Cuộc đua vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo: Đã đến lúc lo lắng?
Các loại vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn trong giai đoạn sơ khai. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng và ngờ vực hiện hữu, các quốc gia có thể đẩy nhanh việc ứng dụng các loại vũ khí này.
Trí tuệ nhân tạo là khái niệm không còn mới và đã đem lại rất nhiều ứng dụng thực tế, giúp cải thiện cuộc sống loài người. Thế nhưng, các phát minh công nghệ luôn tồn tại hai thị trường: dân sự và quân sự.
Các quốc gia có nền quân sự phát triển đang đẩy mạnh việc áp dụng AI vào chế tạo và sản xuất vũ khí. Khi bàn về loại vũ khí được sử dụng trong tương lai, ngành công nghiệp quốc phòng thường nhắc đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các loại vũ khí có thể tự động vận hành, cùng với đó là một vai trò rất khác của con người trong cuộc chiến kiểu mới này.
Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên chiến tranh mới, với trí tuệ nhân tạo chiếm vị trí trung tâm. AI đang làm cho quân đội nhanh hơn, thông minh hơn và hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng nếu không được kiểm soát, những cải tiến này có nguy cơ gây mất ổn định thế giới.
Leo thang chạy đua
Thế giới dường như đang bước vào giai đoạn cạnh tranh chạy đua vũ khí AI, giống như cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nhận định trên truyền hình DW, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo về một thực tế khó chấp nhận rằng, cuộc chạy đua vũ khí AI đã được triển khai và được dẫn đầu bởi các cường quốc, trong đó những gương mặt nổi bật là Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Các cường quốc đều coi trí tuệ nhân tạo là công nghệ mũi nhọn chiến lược có tiềm năng ứng dụng nhiều nhất vào lĩnh vực quân sự, nhanh chóng nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị thông minh hóa, đồng thời có ý đồ thông qua triển khai cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quân sự để chiếm ưu thế trong cuộc chạy đua quân sự quyết liệt.
Mỹ coi trí tuệ nhân tạo là trụ cột quan trọng để giữ ưu thế quân sự, giữ quyền chủ đạo cuộc chạy đua nước lớn, duy trì địa vị bá chủ toàn cầu. Từ năm 1990, quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) điều khiển trên mặt đất. Hiện tại quốc gia này đang tăng cường tài trợ cho các công ty công nghệ phát triển UAV. Thông qua đổi mới công nghệ, Mỹ muốn triệt tiêu sức mạnh quân sự đang tăng lên nhanh chóng của Trung Quốc, Nga,…
Nga coi trí tuệ nhân tạo là công nghệ then chốt để hiện đại hóa vũ khí trang bị. Trong “Chủ trương phát triển vũ khí quốc gia 2018-2025” do Nga công bố năm 2017, việc nghiên cứu phát triển và trang bị vũ khí trí tuệ nhân tạo được đưa vào nội dung trọng điểm, bao gồm hệ thống phòng thủ trên không và trên vũ trụ, lực lượng hạt nhân chiến lược, hệ thống thông tin liên lạc, trinh sát, chỉ huy điều khiển, trang bị tác chiến điện tử, máy bay không người lái, robot, hệ thống phòng hộ cá nhân người lính, xe trinh sát không người lái…
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đặt AI làm trọng tâm trong “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 14, công bố vào năm 2020. Theo đó, cũng giống như Washington và Moscow, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển để ứng dụng AI vào hàng loạt các khí tài, nhằm tiến tới một mục tiêu mà Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) gọi là “chiến tranh thông minh”.
Trên thực tế, giới quốc phòng Mỹ tin rằng Trung Quốc đang dẫn trước trong cuộc đua phát triển công nghệ quân sự. Trong một báo cáo gửi lên Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng Ba, Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ về trí tuệ nhân tạo đã bày tỏ lo ngại trên, đồng thời nói rằng Bắc Kinh đang có những bước đi nhanh và lớn hơn so với Washington, nhằm thúc đẩy các khu vực tư nhân phát triển thêm về công nghệ AI và chuyển đổi ứng dụng sang lĩnh vực quân sự.
Mỹ lo ngại khi Nga và Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong thời gian qua. Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao là một phần của quan hệ đối tác chiến lược rộng lớn do Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy.
Triển vọng hợp tác về AI hiện đang được quan tâm khi cả Nga và Trung Quốc đều tìm cách tăng cường hệ thống C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính và tình báo, giám sát và trinh sát) của mỗi nước và gia tăng tần suất các cuộc tập trận chung. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngày càng khó xác định những công việc mà hai cường quốc này đang làm.
Năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir từng Putin nói, bất kể ai trở thành người đi đầu trong lĩnh vực AI sẽ thống trị thế giới.
Sức công phá kinh hoàng
Việc tự động hóa hoàn toàn chiến trường sẽ sớm trở thành hiện thực, nhất là trong bối cảnh không chỉ các cường quốc, mà các quốc gia có nền quốc phòng phát triển khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào AI. Theo thống kê của DW, hiện có khoảng 50 quốc gia đang nghiên cứu robot trên chiến trường.
