Cuộc đua trở thành khách VIP ở các trung tâm mua sắm hàng đầu Hàn Quốc
Tiêu chuẩn trở thành khách VIP của các trung tâm thương mại hàng đầu sẽ khắt khe hơn sau một năm người tiêu dùng tập trung mua hàng xa xỉ để bù đắp cho việc không thể du lịch.
Nhiều khách hàng rất lo lắng về chính sách cắt giảm số lượng VIP của các hệ thống bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc như Shinsegae, Hyundai và Galleria.
Vì vậy, khi thời gian gia hạn thành viên đến gần, một số người xem đây là "thời điểm vàng" để chạy đua mua sắm nhằm tăng tổng số tiền chi tiêu - một trong những tiêu chí quan trọng để lựa chọn thành viên VIP của nhiều trung tâm mua sắm, theo Korea Joongang Daily.
Cắt giảm VIP
Các cửa hàng của Lotte, Shinsegae và Hyundai thường lọc thành viên VIP vào đầu năm dựa trên số tiền khách đã chi tiêu trong năm trước đó. Số tiền tối thiểu để trở thành thành viên VIP dự kiến tăng 40-50 triệu won trong năm 2022.
Một người phải chi khoảng 230-240 triệu won, tăng 20% so với năm ngoái, để đủ điều kiện trở thành "Trinity" của Shinsegae.
"Trinity" là thứ hạng cao nhất trong chương trình thành viên VIP của Shinsegae. Chỉ 999 khách mua sắm nhiều nhất mới có được loại thẻ này.
Hai thứ hạng cao trong chương trình thành viên VIP tại Lotte Department Store là "Avenuel" và "Lenith".
Để trở thành "Lenith", khách phải mua sắm hơn 100 triệu won/năm. Lotte không tiết lộ các tiêu chí khách hàng phải đáp ứng để trở thành thành viên "Avenuel".
Hệ thống này sẽ xem xét một số yếu tố khác, ngoài số tiền mà khách hàng chi tiêu. Khoản chi tối thiểu để trở thành "Avenual" được ước tính là 200 triệu won.
Ngày 2/1, Hyundai thông báo sẽ điều chỉnh chương trình thành viên VIP bắt đầu từ năm sau đồng thời lần đầu tiên công bố các tiêu chuẩn phân loại khách hàng. Từ năm 2023, một người phải chi hơn 120 triệu won để đạt thứ hạng cao nhất là "Jasmin Black".
Tại Hàn Quốc, khách hàng VIP quyết định phần lớn doanh thu của các trung tâm mua sắm. Theo Meritz Securities, 1% khách VIP chiếm khoảng 32% tổng doanh số bán hàng tại Shinsegae, Hyundai và 27% doanh số của Lotte.
Galleria cho biết khoảng 40% tổng doanh thu đến từ những khách hàng VIP đã chi hơn 20 triệu won hàng năm. Chi nhánh của Galleria ở Apgujeong-dong, phía nam Seoul, đã đạt mốc doanh thu 1 nghìn tỷ won vào năm ngoái.
Ngày càng trẻ
Các trung tâm mua sắm cung cấp cho khách hàng VIP nhiều lợi ích và dịch vụ đặc biệt như phòng chờ riêng biệt, hỗ trợ mua sắm cá nhân, quà tặng kỳ nghỉ, vé xem hòa nhạc, giảm giá đặc biệt và dịch vụ đỗ xe miễn phí.
Những nơi này cũng đang điều chỉnh chính sách thành viên VIP do khách hàng thuộc nhóm này ngày càng đa dạng về công việc và độ tuổi.
Trước đây, hầu hết nhóm khách giàu có, chịu chi đều trên 40 tuổi và làm những công việc truyền thống được trả lương cao như luật sư, bác sĩ hoặc người nổi tiếng.
Nhưng nhân khẩu học người tiêu dùng VIP ngày nay đa dạng hơn về nghề nghiệp như YouTuber, gia sư nổi tiếng tại các trường luyện thi và nhà điều hành doanh nghiệp trực tuyến.
Khách VIP tại các trung tâm mua sắm lớn của Hàn Quốc cũng ngày càng trẻ tuổi.
Những người ở độ tuổi 20-30 chiếm đến 48,2% tổng doanh số bán hàng tại Shinsegae, 45% tại Lotte và 44,7% ở Huyndai.
Nhắm đến những khách hàng trẻ tuổi, hệ thống bán lẻ của Hyundai đã giới thiệu chương trình thành viên VIP mới có tên là "Club YP" dành cho những người sinh sau năm 1983.
Lee Eun-hee, giáo sư nghiên cứu người tiêu dùng tại Đại học Inha, dự báo rằng cuộc cạnh tranh để trở thành thành viên VIP có thể khốc liệt hơn trong thời gian tới.
"Mọi người chi nhiều tiền hơn cho hàng hóa xa xỉ vì họ không thể đi du lịch nước ngoài. Điều này dẫn đến sự gia tăng số lượng khách hàng đủ tiêu chuẩn để trở thành thành viên VIP", giáo sư Lee nói.