Cuộc đua tìm 'vũ khí' khắc chế vi rút SARS-CoV-2

Sau hơn 4 tháng kể từ ngày bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), dịch Covid-19 đã lan tới hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người với hàng triệu ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Để ngăn chặn tổn thất nặng nề mà dịch bệnh có thể tiếp tục gây ra, áp lực đặt lên giới khoa học trong việc tìm ra vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị là vô cùng lớn.

Các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm ra vắc xin phòng ngừa hiệu quả vi rút SARS-CoV-2.

Thành công từ giải mã gen, điều chế vắc xin thử nghiệm

Chỉ trong thời gian ngắn, giới khoa học của nhiều nước đã tạo ra các nền tảng quan trọng cho việc phát triển vắc xin, như xây dựng hệ thống nuôi cấy vi rút Corona chủng mới trong phòng thí nghiệm, giải mã toàn bộ bộ gen của vi rút và tìm hiểu cặn kẽ cấu trúc phân tử của vi rút này. Đây được xem là tốc độ điều chế vắc xin nhanh chưa từng có nếu so sánh với đợt bùng phát dịch SARS năm 2003.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến cuối tháng 4-2020, đã có 115 loại vắc xin được phát triển trên toàn cầu, trong đó có 5 loại đang được thử nghiệm lâm sàng trên người. Hơn 40 công ty và viện nghiên cứu trên khắp thế giới đã đăng ký phát triển vắc xin và kháng thể ngừa Covid-19. Trong đó, đáng chú ý là nghiên cứu của Công ty công nghệ BioNTech, có trụ sở ở thành phố Mainz (Đức).

Mới đây, BioNTech cùng đối tác là Công ty Pfizer của Mỹ đã tiến hành tiêm thử nghiệm vắc xin phòng SARS-CoV-2 có tên gọi BNT162 cho nhóm đầu tiên gồm 12 tình nguyện viên. Các thử nghiệm giai đoạn 1 sẽ được thực hiện với khoảng 200 người khỏe mạnh ở độ tuổi 18 - 55. Trong trường hợp các thử nghiệm cho kết quả tích cực, sẽ có thêm nhiều người được tiếp tục thử nghiệm với một liều vắc xin tối ưu từ 1 đến 100 microgram ở giai đoạn 2.

Trong giai đoạn này, các nhà nghiên cứu sẽ kiểm tra kháng thể bảo vệ hay khả năng kích hoạt phản ứng hệ thống miễn dịch có được hình thành hay không; xác định cụ thể tần suất và liều lượng vắc xin được sử dụng. Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 sẽ có sự tham gia của hàng nghìn người và kết quả thử nghiệm giai đoạn này mang tính bản lề, mở đường cho việc xin phê duyệt vắc xin. Trong khi đó, ở giai đoạn 4, các nhà khoa học sẽ tiến hành nghiên cứu để xác định các tác dụng phụ hiếm gặp hoặc xem xét những vấn đề cụ thể ở các nhóm bệnh nhân nhất định.

Hai vắc xin khác, do hai hãng dược phẩm của Mỹ là Moderna và Inovio sản xuất, cũng đang được thử nghiệm trên người. Theo các quan chức y tế Mỹ, hiện có ít nhất 14 loại vắc xin chống vi rút SARS-CoV-2 đang được điều chế theo chương trình “Operation Warp Speed” của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy tiến trình đưa vắc xin vào sử dụng vào đầu tháng 1-2021. Các quan chức cho biết, đến giữa tháng 5, 14 loại vắc xin này sẽ được thử nghiệm thêm và họ hy vọng khoảng 6 - 8 loại trong số đó sẽ được đưa vào vòng thử nghiệm lâm sàng tiếp theo. Mục tiêu cuối cùng là có 3 hoặc 4 loại vắc xin sẽ được đưa vào thử nghiệm cuối cùng trước khi đưa vào sử dụng vào đầu năm tới.

Đến bào chế thuốc điều trị

Cùng với việc thử nghiệm các loại vắc xin, quá trình nghiên cứu, bào chế thuốc điều trị Covid-19 cũng đang diễn ra với tốc độ chưa từng thấy. Từ cuối tháng 3, WHO đã chọn một số quốc gia, trong đó có Na Uy, Tây Ban Nha và Malaysia để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu quả của một số loại thuốc tiềm năng trong điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bốn loại thuốc được thử nghiệm gồm Remdesivir (một loại thuốc ức chế enzyme cần thiết cho vi rút sao chép bộ gen của nó, từng thử nghiệm điều trị Ebola), Cloroquine hoặc Hydroxychloroquine là thuốc chống sốt rét, Ritonavir và Lopinavir là thuốc ức chế HIV, Ritonavir, Lopinavir và interferon beta là một peptide (phân tử gồm hai hay nhiều amino axit liên kết với nhau) kháng vi rút. Thử nghiệm này sẽ so sánh mức độ an toàn và hiệu quả của 4 loại thuốc riêng biệt hoặc phối hợp các loại thuốc với nhau chống lại Covid-19. Đây được đánh giá là cuộc thử nghiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cắt giảm đáng kể thời gian cần thiết nhằm xác định tác dụng của những loại thuốc này.

