Cuộc đua tên lửa siêu vượt âm của Mỹ

Nga, Trung Quốc và Mỹ đang tham gia cuộc đua phát triển loại vũ khí cực nhanh, có thể né được hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Đó là tên lửa siêu vượt âm. Tuy nhiên, câu hỏi được đưa ra lúc này là, tên lửa nào sẽ được biên chế cho quân đội sớm nhất?

Mỹ đang ở đâu trên bản đồ vũ khí siêu vượt âm?

Các nhà hoạch định chiến tranh Mỹ coi vũ khí siêu vượt âm là điều không thể thiếu để thực hiện các cuộc tấn công nhanh, chính xác vào các mục tiêu di động, đặc biệt là thời gian ở tầm xa. Nếu các đối thủ của Mỹ rút kinh nghiệm từ vụ không kích hồi tháng 6/2025 khi máy bay ném bom tàng hình B-2 nhằm vào cơ sở hạt nhân Fordow của Iran, vốn đã không thể phá hủy boong-ke ngầm và uranium làm giàu mặc dù bom nặng 30.000 pound đã được sử dụng. Do vậy Mỹ coi vũ khí siêu vượt âm là cách duy nhất để tấn công các mục tiêu ẩn dưới lòng đất được bảo vệ bởi bê tông hiện đại.

Dù Nga và Trung Quốc đã có vũ khí siêu vượt âm, Mỹ vẫn âm thầm sản xuất và dự báo vũ khí này sẽ được lên kệ vào cuối năm 2025.

Dù Nga và Trung Quốc đã có vũ khí siêu vượt âm, Mỹ vẫn âm thầm sản xuất và dự báo vũ khí này sẽ được lên kệ vào cuối năm 2025.

Tất cả những điều này là tiền đề để nói rằng, một cuộc chạy đua vũ trang mới đang diễn ra giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ. Lần này vũ khí siêu vượt âm được xướng lên với phần thưởng vũ khí sẽ chiến thắng trong các cuộc chiến trong tương lai.

Từ lâu tên lửa siêu vượt âm bay dưới tầm radar, vốn cảnh báo tên lửa đạn đạo, cơ động khó lường, khiến chúng khó bị đánh chặn. Sức hấp dẫn đặc biệt của chúng nằm ở những gì quân đội Mỹ thường gọi là "kịch bản Chống tiếp cận/chặn Khu vực", trong đó hệ thống phòng thủ tên lửa chặn máy bay và tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng chiến sự. Khả năng bất ngờ tấn công các mục tiêu có giá trị cao như tàu chiến hoặc căn cứ không quân ở tầm xa khiến vũ khí siêu vượt âm rất tiềm năng làm thay đổi cục diện. Tuy nhiên sau hàng thập kỷ nghiên cứu và hơn 8 tỷ USD đã được chi ra kể từ năm 2019, vẫn chưa giúp Mỹ dẫn đầu loại vũ khí này.

Trên thực tế, Mỹ vẫn chưa triển khai được nhiều vũ khí siêu vượt âm, trong khi đó Nga đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal tại Ukraine, còn Trung Quốc đã được đưa vào sử dụng tên lửa siêu vượt âm DF-ZF "sát thủ tàu sân bay" khiến các nhà phân tích phương Tây lo lắng. Bất chấp những thất bại trong các chương trình trước đây, Mỹ vẫn đang triển khai một số chương trình siêu vượt âm. Câu hỏi đặt ra là loại vũ khí nào sẽ được đưa vào sử dụng trước?

Điểm danh vũ khí siêu vượt âm Mỹ đang nghiên cứu phát triển

1. Vũ khí phóng nhanh từ trên không

Vũ khí phóng nhanh từ trên không (Air-Launched Rapid Response Weapon-ARRW), hay Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không, là sản phẩm kết hợp công nghệ bay tốc độ cao, công cụ vũ khí hóa năng lực tấn công siêu vượt âm không đối đất cho Không quân Mỹ (USAF). ARRW là một loại tên lửa siêu vượt âm, có khả năng bay với tốc độ trên Mach 5 được thiết kế để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa.

Chương trình này được thúc đẩy bởi sự phát triển của các loại vũ khí tương tự như Kinzhal của Nga. Điểm nổi bật của ARRW là khả năng được phóng từ trên không, giúp nên linh hoạt và phản ứng nhanh.

Tên lửa hành trình tấn công siêu thanh của USAF.

Tên lửa hành trình tấn công siêu thanh của USAF.

