Cuộc đua tam mã của các 'megabank' Nhật Bản ở thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam

MUFG đang cho thấy sự bứt tốc trong 'cuộc đua tam mã' của 3 'megabank' Nhật Bản ở thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam khi nhắm tới việc sở hữu 100% vốn của công ty tài chính, thay vì chỉ 49% như các đối thủ.

Như VietTimes đã đưa tin, Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) – thành viên của Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) – vừa hoàn tất việc nhận chuyển nhượng 50% vốn Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB Finance) từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Theo hợp đồng chuyển nhượng ký vào tháng 8/2021, Krungsri sẽ nhận chuyển nhượng nốt 50% vốn còn lại của SHB Finance sau 3 năm. Đại diện Krungsri từng tiết lộ giá trị của thương vụ này là khoảng 156 triệu USD, tương đương 3.600 tỉ đồng.

Việc để Krungsri - một nhà băng hoạt động chủ yếu tại Thái Lan, nơi có thị trường tài chính tiêu dùng đã rất phát triển - tham gia trực tiếp tại SHB Finance là một bước đi đầy toan tính của MUFG.

Như VietTimes từng đề cập, MUFG là một trong những định chế tài chính lớn nhất Nhật Bản, và họ không phải là cái tên đầu tiên đặt chân tới thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.

Tại Nhật Bản, "megabank" được định nghĩa là những ngân hàng khổng lồ, có tổng tài sản từ 1.000 tỉ USD trở lên. Những ngân hàng này thường được hình thành từ việc sát nhập hàng loạt những ngân hàng lớn lại với nhau.

Trước MUFG, các "megabank" Nhật Bản khác như Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) và Mizuho Bank (Mizuho) cũng có những khoản đầu tư đáng kể vào lĩnh vực này, tạo ra “cuộc đua tam mã” thú vị ở nền kinh tế được đánh giá hiện có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, cuối năm 2014, Credit Saison – thành viên của Mizuho – đã mua 49% cổ phần HD Finance (nay là HD Saison) từ Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank). Giá trị thương vụ rơi vào khoảng 833,2 tỉ đồng.

Đến tháng 4/2021, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – thành viên của SMFG – đã chi 1,37 tỉ USD để mua 49% cổ phần công ty tài chính tiêu dùng có thị phần hàng đầu tại Việt Nam là FE Credit.

Dù xuất phát chậm hơn SMFG và Mizuho, nhưng MUFG lại đang cho thấy sự bứt tốc trong cuộc đua này khi nhắm tới việc sở hữu 100% vốn SHB Finance, qua đó có thể chi phối toàn quyền quyết định về bộ máy nhân sự cũng như chiến lược kinh doanh tại công ty tài chính này.

Như VietTimes từng đề cập, cuộc đua tam mã giữa Mizuho - MUFG - SMFG tại Việt Nam đã bắt đầu từ cả thập kỷ qua, ở lĩnh vực ngân hàng.

Hiện nay, Mizuho và MUFG vẫn đang đồng hành cùng Vietcombank và Vietinbank. Trong khi đó, SMFG đã buông Eximbank để trở thành cổ đông chiến lược của VPBank, với thương vụ trị giá 1,5 tỉ USD cho 15% vốn cổ phần.

Hạ tuần tháng 12/2021, Mizuho đã khởi động một thương vụ khác tại Việt Nam, khi đầu tư khoảng 170 triệu USD mua 7,5% cổ phần CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) – công ty hàng đầu trong lĩnh vực trung gian thanh toán, sở hữu ví điện tử Momo – trong vòng gọi vốn Series E.

Với dân số 100 triệu người, tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng ở mức thấp, cộng thêm Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đang được tập trung đẩy mạnh, tiềm năng phát triển của lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam là rất lớn.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ của 16 công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép đạt trên 220.000 tỉ đồng, chiếm 1,87% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.

Quy mô dư nợ vay tiêu dùng của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 27,17% GDP so với tỷ lệ trung bình từ 60-70% GDP tại các quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Malaysia./.

Phương Thảo

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cuoc-dua-tam-ma-cua-cac-megabank-nhat-ban-o-thi-truong-tai-chinh-tieu-dung-viet-nam-post166950.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat