Cuộc duyệt binh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga đặc biệt năm 1941 của Liên Xô

Ngay sau khi kết thúc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, 28.500 chiến sĩ, sĩ quan Hồng quân Liên Xô đã đi thẳng ra mặt trận khi phát xít Đức chỉ còn cách Moskva 30km.

Cuộc duyệt binh lịch sử ngày 7/11/1941 đã khẳng định tinh thần chiến đấu bất khuất của Hồng quân, nhân dân Liên Xô, cũng như đánh dấu việc phát xít Đức bị chặn đứng khi chỉ còn cách cửa ngõ thủ đô Moskva 30km. Cuộc duyệt binh này càng có ý nghĩa hơn khi diễn ra vào đúng ngày kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Cuộc duyệt binh ngày 7/11/1941 diễn ra trong bối cảnh nhà nước Xô Viết đang đứng trên bờ vực nguy hiểm khi các cánh quân của phát xít Đức đang tiến sát tới Moskva.

Cuộc duyệt binh ngày 7/11/1941 diễn ra trong bối cảnh nhà nước Xô Viết đang đứng trên bờ vực nguy hiểm khi các cánh quân của phát xít Đức đang tiến sát tới Moskva.

Moskva mùa đông năm 1941

Sau Cách mạng Tháng Mười, các cuộc duyệt binh để kỷ niệm ngày trọng đại này của Liên Xô là hoạt động thường niên. Tuy nhiên, thời điểm diễn ra cuộc duyệt binh vào ngày 7/11/1941 hoàn toàn không giống như thường lệ. Cuộc duyệt binh diễn ra trong bối cảnh nhà nước Xô Viết đang đứng trên bờ vực nguy hiểm khi các cánh quân của phát xít Đức đang tiến sát tới Moskva. Các cơ quan, đơn vị hành chính sản xuất của nhà nước Liên Xô được di tản và tất cả những gì bỏ lại đều được cài mìn để không bị rơi vào tay phát xít.

Thành phố dần bị quân Đức bao vây, hệ thống giao thông tại Moskva cũng bị phong tỏa, trong lúc người dân cố gắng di tản. Để tránh tình trạng hỗn loạn, chính quyền Liên Xô đã phải áp dụng thiết quân luật tại Moskva để duy trì trật tự.

Trong bối cảnh đó, để tăng sĩ khí và đánh thức chủ nghĩa anh hùng cách mạng của người dân, giới chức lãnh đạo Liên Xô quyết định nhanh chóng tổ chức cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Mười tại Quảng trường Đỏ. Đây là lời khẳng định với thế giới rằng, Liên Xô vẫn và sẽ tiếp tục chiến đấu với chủ nghĩa phát xít.

Tuy nhiên quyết định tổ chức cuộc duyệt binh được chính thức thông qua khá muộn, vào đêm 6/11/1941, dù kế hoạch đã được âm thầm chuẩn bị từ trước vào ngày 24/10.

Để đảm bảo an toàn cho lễ duyệt binh, các lực lượng bảo vệ Moskva được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ.

Để đảm bảo an toàn cho lễ duyệt binh, các lực lượng bảo vệ Moskva được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ.

Từ Quảng trường Đỏ thẳng tiến ra mặt trận

Nhiệm vụ đầu tiên để cuộc duyệt binh diễn ra an toàn là Quảng trường Đỏ cần được bảo vệ trước các đợt không kích của không quân phát xít. Vào ngày 5/11, không quân Liên Xô đã phát động các đợt không kích quy mô vào các căn cứ của Đức trong phạm vi có thể uy hiếp được Moskva. Khoảng 550 máy bay chiến đấu, ném bom của Hồng quân huy động từ nhiều mặt trận đã oanh tạc dữ dội các vị trí đóng quân của không quân phát xít.

Cùng với đó, các đơn vị phòng không bảo vệ Moskva đang tăng cường và luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao độ. Kết hợp với sự chuẩn bị về mặt con người và trang bị. Thời tiết cũng đứng về phía Liên Xô khi trong ngày 7/11/1941 tại khu vực Moskva có tuyết rơi dày cản trở việc máy bay có thể hoạt động trong khu vực.

Tổng tư lệnh tối cao Iosif Stalin và các lãnh đạo Liên Xô dự buổi duyệt binh sáng 7/11/1941.

Tổng tư lệnh tối cao Iosif Stalin và các lãnh đạo Liên Xô dự buổi duyệt binh sáng 7/11/1941.

Cuộc duyệt binh bắt đầu vào 8 giờ sáng 7/11 - sớm hơn 2 giờ so với kế hoạch. Các ngôi sao Hồng Ngọc trên các đỉnh tháp điện Kremlin được lệnh tắt đèn. Hệ thống ngụy trang lăng Lênin được dỡ bỏ. Tổng tư lệnh tối cao Iosif Stalin và các lãnh đạo Liên Xô bước lên khán đài lăng.

Từ các loa phát thanh vang lên giọng đọc trang trọng của phát thanh viên: “Toàn bộ các đài phát thanh của Liên Xô đang truyền tin. Đài Phát thanh Trung ương Moskva bắt đầu đưa tin từ Quảng trường Đỏ về cuộc duyệt binh của các đơn vị Hồng quân chào mừng kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại”.

Các đơn vị tham gia duyệt binh đều mang trang bị sẵn sàng chiến đấu.

Các đơn vị tham gia duyệt binh đều mang trang bị sẵn sàng chiến đấu.

Đồng thời với cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, một cuộc duyệt binh tương tự cũng diễn ra tại thành phố Kuybyshev (hiện nay là Samara) với sự tham gia của đại diện ngoại giao nước ngoài tại Nga. Kuybyshev thời điểm đó được coi là thủ đô lâm thời của Liên Xô, nằm cách Moskva 1.000km. Trong trường hợp Moskva thất thủ, bộ máy nhà nước Liên Xô sẽ chuyển tới hoạt động tại đây.

Theo con số thống kê chính thức, khoảng 28.500 chiến sĩ, sĩ quan Hồng quân tham gia duyệt binh tại Moskva. Hầu hết họ là học viên các nhà trường quân đội đóng xung quanh Moskva và lực lượng dự bị của Bộ tư lệnh tối cao Hồng quân. Trong đó có 69 tiểu đoàn, 6 đại đội kỵ binh được trang bị kiếm, 1 đại đội kỵ mã súng máy, 5 tiểu đoàn bộ binh cơ giới súng máy, 20 tiểu đoàn pháo binh, xe tăng, dân quân.

Cuộc duyệt binh đã sử dụng 16 xe ngựa, 296 súng máy, 18 súng phóng lựu, 12 súng máy cao xạ, 140 pháo và 160 xe tăng. Sau cuộc duyệt binh, nhiều đơn vị xe tăng, xe cơ giới đã được chuyển ngay ra mặt trận phía tây của Moskva và được biên chế vào các sư đoàn.

Đội hình xe tăng tiến vào Quảng trường Đỏ.

Đội hình xe tăng tiến vào Quảng trường Đỏ.

Cuộc duyệt binh kéo dài chỉ vỏn vẹn 25 phút này nổi tiếng toàn thế giới thời điểm đó. Radio Liên Xô truyền thanh trực tiếp ra toàn thế giới, như một thông điệp rằng Moskva vẫn đứng vững. Cuộc phản công bảo vệ Moskva vào 82 năm trước của Hồng quân Liên Xô kéo dài hơn 1 tháng đã đẩy lùi được quân địch ra khỏi vùng ngoại ô thủ đô Liên Xô.

Ngay sau khi rời Quảng trường Đỏ, các đơn vị đi thẳng ra chiến trường khi phát xít Đức đã áp sát Moskva.

Ngay sau khi rời Quảng trường Đỏ, các đơn vị đi thẳng ra chiến trường khi phát xít Đức đã áp sát Moskva.

Thông thường, để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, các đơn vị Hồng quân sẽ phải luyện tập trong vòng 2-3 tháng, nhưng ở năm 1941, việc chuẩn bị chỉ có vài ngày. Ngay sau cuộc duyệt binh, phần lớn đội hình duyệt binh đã đi thẳng ra mặt trận ở ngoại ô, cách đó 30km.

Cuộc duyệt binh lịch sử năm 1941 nhận được sự chào đón và quan tâm rộng rãi của nhân dân Liên Xô, cũng như các nhà báo quốc tế có mặt ở Moskva.

Đến nay, hằng năm vào ngày 7/11, trên Quảng trường Đỏ, chính quyền thành phố Moskva vẫn đều đặn tổ chức diễu binh để kỷ niệm cuộc duyệt binh oai hùng này với quy mô nhỏ hơn so với các cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng phát xít 9/5.

Trà Khánh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cuoc-duyet-binh-ky-niem-cach-mang-thang-muoi-nga-dac-biet-nam-1941-cua-lien-xo-ar832337.html