Năm 2018, USAF đã trao hợp đồng trị giá 480 triệu USD cho Lockheed Martin để phát triển ARRW. Trong các cuộc thử nghiệm, nó được phóng từ máy bay B-52, nhưng trong thực chiến, có thể được trang bị cho B-1, F-15E hoặc các chiến đấu cơ khác.

ARRW dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào năm 2022, nhưng sau một loạt các vụ phóng thất bại. Trong số 7 vụ phóng ARRW được công bố, 4 đã thất bại hoàn toàn. Một số nhà phân tích lập luận rằng những thất bại này không liên quan gì đến thiết kế, mà do chương trình bị thúc đẩy quá mức. ARRW dường như đã bị loại khỏi cuộc đua cho đến khi USAF bất ngờ đưa nó trở lại ngay sau khi ngân sách được nối lại vào tháng 6/2025.

2. Vũ khí siêu vượt thanh tầm xa (LRHW)

Vào tháng 5/2024, quân đội Mỹ đã trao cho Lockheed Martin thêm 756 triệu USD để phát triển thêm năng lực cho Vũ khí siêu vượt thanh tầm xa (LRHW), còn được gọi là Dark Eagle. Lockheed Martin đã bàn giao tổ hợp LRHW đầu tiên vào năm 2021. LRHW gần như là bản sao của Vũ khí siêu vượt âm CPS của Hải quân Mỹ (US Navy) . Cả hai đều có chung nhiều thành phần, như động cơ tên lửa và phương tiện lượn. Có thể coi đây là phiên bản phóng từ mặt đất và trên biển của cùng một loại vũ khí. Dark Eagle sẽ được phóng từ xe vận chuyển -dựng - phóng (TEL) hay bệ phóng tên lửa di động, tương tự như các loại xe phóng tên lửa đạn đạo. Một tổ hợp sẽ bao gồm 4 xe TEL với 8 tên lửa cùng một xe chỉ huy.

Tuy nhiên, việc phóng thử không hề dễ dàng, với một loạt thất bại trong hai năm trước khi đạt được thành công cuối cùng vào năm 2024. Vẫn còn nhiều câu hỏi về chi phí, trước đây được báo giá là 41 triệu USD/tên lửa, hoặc gấp khoảng 20 lần so với tên lửa hành trình Tomahawk. Với rất nhiều yêu cầu khác, Quốc hội Mỹ vẫn ngần ngại tài trợ cho cả một kho vũ khí chuyên biệt kiểu này.

 Vũ khí siêu vượt âm tầm xa (LRHW).

Vũ khí siêu vượt âm tầm xa (LRHW).

3. Vũ khí siêu vượt âm CPS

Vũ khí siêu vượt âm hay tên lửa tấn công nhanh quy ước (Conventional Prompt Strike - CPS) của US Navy, tương đương với Dark Eagle, dự kiến sẽ được trang bị cho các tàu khu trục lớp Zumwalt và sau đó sẽ được trang bị trên tàu ngầm lớp Virginia. Tên lửa được phóng bằng khí lạnh, đẩy nó ra xa khỏi tàu trước khi động cơ tên lửa hai tầng kích hoạt và tăng tốc lên tốc độ cao, tiếp theo là giai đoạn lướt kéo dài.

CPS sẽ có đầu đạn động năng thay vì đầu đạn nổ. Điều đó có nghĩa là nó gây sát thương bằng lực va chạm cực mạnh, đâm vào mục tiêu với tốc độ một dặm/giây hoặc hơn. Điều này sẽ khiến nó trở thành một sát thủ diệt hạm cực kỳ hiệu quả. Chưa có thông số kỹ thuật nào được công bố cho CPS, mặc dù tầm bắn của cả tên lửa này và Dark Eagle được cho là "vượt quá 1.725 dặm (gần 2.800km)", có lẽ vì tầm bắn này đủ để được coi là vũ khí tầm xa theo các hiệp ước vũ khí quốc tế. Một trong những điểm khác biệt lớn giữa CPS và Dark Eagle là khả năng phóng lạnh, điều này dẫn đến thách thức cho Hải quân Mỹ.

4. Tên lửa hành trình tấn công siêu vượt âm

Raytheon và Northrop Grumman đang phát triển Tên lửa hành trình tấn công siêu vượt âm thế hệ tiếp theo, còn được gọi là HACM (Hypersonic Attack Cruise Missile) cho USAF.

Trong khi Lục quân và Hải quân đang nghiên cứu phương pháp tiếp cận tăng tốc-lướt công nghệ thấp, USAF lại thúc đẩy phát triển HACM mang tính tương lai hơn. Đây là một loại tên lửa scramjet siêu vượt âm khác được xây dựng dựa trên Khái niệm vũ khí siêu vượt âm không gian (Hypersonic Airbreathing Weapon Concept) hay HAWC.

HACM sẽ được phóng thử nghiệm từ một máy bay F/A-18 của Úc, do Úc là đối tác trong dự án, nhưng nó sẽ được triển khai trên nhiều loại máy bay. Một chiếc B-52 có khả năng mang theo 20 tên lửa, trong khi F-15 và F-35 cũng có thể mang tên lửa này, giúp mở rộng đáng kể tầm bắn. HACM được cho là có tầm bắn hơn 1.770 km và tốc độ Mach 8. Tuy nhiên, HACM còn xa đích đến hơn so với các dự án của Lục quân và Hải quân. Vụ phóng thử nghiệm ban đầu đã bị trì hoãn, và 13 chuyến bay thử nghiệm được lên kế hoạch cho đến tháng 3/2027.

Cuộc chạy đua tên lửa siêu vượt âm giữa các cường quốc đang trong giai đoạn nước rút.

Cuộc chạy đua tên lửa siêu vượt âm giữa các cường quốc đang trong giai đoạn nước rút.

5. Vũ khí siêu vượt âm Anduril đang phát triển

Vũ khí siêu vượt âm Anduril Industries đang phát triển có tên Anduril's Secret Hypersonic (ASH). ASH không phải là một thuật ngữ phổ biến hoặc một sản phẩm đã được công khai. Nó ám chỉ đến các công nghệ vũ khí siêu vượt âm mà Anduril Industries đang âm thầm phát triển. Palmer Luckey, đồng sáng lập Anduril Industries đã công khai tuyên bố mục tiêu chuyển đổi ngành quốc phòng Mỹ, muốn có một mô hình Thế chiến II, trong đó vũ khí có giá thành rẻ, được chế tạo nhanh hơn. Đó là các loại tên lửa đánh chặn, tên lửa hành trình, máy bay không người lái tấn công và tàu ngầm robot giá rẻ.

Gần đây, Anduril Industries công bố thử nghiệm bắn tĩnh một tên lửa đẩy siêu thanh 18 inch tại cơ sở sản xuất và thử nghiệm rộng 450 mẫu Anh ở McHenry, Mississippi. Anduril Industries gọi đây là "một bước tiến đáng kể trong việc cung cấp các hệ thống đẩy siêu vượt thanh tiên tiến, có giá phải chăng nên rất quan trọng với Mỹ". Từ một thử nghiệm đến khi hoàn chỉnh còn rất xa, nhưng những gì Anduril Industries đạt được là rất nhanh và ấn tượng nhờ công nghệ như in 3D, khiến Anduril Industries dẫn đầu trong vòng tiếp theo của cuộc đua siêu vượt âm tiếp theo.

6. Vũ khí siêu vượt âm bí mật của Kratos Defense

Tháng 3/2025, CEO của Kratos Defense, một nhà thầu quốc phòng có trụ sở tại San Diego, California thông báo cho biết, công ty này đang thực hiện một chương trình siêu vượt âm do tư nhân tài trợ. Phương tiện mới này sẽ "ít tốn kém hơn gấp bội so với bất kỳ hệ thống hoặc khái niệm siêu vượt âm nào hiện có", dựa trên động cơ hít không khí giống như Tên lửa Hành trình tấn công siêu vượt âm sử dụng động cơ phản lực không khí (scramjet).

Ngay từ đầu năm nay, Kratos Defense đã nhận được hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD từ Lầu Năm Góc cho một bệ thử nghiệm siêu thanh giá rẻ. Công ty cũng đã phóng thành công tên lửa siêu vượt âm Erinyes trong một thử nghiệm của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA), vì vậy rõ ràng Kratos Defense là một đối tác đáng gờm trong lĩnh vực này.

Giống như Anduril Industries, Kratos Defense Kratos không tham gia vào vòng phát triển siêu vượt âm hiện tại, mà tập trung vào cung cấp số lượng lớn vũ khí siêu vượt âm cho các chương trình chạy đua siêu vượt âm trong tương lai của Mỹ.

Khắc Nam

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/cuoc-dua-ten-lua-sieu-vuot-am-cua-my-i775583/