Cuộc đua tranh chiếc 'ghế nóng' Thủ tướng tại Malaysia: Lộ diện 4 gương mặt sáng giá

Việc tìm kiếm Thủ tướng kế nhiệm của Malaysia đang được tiến hành, sau khi ông Muhyiddin Yassin đệ đơn từ chức vào ngày 16/8 sau 17 tháng cầm quyền đầy khó khăn.

Ông Hishammuddin Hussein, Ismail Sabri Yaakob, Anwar Ibrahim và Tengku Razaleigh Hamzah đều được coi là những ứng cử viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng Malaysia. (Nguồn: AP, Reuters)

Ông Hishammuddin Hussein, Ismail Sabri Yaakob, Anwar Ibrahim và Tengku Razaleigh Hamzah đều được coi là những ứng cử viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng Malaysia. (Nguồn: AP, Reuters)

Các đảng phái chính trị tại Malaysia đang nỗ lực vận động tranh cử vị trí Thủ tướng cho các ứng cử viên thông qua một số tuyên bố bằng văn bản.

Tại quốc gia Đông Nam Á này, một số cuộc thăm dò trực tuyến đã được thiết lập để người dân Malaysia bỏ phiếu "ảo" cho ứng cử viên mà họ lựa chọn.

Do tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhà vua Malaysia Sultan Abdullah Ri'ayatuddin đã quyết định hủy bỏ một cuộc bầu cử nhanh. Theo hiến pháp, đích thân nhà vua sẽ lựa chọn một Thủ tướng kế nhiệm mà ông tin rằng có thể lãnh đạo Hạ viện.

Thách thức không dễ dàng

Theo Nikkei Asia, nhà vua Malaysia đã triệu tập tất cả các nhà lãnh đạo đảng đến yết kiến riêng vào ngày 17/8 để đề xuất các ứng cử viên.

Người phát ngôn Quốc hội Azhar Azizan Harun cho biết, các nhà lập pháp sẽ phải đệ trình danh sách ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng trước 4 giờ chiều ngày 18/8, theo giờ địa phương.

Vào năm ngoái, trước khi bổ nhiệm cựu Thủ tướng Muhyiddin, nhà vua đã gặp tất cả 222 thành viên hạ viện. Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 tại quốc gia này, tất cả các tuyên bố đều được gửi qua fax, email hoặc WhatsApp.

Đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) – chính đảng lớn nhất tại Malaysia, đang kêu gọi thành lập một "nội các lâm thời" chỉ tập trung vào việc đưa quốc gia thoát khỏi đại dịch và hướng tới phục hồi kinh tế.

"Sau khi đất nước đạt miễn dịch cộng đồng và tình hình dịch bệnh được cải thiện để, Malaysia sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử và sẽ giải thể chính phủ tạm thời để trả lại quyền hạn cho người dân", Chủ tịch UMNO Ahmad Zahid Hamidi nêu rõ.

Ông Ahmad Zahid cho biết, đảng của ông đang cân nhắc một vài cái tên.

Liên minh đối lập Hope Pact – gồm Đảng Công lý Nhân dân, Đảng Dân chủ Hành động và Đảng Sự thật Quốc gia – đã công khai tán thành nhà lãnh đạo Anwar Ibrahim là ứng cử viên của liên minh này.

Nhà lãnh đạo mới của Malaysia sẽ phải đối mặt với ba thách thức nghiêm trọng. Thứ nhất là đại dịch Covid-19, thứ hai là kinh tế khó khăn trầm trọng và thứ ba là chính trị không ổn định,

Oh Ei Sun, thành viên cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Singapore, nhận định: “Chính phủ mới của Malaysia nên được thành lập càng sớm càng tốt".

Ông Oh nói: "Dựa trên hiến pháp, nhà vua phải chọn ứng cử viên có lập trường được Quốc hội ủng hộ đa số. Nhưng đó không phải là tiêu chí duy nhất. Người đó phải rất có năng lực vì Thủ tướng mới cần phải thực hiện các biện pháp quyết liệt và quan trọng để đưa Malaysia thoát khỏi khủng hoảng".

Dưới đây là một số ứng cử viên kế nhiệm cựu Thủ tướng Muhyiddin đang được đặc biệt chú ý.

Ismail Sabri Yaakob

Ông Ismail Sabri Yaakob, người đảm nhận vị trí Phó Thủ tướng dưới thời ông Muhyiddin – được cho là gương mặt sáng giá cho vị trí Thủ tướng mới của Malaysia.

Tuy nhiên, ông Ismail sẽ phải thành lập một chính phủ mới, sau khi ông Muhyiddin từ chức và giải thể nội các.

Ông Ismail, 61 tuổi, là một nhà lập pháp với 4 nhiệm kỳ trên chính trường Malaysia.

Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị với tư cách là Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao vào năm 2008. Ông giữ chức Bộ trưởng liên bang kể từ đó, đồng thời là thủ lĩnh phe đối lập của Quốc hội trong vòng một năm.

Ông Ismail đã kết hôn và có bốn người con. Một người con trai của ông là ca sĩ nổi tiếng ở Malaysia, còn con rể là nhà thiết kế thời trang Indonesia Jovian Mandagie.

Anwar Ibrahim

Ông Anwar Ibrahim là gương mặt quen thuộc trong cuộc đua giành chức Thủ tướng Malaysia. Đây sẽ là lần ứng cử chính thức thứ tư của ông kể từ năm 1998.

Từng giữ chức Phó Thủ tướng dưới thời ông Mahathir Mohamad từ năm 1993 đến 1998, ông Anwar có sự nghiệp chính trị nhiều vinh quang nhưng cũng đầy sóng gió. Ông từng giữ chức Bộ trưởng ở nhiều bộ ngành quan trọng, nhưng cũng dính đến các cáo buộc nổi tiếng và án tù.

Liên minh đối lập Hope Pact của ông Anwar đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang năm 2018, thành lập chính phủ dưới quyền của cựu Thủ tướng Mahathir.

Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì chính phủ của ông Mahathir lại sụp đổ vào tháng 2/2020, do cuộc đảo chính nội bộ đưa Muhyiddin lên nắm quyền.

Ông Anwar hiện 74 tuổi, đã kết hôn với bà Wan Azizah Wan Ismail, cũng là một cựu Phó Thủ tướng. Hai vợ chồng ông có 6 người con. Con trai cả Nurul Izzah Anwar là một nghị sĩ trong Đảng Công lý Nhân dân của ông Anwar.

Tengku Razaleigh Hamzah

Ông Tengku Razeleigh Hamzah là một chính khách lớn tuổi đang phục vụ trong nhiệm kỳ thứ 11 với tư cách là thành viên quốc hội.

Ông là một cựu chiến binh trong UMNO và nổi tiếng là một người có thể đoàn kết các phe phái khác nhau của Đảng. Ông từng xóa bỏ sự rạn nứt giữa những người ủng hộ và phản đối cựu Thủ tướng Muhyiddin.

Ông Tengku Razaleigh là hoàng thân của bang Kelantan và từng tự ứng cử vị trí Thủ tướng lâm thời khi sự tín nhiệm của người dân Malaysia với cựu Thủ tướng Muhyiddin bắt đầu sụt giảm vào đầu năm nay.

Nhà vua Sultan Abdullah đã mời ông đến cung điện để cố vấn về các vấn đề chính trị, khiến ông trở thành người thân tín của quốc vương.

Vị trí nội các đầu tiên của nhà lãnh đạo 84 tuổi này là Bộ trưởng Tài chính vào năm 1976. Ông tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Thương mại vào năm 1984.

Tốt nghiệp ngành kinh tế tại Đại học Queen's Belfast, ông cũng đảm nhiệm một số chức vụ tại các cơ quan bên ngoài chính phủ như Chủ tịch sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty năng lượng nhà nước Petronas, cựu Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ABD) và Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (IDB) và Chủ tịch Hội đồng Thống đốc của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Những người ủng hộ ông Tengku Razaleigh cho rằng, ông sẽ là người vững vàng đưa đất nước tiến tới cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, có khả năng là sau khi tình hình Covid-19 được cải thiện.

Hishammuddin Hussein

Ông Hishammuddin Hussein là một chính trị gia cấp cao thuộc thế hệ lãnh đạo thứ tư. Ông nội của ông, Onn Jaafar, là người sáng lập UMNO và là cựu Chủ tịch, trong khi cha ông, Hussein Onn, là Thủ tướng thứ ba của đất nước.

Ông Hishammuddin bắt đầu sự nghiệp chính trị ở tuổi 34 với tư cách là đại biểu quốc hội vào năm 1995 và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao vào năm 1999. Ông Hishammuddin, 60 tuổi, được coi là người có thể đoàn kết các đảng và đất nước.

Dưới thời chính phủ của ông Muhyiddin, ông giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và được thăng chức Bộ trưởng cấp cao về An ninh vào tháng 7. Ông Hishammuddin từng phục vụ trong các bộ ngành khác nhau như Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ...

Năm 2014, với tư cách quyền Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông trở thành người phát ngôn của Malaysia về vụ mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370 thuộc hãng Malaysia Airlines.

Ông đã kết hôn với công chúa hoàng gia Tengku Marsilla Tengku Abdullah và có bốn người con.

(theo Nikkei Asia)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-dua-tranh-chiec-ghe-nong-thu-tuong-tai-malaysia-lo-dien-4-guong-mat-sang-gia-155418.html