Cuộc đua với thời gian

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) khai mạc tại TP Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) ngày 30-11 và dự kiến kéo dài khoảng 2 tuần.

Sự kiện lớn này của thế giới bị phủ bóng bởi cuộc xung đột Israel - Hamas và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Thêm vào đó, Tổ chức Khí tượng thế giới công bố báo cáo sơ bộ về khí hậu trái đất cho biết năm 2023 sẽ là năm nóng nhất từ khi thế giới bắt đầu công nghiệp hóa.

Tất cả điều này vừa ảnh hưởng tiêu cực tới diễn biến của COP28 vừa tạo áp lực thôi thúc các bên tham gia thống nhất quan điểm và phối hợp hành động hiệu quả hơn nữa trong công cuộc bảo vệ khí hậu trái đất.

Những tín hiệu tích cực ban đầu đã xuất hiện. COP28 nhận được sự tham gia của chính giới, giới kinh tế, các tổ chức phi chính phủ, giới khoa học chuyên môn và truyền thông đông đảo nhất từ trước đến nay.

Ngay trong ngày khai mạc hội nghị, quỹ bồi thường khí hậu đã được khởi động nhằm hỗ trợ các quốc gia chịu tổn thất bởi biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia đã cụ thể hóa cam kết đóng góp tài chính cho quỹ này.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28 tại TP Dubai ngày 1-12 Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28 tại TP Dubai ngày 1-12 Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, COP28 còn theo đuổi 2 mục đích chính khác. Đầu tiên là xác định cụ thể các bên tham dự thực hiện ra sao những cam kết về bảo vệ khí hậu trái đất cho đến giờ. Điều này giúp họ tự thấy còn cần phải làm gì trong thời gian tới.

Đó là cách được COP28 áp dụng nhằm vừa khích lệ các bên kiên trì và gia tăng nỗ lực vừa thôi thúc họ cần phải "lời nói đi đôi với việc làm". Mục đích còn lại là tìm kiếm thỏa thuận chung mới giữa tất cả bên tham dự, cũng như thỏa thuận riêng giữa các nhóm thành viên về chống biến đổi khí hậu tích cực và hiệu quả hơn.

COP28 và 27 lần hội nghị trước đó đều phản ánh tình trạng chung là công cuộc bảo vệ khí hậu trái đất tiến triển chậm nhưng đúng hướng. Điều không thể phủ nhận là nếu như không có khuôn khổ diễn đàn này thì tác động của biến đổi khí hậu đối với nhân loại còn nguy hại hơn rất nhiều so với hiện tại.

Nếu không có những lần hội nghị trước thì không có chuyện giảm đáng kể mức độ sử dụng năng lượng hóa thạch, để tới COP28 này bắt đầu giảm dùng dầu mỏ và khí đốt làm nguồn cung ứng năng lượng trên thế giới.

Tại COP28, nếu các bên tham dự không kiên định ý chí chính trị và nỗ lực hơn nữa, không thực hiện đầy đủ những gì đã cam kết và không thật sự chung sức chung lòng thì sẽ không thể đạt được các mục tiêu nêu trên.

Chống biến đổi khí hậu còn là một cuộc đua với thời gian của nhân loại. COP28 là dịp thức tỉnh nhận thức và trách nhiệm, thôi thúc hành động cụ thể, đồng thời là cơ hội cần tận dụng để thành công.

Ngải Sa

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-dua-voi-thoi-gian-196231202195425886.htm