Cuộc đua 'làm giàu trước khi già' tại quốc gia đông dân nhất thế giới
Với danh hiệu quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ đang tìm cách tận dụng tối đa lợi tức dân số để phát triển kinh tế, vươn lên thành động lực tăng trưởng hàng đầu thế giới.
Khoảnh khắc nhìn thấy con gái mới sinh vào tối 8/3 ở miền Tây Ấn Độ sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí Nikita Punjabi.
Em bé có tên Prisha - nghĩa là món quà của thượng đế - là một trong số hàng triệu trẻ em được sinh ra trên khắp Ấn Độ trong năm nay, góp phần vào cột mốc lịch sử đưa nước này vượt dân số Trung Quốc.
Cột mốc này đến chỉ vài năm sau khi Ấn Độ giành lấy danh hiệu nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới từ nước láng giềng phía bắc.
Dẫu vậy, các danh hiệu này chưa đủ để Ấn Độ trở thành động lực tăng trưởng lớn nhất thế giới. Bloomberg nhận định New Delhi cần thúc đẩy 4 lĩnh vực lớn - đô thị hóa, cơ sở hạ tầng, nâng cao kỹ năng và mở rộng lực lượng lao động, thúc đẩy sản xuất - nhằm tận dụng tối đa lợi tức dân số và định hình lại nền kinh tế toàn cầu trong quá trình này.
“Đất nước còn trẻ, nói tiếng Anh và lực lượng lao động phình to đã hỗ trợ sáng kiến ‘Made in India’ của chính phủ. Những lợi ích địa chính trị cũng góp phần vào quá trình này”, Abhishek Gupta - nhà kinh tế cấp cao của Ấn Độ tại Bloomberg Economics - cho biết.
Đô thị hóa
Tốc độ tăng tỷ lệ dân cư thành thị, và liệu Ấn Độ có tạo đủ việc làm chất lượng đáp ứng sự thay đổi, mang ý nghĩa quan trọng với nhu cầu tăng trưởng của nước này.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong giai đoạn đến năm 2040, Ấn Độ sẽ có thêm khoảng 270 triệu cư dân thành thị. Sự thay đổi thấy rõ ở các siêu đô thị của Ấn Độ. Các tòa nhà chung cư mới rải rác ở thủ đô Delhi khi tầng lớp giàu có mới nổi đầu tư vào bất động sản.
Tuy nhiên, dịch vụ công cộng tại thành phố còn chưa phát triển hết mức.
Yukon Huang - thành viên cấp cao tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie - cho biết Ấn Độ sẽ cần đi theo con đường của Trung Quốc và Hàn Quốc trong việc hiện đại hóa các thành phố. Theo ông Huang, trong 4 thập niên qua, tốc độ đô thị hóa tăng gấp 4 lần tương quan với năng suất lao động tăng ở cả 2 quốc gia.
Cơ sở hạ tầng
Để quá trình đô thị hóa mang lại hiệu quả kinh tế, Ấn Độ cần đầu tư cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn. Kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi nắm quyền vào năm 2014, số lượng hành khách đi máy bay nội địa tăng gần gấp đôi và mạng lưới đường cao tốc quốc gia mở rộng hơn 50%.
Về mặt công nghệ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Ấn Độ là một trong những cơ sở hạ tầng tiên tiến nhất thế giới. Chỉ trong vài năm, hầu hết người Ấn Độ đều nhận được chứng minh thư quốc gia liên kết với mọi thứ, từ hợp đồng thuê nhà đến tài khoản ngân hàng và phúc lợi xã hội.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn vượt xa Ấn Độ trên một số lĩnh vực, như tỷ lệ sử dụng Internet, số lượng chuyến bay khởi hành hay lưu lượng cập bến các cảng container.
“Ấn Độ thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nhiều thập niên, hệ thống vận chuyển hàng hóa đa phương thức còn kém, phụ thuộc quá nhiều vào đường bộ trong vận chuyển hàng hóa và thực tiễn hiệu suất làm việc không hiệu quả”, Priyanka Kishore - Giám đốc kinh tế tại IMA châu Á - nhận định.
Giáo dục
Giáo dục cũng là trở ngại khác với Ấn Độ. Nhiều bằng cấp được cho là không có giá trị và kỹ năng không phù hợp gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của nước này.
