Cuộc đua tìm kiếm đồng hồ xa xỉ Thụy Sỹ trong thời kỳ khủng hoảng
Sự khan hiếm đồng hồ do Thụy Sỹ sản xuất trở thành một hiện tượng toàn cầu và ngày càng trầm trọng hơn khi các nhà đầu tư háo hức tìm mua các sản phẩm xa xỉ trong thời kỳ khủng hoảng.
Masayuki Sakurai người Nhật đã tiết lộ quãng thời gian “Rolex marathon” để tìm kiếm chiếc đồng hồ Rolex trong mơ của mình kể từ tháng Một năm nay. Doanh nhân 43 tuổi này đang săn lùng một chiếc Cosmograph Daytona, một trong ba mẫu Rolex được yêu cầu nhiều nhất cùng với Submariner và GMT-Master. Hầu như mỗi ngày, sau giờ làm việc hoặc giữa các cuộc họp, anh Sakurai đi tìm một vài cửa hàng ở quận Ginza sang trọng của Tokyo hoặc ở các khu vực khác của thủ đô.
Nếu có thời gian, anh ấy thậm chí còn ghé thăm cùng một cửa hàng hai lần một ngày. “Những mẫu được yêu thích nhất đều được bán cho những người có mặt khi shop nhận hàng. Vì vậy, tốt hơn là đừng đến muộn 10 phút", anh chia sẻ với SWI swissinfo.ch.
Ở Nhật Bản, không giống như ở châu Âu, không có danh sách chờ đợi dài. Trừ khi bạn là khách hàng đặc quyền của thương hiệu, quy tắc rất đơn giản: đến trước được phục vụ trước.
Kể từ năm 2015, đồng hồ thể thao sang trọng ngày càng trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Và không chỉ Rolex - một số mẫu đồng hồ của các thương hiệu Thụy Sỹ như Audemars Piguet, Patek Philippe và Richard Mille cũng đặc biệt được đánh giá cao.
Thiếu hụt khó tránh
Rolex cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản rằng độ hiếm của các sản phẩm của hãng không nằm trong chiến lược kinh doanh. Người phát ngôn Virginie Chevailler cho biết hiện tại, việc sản xuất không thể đáp ứng nhu cầu hiện có nếu không muốn giảm chất lượng và điều đó thật không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, Rolex đang tiếp tục mở rộng công suất tại 4 cơ sở ở Thụy Sỹ “càng nhiều càng tốt, và luôn tuân thủ các tiêu chí chất lượng”.
Một số chuyên gia cho rằng thời gian để bạn sở hữu một chiếc Rolex - có thể kéo dài hàng năm ở một số nơi trên thế giới - không hẳn là tin xấu đối với thương hiệu Geneva.
Jean-Philippe Bertschy, một nhà phân tích hàng tiêu dùng tại tập đoàn quản lý đầu tư Vontobel, cho biết: “Luôn có một chút tiếp thị và uy tín gắn liền với sự hiếm có. Trong mọi trường hợp, Rolex chưa bao giờ đi lạc khỏi các nguyên tắc của mình, đó cũng là một phần thành công của hãng.”
Những nguyên tắc này đáng chú ý là tính độc lập, sự tùy ý, tính nhất quán cao độ trong việc phát triển các mô hình mang tính biểu tượng và kiểm soát chặt chẽ các kênh phân phối. Với doanh thu gần 8 tỷ CHF (8,42 tỷ USD) vào năm 2021, theo ước tính của Morgan Stanley, Rolex cho đến nay là thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ thành công nhất trên toàn thế giới.
Rolex sản xuất hơn 1 triệu chiếc đồng hồ mỗi năm trong các nhà máy phần lớn được tự động hóa của mình. Hãng không mong muốn hoạt động trong cùng một giải đấu với các thương hiệu cao cấp như Patek Philippe hoặc Audemars Piguet, những công ty chỉ sản xuất vài chục nghìn chiếc đồng hồ và bán ít sản phẩm hơn, nhưng độc quyền hơn. Nhưng thực tế vẫn là niềm đam mê tuyệt đối của Rolex, một yếu tố quyết định để định vị trong lĩnh vực xa xỉ, đang đạt đến một tầm cao mới.
Masayuki Hirota, Tổng biên tập của tạp chí Chronos Japan, cho biết: “Các khoản tiền đáng kể do các cơ quan ngân hàng trung ương phát hành để hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu hơn nữa”.
Trong khi trước đây ở Nhật Bản chỉ những người hâm mộ cống hiến hết mình trong cuộc đua tìm kiếm “Rolex marathon”, thì nhiều người Nhật Bản kiếm được tiền từ đại dịch giờ cũng đã tham gia - hoàn toàn với hy vọng bán lại "huy chương vàng" của họ.
“Một chuyên gia đồ cũ tiết lộ 90% người mua Rolex là người bán lại,” Tổng biên tập Hirota nói. “Họ tổ chức rất tốt và khuyến khích những người bình thường cũng tham gia chạy marathon. Các cửa hàng chính thức cố gắng chống lại việc bán lại, nhưng đó là một cuộc chiến không hồi kết ".
Đối với những người được thúc đẩy nhiều hơn bởi lợi nhuận chứ không hẳn là niềm vui của một chiếc đồng hồ uy tín trên cổ tay của họ thì lợi nhuận thực sự có sức hấp dẫn. Với giá niêm yết là 13.000 CHF, chiếc Daytona được anh Masayuki Sakurai rất mong muốn có thể được tìm thấy trên các trang đồng hồ trực tuyến lớn với giá lên tới gần 60.000 CHF. Không có gì lạ khi các mẫu Rolex phổ biến có giá cao gấp 5 lần giá ban đầu của chúng trên thị trường đồ cũ.
Đối tượng đầu tư
Và không chỉ ở Nhật Bản: đồng hồ xa xỉ đã trở thành đối tượng đầu tư được đánh giá cao trên khắp thế giới. Một nghiên cứu của thị trường bán đồng hồ trực tuyến Bob’s Watches bất động sản hoặc các khoản đầu tư khác trước đây được coi là ổn định, theo trang tin hk01.com của Hong Kong (Trung Quốc).
Tại Trung Quốc, một cuộc khảo sát từ tháng 10/2021 đối với 1.500 người trưởng thành có thu nhập hằng năm trên 500.000 nhân dân tệ (73.600 CHF) do công ty tư vấn CSG Intage thực hiện, cho thấy 88% người được hỏi dự kiến sẽ duy trì hoặc tăng chi tiêu cho đồng hồ sang trọng trong 12 tháng tới.
Những chiếc đồng hồ danh giá là một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho giới nhà giàu Trung Quốc trong thời điểm các nhà chức trách đang trấn áp tình trạng đầu cơ tài sản.
Cho rằng đồng hồ xa xỉ đã trở thành một loại tiêu chuẩn giá trị chung, chúng cũng cho phép giới nhà giàu Trung Quốc vượt qua các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt, hạn chế việc chuyển tài sản ra nước ngoài của các cá nhân ở mức 50.000 USD (47.700 CHF).
“Các quan chức hải quan sẽ không để ý đến chiếc đồng hồ của bạn hoặc có thể không biết nó trị giá bao nhiêu”, David Wang, một đại lý bán lại đồng hồ cao cấp có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times. "Điều đó tạo ra một cách an toàn và hiệu quả để chuyển tiền của bạn ra nước ngoài".
Bong bóng Rolex
Nhưng hãy cẩn thận kẻo thất vọng, Masayuki Hirota cảnh báo. “Cá nhân tôi nghĩ 'bong bóng Rolex' là một hiện tượng tạm thời và cuối cùng sẽ lắng dịu. Một lý do là giá mỗi đơn vị tương đối thấp, mặc dù lợi nhuận tiềm năng. Ngoài ra, không giống như cổ phiếu, không có cách nào để bán khống một chiếc đồng hồ, điều này gây khó khăn cho việc đầu tư tích cực”.
Tại Tokyo, Masayuki Sakurai đã chạy marathon được 70 ngày và đã đến thăm các nhà bán lẻ chính thức của Rolex hơn 300 lần. Anh Sakurai đặt câu hỏi trực tiếp về tình trạng của các kho hàng và thỉnh thoảng có các cuộc trò chuyện với các nhóm bán hàng. Trong khi chờ kiểm tra hàng tồn kho, tim anh đập loạn xạ. “Nó giống như một trò chơi may rủi, nó gây nghiện,” anh nói. “Đối tượng càng khó nắm bắt, thì cảm giác đạt được khi bạn thành công càng lớn”.
M.P., một người yêu đồng hồ Nhật Bản khác muốn giấu tên, đang ở tháng thứ 27 của việc săn tìm. Đối với anh, cũng không có điểm kết thúc. Nhưng anh vẫn tiếp tục chạy đến các cửa hàng sang trọng xung quanh Tokyo. “Cuộc thi chạy marathon Rolex giúp tôi trở nên tốt hơn và củng cố cá tính của tôi,” anh nói.
Tuy nhiên, anh hy vọng lạm phát trên thị trường đồ cũ sẽ lắng xuống. Chia sẻ lý do tại sao khăng khăng săn lùng những chiếc đồng hồ này, anh nói: “Chúng là những chiếc đồng hồ tuyệt vời, thiết thực và được thiết kế tốt. Tôi thích nhìn chúng nhiều lần và tôi rất muốn có một cái. Tôi yêu Rolex”./.