Cuộc gặp bí mật của lãnh đạo tình báo Mỹ, Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã gặp người đồng cấp Sergei Naryshkin - Giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại LB Nga (SVR) để truyền đạt thông điệp về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Dẫn các nguồn tin giấu tên, báo Kommersant của Nga cho biết các cuộc hội đàm bí mật giữa hai lãnh đạo tình báo của hai nước được tổ chức tại thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ).
Sau đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận với truyền thông Nga rằng các cuộc đàm phán song phương đã diễn ra ở Ankara, đồng thời cho biết thêm các cuộc đàm phán được tổ chức theo đề xuất từ phía Mỹ.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, một quan chức Nhà Trắng ngày 14/11 xác nhận Giám đốc CIA William Burns hiện ở thủ đô Ankara để truyền đạt tới người đồng cấp Sergei Naryshkin thông điệp về những hậu quả sẽ xảy ra nếu Moskva sử dụng vũ khí hạt nhân.
Quan chức trên tiết lộ: “Ông Burns sẽ không tiến hành đàm phán dưới bất kