Cuộc đua vũ khí hạt nhân trở lại khi Mỹ 'nổ súng'
Việc Mỹ thử tên lửa hành trình có tầm bắn bị cấm theo Hiệp ước INF sẽ khiến cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên toàn cầu trở lại và ngày càng nguy hiểm.
Chưa đầy 1 tháng sau khi Hủy bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký với Nga, Quân đội Mỹ đã tiến hành thử nghiệm phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ mặt đất với Hệ thống phóng thẳng đứng Mark 41 (Mk-41).
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, tên lửa rời khỏi bệ phóng ở đảo San Nicolas, một bãi thử của Hải quân Mỹ ngoài khơi Los Angeles, California và đã khoảng 500km trước khi trúng mục tiêu.
“Các dữ liệu thu thập được và những bài học từ vụ thử nghiệm này sẽ cung cấp thông tin cho Bộ Quốc phòng về khả năng phát triển [tên lửa] tầm trung trong tương lai”, tuyên bố cho biết.
Chứng minh lo sợ của Nga là có thật
Lâu Năm Góc nhấn mạnh vụ thử tên lửa ngày 18/8 là vụ thử vũ khí thông thường, tức là nó không phù hợp với để gắn đầu đạn hạt nhân.
Các hình ảnh mà Lầu Năm Góc đăng tải sau đó về vụ thử nghiệm, cho thấy, tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ Hệ thống phòng thẳng đứng Mk-41. Đây là yếu tố rất quan trọng vì nó chứng minh một trong những nỗi lo sợ nhất của Nga về hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore mà Mỹ đang triển khai ở Ba Lan và Romania.
Thông thường, hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ ở châu Âu sử dụng hệ thống phóng Mk-41 để phóng tên lửa đánh chặn SM-3. Tuy nhiên, nếu sử dụng Mk-41 để phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ mặt đất thì nó sẽ trở thành hệ thống tấn công vi phạm hiệp ước INF.
Mỹ trước đây đáp lại rằng, Mk-41 không bị cấm theo INF vì nó chưa từng được thử nghiệm với tên lửa phóng từ mặt đất. Lý lẽ của Mỹ có thể đúng nhưng lo ngại của Kremlin cũng có cơ sở.
Hiện vẫn chưa rõ Lầu Năm Góc có ý định làm gì với hệ thống tên lửa tầm trung mới - hệ thống vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Mỹ cũng không đưa ra bất cứ tuyên bố nào về việc dự định triển khai chúng ở đâu. Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã ám chỉ khả năng triển khai các loại vũ khí mới này ở châu Á như một sự răn đe với Trung Quốc.
“Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục theo đuổi việc phát triển các tên lửa thông thường phóng từ mặt đất này”, ông Esper nói.
Vụ thử nghiệm tên lửa tầm trung được cho là nhằm đáp trả việc Nga triển khai các loại tên lửa mới trong những năm gần đây, trong đó có Novator 9M729 được cho là vi phạm INF.
Tình báo Mỹ lần đầu nói về khả năng vi phạm của Nga đối với Hiệp ước INF từ khi tên lửa Novator 9M729 vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm.
Từ tháng 5/2013, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Obama đã không thành công khi thuyết phục Nga từ bỏ chương trình tên lửa này. Đến thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ quyết định hủy bỏ INF và đáp trả bằng một vụ thử tên lửa của chính mình.
Vụ thử nghiệm đánh dấu một “kỷ nguyên” mới đối với Quân đội Mỹ trong bối cảnh Hiệp ước INF đã sụp đổ từ đầu tháng này.