Tại Nhật Bản, Công ty Fujifilm Holdings cũng bắt đầu thử nghiệm y tế để xác định tính hiệu quả của thuốc trị cúm Avigan trong điều trị bệnh nhân Covid-19 sau khi phương pháp tương tự tại Trung Quốc đem lại kết quả khả quan. Đại diện Fujifilm Holdings cho biết, đến cuối tháng 6-2020, 100 bệnh nhân ở độ tuổi từ 20 - 74 với những triệu chứng nhẹ sẽ tham gia quá trình thử nghiệm kéo dài tối đa 14 ngày. Tuy nhiên, thử nghiệm này không được tiến hành trên phụ nữ mang thai do các tác dụng phụ của Avigan. Fujifilm Holdings tuyên bố Avigan có tiềm năng kháng SARS-CoV-2 dựa trên những tác dụng của thuốc đối với vi rút gây bệnh cúm. Công ty Nhật Bản sẽ thu thập và phân tích các dữ liệu cần thiết trước khi nộp đơn xin cấp phép lưu hành.

Mới đây, các nhà khoa học ở thành phố Braunschweig của Đức đã phát hiện các kháng thể có thể ngăn chặn vi rút xâm nhập vào tế bào, qua đó hy vọng sớm sản xuất thuốc điều trị hiệu quả vi rút SARS-CoV-2. Nhà vi rút học Luka Cicin-Sain thuộc Trung tâm Nghiên cứu nhiễm trùng Braunschweig Helmholtz (HZI) cho biết, việc phát hiện kháng thể ngăn chặn vi rút xâm nhập tế bào là bước đột phá hướng tới bào chế thành công thuốc chống vi rút SARS-CoV-2. Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích khoảng 6.000 kháng thể nhân tạo khác nhau và đã tìm được hơn 750 kháng thể liên kết với vi rút gây Covid-19 - điều kiện tiên quyết để chống mầm bệnh thành công. Hiện có khoảng 30 kháng thể đã được thử nghiệm về tính hiệu quả trong nuôi cấy tế bào tiếp xúc với vi rút ở phòng thí nghiệm có độ an toàn cao của HZI.

Đóng góp của Việt Nam

Là một quốc gia cũng đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam ngay từ rất sớm đã chủ động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Corona chủng mới gây ra, trong đó có việc bắt tay vào nghiên cứu về loại vi rút nguy hiểm này. Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới nuôi cấy phân lập thành công vi rút SARS-CoV-2. Thành công này giúp các nhà khoa học rút ngắn khoảng cách, tạo tiền đề trong việc nghiên cứu và phát triển vắc xin trong tương lai, cũng như đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn. Chính mẫu vi rút SARS-CoV-2 được nuôi cấy thành công đã được sử dụng làm mẫu chuẩn trong sản xuất các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh vi rút này, góp phần giúp Việt Nam tiến hành xét nghiệm hàng chục nghìn trường hợp nghi nhiễm bệnh.

Hiện Việt Nam cũng đang tích cực triển khai một số nhóm giải pháp trong điều trị bệnh nhân Covid-19, trong đó có việc chiết tách huyết tương từ mẫu máu của những người đã khỏi bệnh để nghiên cứu, sử dụng điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng. Ngoài ra, Bộ Y tế Việt Nam cũng đang nghiên cứu, đánh giá tính an toàn và hiệu quả của việc dùng thuốc Chlroquine điều trị Covid-19, qua đó có quyết sách phù hợp về phác đồ điều trị người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở Việt Nam. Những nghiên cứu đó cùng kinh nghiệm thực tế trong kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh lây lan chính là đóng góp của Việt Nam trong “cuộc chiến” cùng thế giới chống lại kẻ thù chung.

Mỗi ngày qua, dịch Covid-19 lại khiến hàng chục nghìn người bị lây nhiễm và hàng nghìn người phải bỏ mạng. Để giành thắng lợi trong “cuộc chiến” này, các nhà khoa học đang phải chạy đua với thời gian nhằm kịp thời tìm ra “vũ khí” hiệu quả nhằm khắc chế vi rút “tử thần”.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/967588/cuoc-dua-tim-vu-khi-khac-che-vi-rut-sars-cov-2