Cuộc đua vũ trang của các cường quốc nóng lên từng ngày
Đầu tháng này, Trung Quốc tuyên bố đã đạt được bước đột phá có thể biến laser thành 'tia tử thần' trên chiến trường. Tuyên bố này một lần nữa hâm nóng cuộc đua phát triển vũ khí mới của các cường quốc, vốn âm ỉ lâu nay.
Bước đột phá của Trung Quốc
Theo báo cáo của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia ở tỉnh Hồ Nam, cho biết họ đã phát triển một hệ thống làm mát hiện đại, cho phép các tia laser năng lượng cao duy trì hoạt động "vô tận" mà không bị quá nóng.
Điều này có nghĩa vũ khí có thể bắn tia laze bao lâu tùy thích. "Đây là bước đột phá lớn trong việc cải thiện hiệu suất của các hệ thống laser năng lượng cao" - SCMP dẫn lời nhà khoa học vũ khí laser Yuan Shengfu trong bài báo đăng ngày 4-8 trên tạp chí Acta Optica Sinica.
Từ trước đến nay, vấn đề làm mát là thách thức kỹ thuật lớn đối với việc phát triển vũ khí laser. Mỹ hiện đang cố gắng phát triển các hệ thống laser cao cấp. Chúng bao gồm laser hóa học tiên tiến của Hải quân (NACL), laser hóa học tiên tiến hồng ngoại trung bình (MIRACL), laser năng lượng cao chiến thuật (THEL), laser dựa trên không gian (SBL) và laser trong không khí (ABL).
Quân đội Mỹ đã thử nghiệm những vũ khí này trên thực địa và đạt một số thành quả khích lệ. Chẳng hạn, MIRACL có thể phá hủy được tên lửa siêu thanh, hay THEL đã bắn hạ được 48 mục tiêu bay và ABL đã đánh chặn thành công tên lửa nhiên liệu lỏng. Tuy nhiên, tất cả dự án của Mỹ đều không thực tế, do kích thước và trọng lượng quá lớn của hệ thống bắn tia laser, trong khi tầm bắn quá ngắn, chỉ vài km.
Trong khi đó, nhóm của Yuan cho biết Trung Quốc đã tìm được cách cải thiện sức mạnh hủy diệt của chùm tia laze. Hệ thống mới có khả năng tiết kiệm chi phí hơn so với các hệ thống dựa trên tên lửa truyền thống. "Nếu họ khắc phục được vấn đề nóng và biến dạng như đã tuyên bố, và với hệ thống đủ nhỏ để triển khai trên thực địa, đây là bước đột phá lớn so với những thất bại của Mỹ trong lĩnh vực này" - cựu quan chức quân đội Anh Steve Weaver viết trong một bài đăng trên X (Twitter).
Vũ khí thế hệ thứ 5
Các nước châu Âu và Mỹ từ lâu đã nghiên cứu thế hệ vũ khí chính xác mới để tăng cường khả năng tấn công hiện đại và ngăn chặn những đòn tấn công tiềm tàng. Tướng Mark D. Kelly, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Tác chiến Không quân Mỹ, cho biết những loại vũ khí như vậy là 1 trong 5 ưu tiên hàng đầu của quân đội Mỹ: “Chúng tôi cần vũ khí thế hệ thứ 5 đi cùng với Lực lượng Không quân thế hệ thứ 5”.
Tuy nhiên, vũ khí "thế hệ thứ 5" là gì vẫn chưa được xác định rõ. Kelly đưa ra nhận xét của mình liên quan đến máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 - F-22, F-35 và B-2 -rằng nó có những tính năng vượt trội. Nhưng những loại máy bay này vẫn đang sử dụng vũ khí được thiết kế cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4. Theo Tướng Kelly, cần những loại đạn mới có thể phát huy tác dụng tối đa từ mọi khả năng của máy bay tàng hình hiện đại.