Năm 2020, thế giới phần nào chứng kiến được sự tàn khốc của vũ khí AI khi Armenia và Azerbaijan vướng vào cuộc xung đột nóng nhằm tranh chấp vùng lãnh thổ Nargono - Karabakh.
Theo FastCompany, Azerbaijan đã sử dụng máy bay không người lái IAI Harop do Israel cung cấp. Loại UAV này bay xung quanh tuyến phòng thủ của Armenia nhằm dò tín hiệu radar hoặc tín hiệu nhiệt từ khẩu đội tên lửa hoặc xe tăng trên mặt đất. Sau khi phát hiện ra vị trí mục tiêu của đối thủ, chúng lao xuống, đâm thẳng vào mục tiêu và tự hủy nhưng đem lại sát thương cao.
Dù lực lượng không quân của Armenia thuộc loại tiên tiến, được trang bị nhiều loại máy bay chiến đấu đắt tiền, nhưng trong cuộc xung đột vừa qua lại không phát huy được nhiều tác dụng. Một phần do UAV có kích thước nhỏ và nhẹ, khó bị phát hiện và bắn hạ bằng vũ khí thông thường.
Tinh thần binh lính Armenia trở nên suy yếu do luôn trong tình trạng lo sợ bị tấn công bất cứ lúc nào. Hầu hết, thương vong và tổn thất thiết bị của người Armenia là do sự tấn công bằng máy bay không người lái mà không cần đến sự chiến đấu giữa lực lượng quân sự hai bên. Đó là một phương thức chiến đấu rất khác, và có thể là “bản xem trước” về diễn biến của các cuộc chiến tranh trong tương lai.
Cuộc xung đột trên đã đặt ra câu hỏi về đạo đức của cuộc chiến tranh tự động hóa. Azerbaijan có được chiến thắng trong cuộc chiến với Armenia không vì sự sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, mà vì họ hiểu rõ lực lượng phòng thủ của đối thủ và cũng có UAV đắt tiền từ Israel.
Đó là một ví dụ trong vô vàn những ứng dụng của các lại vũ khí AI. Trong một thử nghiệm của Cơ quan Chỉ đạo các Dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA), một phi công máy bay chiến đấu đã đối đầu trực tiếp với một hệ thống AI.
Kết quả là, hệ thống này, thông qua một loạt các thao tác linh hoạt và chính xác đã đánh bại máy bay chiến đấu có người lái với tỷ số 5-0. Phi công tham gia thử nghiệm này đã báo cáo rằng AI đã sử dụng chiến thuật tấn công tự sát trong suốt trận chiến.
Một báo cáo về Trung Quốc của Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS) cho biết, tham vọng của Trung Quốc là trở thành một nước đứng hàng đầu thế giới về công nghệ AI vào năm 2030, tận dụng cơ hội để phát triển công nghệ dựa trên AI, bao gồm cả tàu ngầm tự động, nhằm đối đầu với các tàu sân bay Mỹ.
Những nguy cơ khó lường
Ứng dụng AI vào sản xuất vũ khí quân sự cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Việc phát triển các hệ thống vũ khí tự động lựa chọn và tấn công mục tiêu, các robot thông minh có khả năng hủy diệt đang gây nhiều tranh cãi về mặt đạo đức.
Nếu các nước trên thế giới bị cuốn vào cuộc cạnh tranh phát triển vũ khí sát thương tự động thì mọi thứ sẽ không chỉ dừng lại ở việc những binh lính thiệt mạng. Nhiều chỉ trích cho rằng hệ thống này sẽ đe dọa đến an ninh quốc tế và báo trước một cuộc cách mạng thứ ba trong phát triển vũ khí, sau thuốc súng và bom nguyên tử. Tuy nhiên, ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang sử dụng AI không phải là câu chuyện dễ dàng.
Hiện chưa có quốc gia nào chịu ngồi vào bàn đàm phán cấp cao nhằm thiết lập các nguyên tắc đạo đức khi sử dụng vũ khí tự động. Các cuộc đàm thoại mới chỉ diễn ra giữa các nhà nghiên cứu và giữa các viện nghiên cứu chính sách tại các nước đang phát triển loại vũ khí này.
Ông Chris Meserole, Giám đốc Nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo và Sáng kiến công nghệ tại Viện Brookings phát biểu trong cuộc hội thảo của Defense One/Nextgov về đạo đức và chính sách AI: “Trong cuộc chạy đua vũ trang quân sự mới, mỗi quốc gia đều cảm thấy bị đe dọa bởi sự phát triển của trí tuệ nhân tạo của các nước khác và hai bên đều muốn che giấu những hạn chế trong công nghệ AI của mình.”
Ông giải thích thêm: “Các nước bị kéo vào một vòng xoáy ngờ vực lẫn nhau không hồi kết, trong đó một bên luôn cho rằng bên còn lại có ưu thế hơn, và cuối cùng thì cả hai đều phải tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang ngoài mong muốn”.
Quang Đào
(tổng hợp)