Cuộc đua tìm kiếm thuốc đặc trị COVID-19
Các nhà nghiên cứu bệnh học đã áp dụng các công cụ của sinh học phân tử để tìm kiếm các lỗ hổng trong lớp giáp protein của virus Corona chủng mới. Khi các ca nhiễm tiếp tục tăng theo cấp số nhân, các nhà khoa học đang chạy đua tìm thuốc kháng virus có hiệu quả trong việc làm giảm sự tàn phá của bệnh viêm phổi do SARS-CoV-2.
Phản ứng nhanh nhất có thể
SARS-CoV-2 tấn công phổi, kích hoạt hệ thống miễn dịch để tạo ra một loại dịch bạch cầu dày và các chất miễn dịch khác làm ngập phổi. Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, phản ứng miễn dịch này làm tắc nghẽn các khoang khí quan trọng để chuyển oxy từ không khí vào cơ thể, làm giảm đáng kể dung tích phổi. Để sống sót, những bệnh nhân này cần máy thở cơ học (ECMO).
Regeneron Pharmaceutical, công ty dược có trụ sở tại Tarrytown (New York), đang xem xét sử dụng các kháng thể đơn dòng mới như một vũ khí tiềm năng chống lại COVID-19. Đây là những protein được tạo ra tùy chỉnh được thiết kế bởi hệ thống miễn dịch đặc biệt để liên kết và vô hiệu hóa virus.
Christos Kyratsous, Phó Giám đốc nghiên cứu của Regeneron, cho biết sẽ mất khoảng 4 tháng để đi từ việc chọn ra các kháng thể mạnh nhất sản xuất đủ tế bào để điều chế hàng chục ngàn lít thuốc cung cấp rộng rãi cho những người mắc COVID-19.
Những nỗ lực thử nghiệm khác nhằm mục đích giúp bệnh nhân chống lại nhiễm trùng. Vào giữa tháng 3-2020, các nhà miễn dịch học và chuyên gia y tế Đại học Johns Hopkins đã đệ trình kế hoạch lên hội đồng xét duyệt của trường đại học và FDA để lấy kháng thể từ máu của những bệnh nhân đã hồi phục từ COVID-19, Arturo Casadevall, nhà miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm Trường Y Đại học Johns Hopkins cho biết.
Ý tưởng là tiêm truyền cho bệnh nhân mới những kháng thể được lọc ra khỏi máu từ những bệnh nhân đã chiến đấu chống lại sự lây nhiễm thành công. Thực ra, những phương pháp tương tự đã từng được sử dụng để chống lại các bệnh truyền nhiễm trong hơn một thế kỷ, bao gồm cả bệnh cúm năm 1918.
Nhưng lần này, cách tiếp cận có một thay đổi hiện đại. Casadevall và các đồng nghiệp của ông có kế hoạch dựa vào các phương pháp và thiết bị mà các bệnh viện đã có sẵn trong ngân hàng máu, chẳng hạn như máy móc hiện đang loại bỏ kháng thể trong máu của bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn, để ngăn cơ thể tấn công tế bào của chính họ. Những máy tương tự này có thể được sử dụng thay thế để trích xuất kháng thể từ những người sống sót từ COVID-19.
Các nhà khoa học sẽ kiểm tra các kháng thể để tìm ra những chất mạnh nhất và sau đó tiêm chúng cho bệnh nhân bị bệnh hoặc nhân viên y tế cần được bảo vệ. Mặc dù cách tiếp cận này sẽ không mang lại ngay một loại thuốc có thể được sản xuất hàng loạt nhưng nó có thể đóng vai trò là phương pháp điều trị ngăn chặn, cho đến khi có các loại thuốc mới, giống như những loại thuốc được phát triển bởi Regeneron.
Mở rộng quy mô và hiệu quả lâu dài
Có rất nhiều trở ngại để đưa kết quả điều trị ra khỏi phòng thí nghiệm và vào bệnh viện. Đầu tiên, các thử nghiệm lâm sàng phải chỉ ra rằng các loại thuốc này hoạt động an toàn. Một khi một loại thuốc được chứng minh là an toàn và hiệu quả, việc đưa nó đến hàng triệu bệnh nhân trên khắp thế giới đòi hỏi một năng lực sản xuất lớn - theo Prashant Yadav, thành viên thỉnh giảng tại tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD) và chuyên gia về chuỗi cung ứng chăm sóc sức khỏe.
Ví dụ, ông ước tính có thể sẽ mất 6 tháng đến 1 năm để tăng cường sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu tiềm năng toàn cầu về remdesivir - nếu như nó chứng minh được hiệu quả và an toàn. Do nhu cầu cấp bách đối với các loại thuốc mới trên khắp thế giới, một số quan chức y tế công cộng đã kêu gọi lập các quy định mới để xác định tổ chức sẽ quyết định cách phân bổ nguồn cung hạn chế. Sẽ phải có một cách phối hợp cung cấp thuốc, với vai trò và trách nhiệm rõ ràng đối với các phương pháp điều trị ưu tiên.
Điều này sẽ liên quan đến một mức độ phối hợp chưa từng có giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức tài trợ cho các biện pháp y tế toàn cầu, các chuyên gia chuỗi cung ứng trong các công ty dược phẩm và chính phủ. Khi một quốc gia đã có được một loại thuốc, chính phủ cùng với các tổ chức y tế tư nhân và các công ty dược phẩm phải nhanh chóng theo dõi việc phân phối thuốc.
Các phương pháp điều trị kháng virus có thể hy vọng giúp cho mọi người khỏi chết vì COVID-19 nhưng hy vọng lâu dài tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh vẫn là vaccine. Mốc thời gian để phát triển vaccine là 12 đến 18 tháng.
Triển vọng nhất là mRNA1273 - được phát triển bởi Moderna, một công ty ở Boston. Vào giữa tháng 3, Viện Nghiên cứu y tế Kaiser Permanente Washington (KPWHRI) đã bắt đầu cuộc thử nghiệm về độ an toàn và liều lượng; trong đó 45 tình nguyện viên trẻ, khỏe mạnh sẽ nhận được các liều vaccine khác nhau. Những nỗ lực khác bao gồm INO-4800, một loại vaccine đang được phát triển bởi Công ty Dược phẩm Inovio có trụ sở tại Pennsylvania.
Đây là một loại vaccine dựa trên công trình nghiên cứu trước đây chống lại Corona virus Avian (IBV - virus gây bệnh viêm phế quản truyền nhiễm ở gà) từ Viện Nghiên cứu MIGAL ở Israel. Một công ty có tên Heat Biologics đã có vaccine ung thư trong các thử nghiệm lâm sàng, cũng như những nỗ lực trong giai đoạn đầu từ Johnson&Johnson, Pfizer và GSK. Một số trong những nỗ lực này cuối cùng sẽ mang lại kết quả điều trị hiệu quả nhưng sẽ mất thời gian bao lâu còn tùy thuộc vào rất nhiều công việc khó khăn và một số may mắn.
Giáo sư, tiến sĩ Peter Jay Hotez và trưởng Khoa Y học nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor ở Houston, bình luận: “Chúng ta đã sản xuất hàng loạt penicillin. Chúng tôi đã đánh bại bệnh bại liệt và bệnh đậu mùa. Nhưng thật không may, chúng ta phải đợi cho đến khi mọi thứ trở nên khủng khiếp mới tập trung vào nhu cầu của thế giới”.