Theo nghiên cứu của Wheebox, một nửa số sinh viên tốt nghiệp ở Ấn Độ không có việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, khoảng 7%.
Ấn Độ tăng chi tiêu cho giáo dục lên mức kỷ lục 13% trong năm nay, và đang hướng tới mục tiêu cải thiện giáo dục kỹ thuật số và giải quyết các lỗ hổng trong ngành.
Trong khi đó, từ năm 2010-2020, tỷ lệ phụ nữ đi làm ở Ấn Độ giảm từ 26% xuống 19%. Mặc dù chiếm tới 48% dân số, phụ nữ Ấn Độ chỉ đóng góp khoảng 17% GDP so với 40% ở Trung Quốc.
Thu hẹp khoảng cách việc làm giữa nam và nữ có thể đẩy GDP của Ấn Độ lên gần 1/3 vào năm 2050, tương đương với gần 6.000 tỷ USD.
Chế tạo
Bốn thập niên trước, Trung Quốc và Ấn Độ đều là những nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, khi phương Tây tìm kiếm các thị trường sản xuất ở nước ngoài, Trung Quốc đã nắm bắt được thời điểm mà Ấn Độ bỏ lỡ. Hiện tại, ngành sản xuất chiếm hơn 1/4 nền kinh tế Trung Quốc, so với chỉ 14% của Ấn Độ.
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc đang mở ra một cú hích mới cho chính phủ Ấn Độ. Ví dụ, Apple nỗ lực biến Ấn Độ thành cơ sở sản xuất lớn, với một số sản phẩm - bao gồm cả iPhone - đang được lắp ráp tại quốc gia này bởi Foxconn và Wistron Corp. Hãng cũng có kế hoạch lắp ráp iPad và AirPods ở Ấn Độ.
Apple hiện sản xuất gần 7% số iPhone tại Ấn Độ, tăng từ khoảng 1% vào năm 2021.
Tuy nhiên, quá trình di chuyển chuỗi sản xuất cũng gặp nhiều thách thức. Luật lao động còn nhiều hạn chế khiến Ấn Độ chưa tạo ra được những khu công nghiệp hiệu quả cao như nhiều nhà sản xuất toàn cầu ưa chuộng.
Niềm hy vọng
Khi dân số tiếp tục tăng, việc đạt tiến bộ nhanh chóng trong quá trình đô thị hóa, cơ sở hạ tầng, phát triển con người và sản xuất là điều cần thiết trong nhiều thập niên.
Ấn Độ dự kiến thêm 250 triệu người - tương đương quy mô dân số Indonesia - đạt 1,67 tỷ dân vào năm 2050.
Chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực gặp nhiều áp lực khi dân số tăng lên. Hiện nay, Ấn Độ chỉ có khoảng 5 giường bệnh trên 10.000 dân. Tỷ lệ của Trung Quốc gấp khoảng 8 lần. Giới phân tích cho rằng Ấn Độ sẽ mất nhiều thập niên để đạt được mức hiện tại của Trung Quốc.
Nhân khẩu học Ấn Độ sẽ không phình to mãi mãi. Liên Hợp Quốc ước tính dân số nước này có thể bắt đầu giảm vào năm 2047 và giảm xuống còn một tỷ người vào năm 2100.
Trong khi đó, Liên Hợp Quốc dự đoán dân số Trung Quốc sẽ đạt 1,3 tỷ người vào năm 2050. Các nhà kinh tế học có xu hướng tránh dự báo trước nhiều thập niên, nên khó tìm thấy ước tính Ấn Độ vượt GDP Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng ở mức 7% và đồng tiền đứng vững, nước này có thể sẽ vượt qua Đức và Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030.
Đối với chính quyền ông Modi, hiện tại chính là cơ hội của Ấn Độ.
“Vấn đề không chỉ nằm ở bảng xếp hạng, mà còn là cơ hội cung cấp cuộc sống chất lượng hơn cho tất cả người dân Ấn Độ, tạo ra hệ thống cho phép đổi mới, chấp nhận rủi ro, tinh thần kinh doanh”, Sanjeev Sanyal - cố vấn kinh tế cho thủ tướng - chia sẻ.