Được ký giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tháng 12/1987, Hiệp ước INF buộc cả 2 nước phải hủy hơn 2.600 tên lửa phòng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500km – những vũ khí được cho là gây bất ổn đối với lục địa châu Âu vì khả năng tiến tấn công từ bất cứ đâu.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng, việc hủy bỏ hiệp ước INF, cùng với các vụ thử vũ khí mới, đã làm dấy lên mối đe dọa về cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
Cuộc chạy đua không chỉ có Nga và Mỹ
Viễn cảnh về một thế giới không kiểm soát chặt chẽ vũ khí hạt nhân đã được hiện thực hóa trong những tuần gần đây với vụ nổ ở Nga hôm 8/8 khiến 7 người thiệt mạng.
Theo các chuyên gia phương Tây, vụ nổ ở Nga là do thất bại khi phóng thử tên lửa hành trình năng lực hạt nhân mới - một trong số rất nhiều nhiều vũ khí tiên tiến mà Nga, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau trong cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.
Vũ khí mới, được mô tả là Skyfall, được tăng thêm sức mạnh bởi một lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ, điều cho phép nó có tầm bắn không giới hạn.
Khi công bố tên lửa mới Storm Petrel, mà NATO gọi là Skyfall, hồi tháng 3/2018, Tổng thống Putin nói rằng, tầm bắn không giới hạn và khả năng linh hoạt có thể khiến tên lưảt này trở thành “bất khả chiến bại”.
Mặc dù nhiều người cho rằng, những tuyên bố của Nga là “không đáng tin cậy”, nhưng điện Kremlin vẫn khẳng định Nga đang thắng trong cuộc đua hạt nhân.
Tổng thống Putin khẳng định, việc Nga tăng cường sức mạnh quân sự bằng kho hạt nhân là nhằm đối phó với các động thái của Mỹ về hiện đại hóa và mở rộng kho hạt nhân của Washington.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama trước đây đã xây dựng kế hoạch 1.200 tỷ USD nhằm duy trì và thay thế bộ 3 Không quân, Hải quân và Lục quân Mỹ dựa trên vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Trump thậm chí còn đi xa hơn. Báo cáo hạt nhân của Lầu Năm Góc công bố năm ngoái đã đề xuất bổ sung thêm 500 tỷ USD, trong đó có 17 tỷ USD cho các vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ có thể được sử dụng trên các chiến trường thông thường.
Một số nhà phân tích cho rằng, “làm mới” lại cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân là một sản phẩm của chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, điều khiến Tổng thống Trump quyết định rút khỏi những thỏa thuận, cam kết quốc tế mà ông cho là không có lợi cho nước Mỹ.
Tháng 12/2016, ngay sau khi đắc cử Tổng thống, ông Trump đã kêu gọi Mỹ tăng cường năng lực hạt nhân của mình. “Nước Mỹ phải tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân của mình một cách mạnh mẽ cho đến khi thế giới trở nên cảnh giác với hạt nhân”, ông Trump viết trên Twitter.
Tuyên bố của ông Trump khi đó đã khiến các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ làm gia tăng căng thẳng.
Cách đây 1 năm, tháng 8/2018, Tổng thống Trump cũng từng tuyên bố trên Twitter rằng: “Yêu cầu đầu tiên của tôi với tư cách Tổng thống là nâng cấp và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của chúng ta. Giờ đây, nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hy vọng rằng chúng ta sẽ không bao giờ phải sử dụng sức mạnh này, nhưng sẽ không có lúc nào chúng ta không phải là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới”.
Ngoài việc hủy bỏ INF, Mỹ thậm chí còn tỏ ra sẽ không làm mới lại Hiệp ước START mới, một hiệp ước vũ khí hạt nhân chiến lược sẽ hết hạn vào năm 2021.
Dù có kho vũ khí nhỏ hơn nhiều so với Nga và Mỹ, Trung Quốc cũng đang “đôn đáo” phát triển các loại vũ khí hạt nhân thế hệ tiếp theo. Giống như Mỹ, Trung Quốc, dù cam kết “không sử dụng trước”, muốn các đối thủ tiềm tàng tin rằng họ có thể thực sự sử dụng kho hạt nhân chiến lược./.