãi suất tiết kiệm có thể tăng nhẹ, phù hợp với chu kỳ tăng trưởng tín dụng thường gia tăng vào cuối năm.
MBS dự báo, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại lớn trong năm nay sẽ xoay quanh mức 4,7%/năm.
Trong khi đó, VNDirect đưa ra vùng dự báo cao hơn, khoảng 4,8 – 5,0%/năm, dựa trên kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời giữ thanh khoản hệ thống ở trạng thái ổn định thông qua việc hạ nhiệt lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và áp dụng các giải pháp hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường tiếp tục có xu hướng giảm.
Chỉ tính riêng trong tháng 6-2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay phát sinh mới của hệ thống ngân hàng thương mại đã xuống mức 6,3%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024. Đây được xem là tín hiệu tích cực trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân đang kỳ vọng chi phí vốn tiếp tục được cải thiện nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh trong nửa cuối năm.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: Tính đến ngày 30-6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.