Hiện Không quân Mỹ (USAF) đang khám phá loạt vũ khí không đối không và không đối đất mới. Một trong số này là tên lửa không chiến dẫn đường bằng radar AIM-260 Joint Advanced Tactical Missile (JATM). Được chế tạo bởi Lockheed Martin, nó được tiết lộ lần đầu tiên vào năm 2019. Kể từ đó, có rất ít thông tin được tiết lộ, nhưng USAF cho biết các cuộc thử nghiệm đã được tiến hành vào năm 2020 và 2021.
Tầm bắn nâng cao của JATM lớn hơn PL-15 của Trung Quốc, khôi phục lợi thế “đánh trước, diệt trước” cho máy bay Mỹ. Ngoài ra còn có vũ khí giao chiến tầm xa (LREW), một loại tên lửa lớn gắn bên ngoài trên máy bay chiến đấu, có thể bắn hạ các hệ thống cảnh báo trên không, máy bay chở dầu hoặc máy bay ném bom của đối phương ở khoảng cách xa.
Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đang chạy đua nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí mới với công nghệ tiên tiến nhất.
Mỹ cũng tích cực phát triểu các loại tên lửa siêu thanh, có thể di chuyển với tốc độ lớn hơn 5 lần tốc độ âm thanh. Một trong số đó là AGM-183A, vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW). ARRW tăng tốc lên tốc độ siêu thanh bằng tên lửa, tách ra và lướt đến mục tiêu.
Vũ khí do Lockheed Martin phát triển đã được thử nghiệm thành công, nhưng các quan chức của USAF vẫn chưa cho biết sẽ chế tạo bao nhiêu. Một chiếc B-52 có thể mang 4 ARRW trên giá treo cánh của nó. B-1B và F-15EX cũng có thể được trang bị. Loại thứ 2 là tên lửa hành trình tấn công siêu thanh (HACM), do Raytheon phát triển, dự kiến đi vào hoạt động khoảng năm 2027. Tên lửa này là vũ khí tấn công mặt đất sử dụng động cơ phản lực đẩy, đủ nhỏ để mang trên máy bay cỡ chiến đấu cơ, chẳng hạn như F-15EX.
Vũ khí AI?
Năm 1942, J. Robert Oppenheimer, con trai của một họa sĩ, được chỉ định lãnh đạo dự án Y, một phần của dự án Manhattan nhằm phát triển vũ khí hạt nhân. Oppenheimer và các đồng nghiệp đã làm việc bí mật tại một phòng thí nghiệm xa xôi ở New Mexico để khám phá các phương pháp tinh chế uranium, từ đó thiết kế và chế tạo bom nguyên tử. Đây là thứ vũ khí mà nay cả loài người phải e dè và đã có nhiều nỗ lực để loại bỏ chúng.
Hiện tại, loài người cũng đứng trước ngã rẽ tương tự như khi quyết định phát triển vũ khí hạt nhân. Đó là việc phát triển các loại vũ khí trí tuệ nhân tạo (AI). Theo các nhà quan sát, sự lựa chọn chúng ta phải đối mặt là kiềm chế hoặc ngăn chặn sự phát triển của các dạng AI tiên tiến nhất, mà một số người cho rằng có thể đe dọa hoặc đến ngày nào đó sẽ thay thế loài người; hoặc cho phép thử nghiệm tự do hơn với công nghệ có tiềm năng định hình địa chính trị thế giới trong thế kỷ này, theo cách vũ khí hạt nhân định hình thế giới vào thế kỷ trước.
Theo Nhật báo Chính sách Toàn cầu (GPJ), những cường quốc đang có ý định ứng dụng công nghệ AI vào vũ khí (chẳng hạn như máy bay không người lái - drone) hiện nay là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, Mỹ là nước dẫn đầu với ngân sách chi cho nghiên cứu phát triển drone 17,5 tỷ USD. Kế đó là EU, với ngân sách chi cho phát triển drone đạt 8 tỷ USD, Trung Quốc 4,5 tỷ USD, Nga 3,9 tỷ USD và Hàn Quốc 1,9 tỷ USD.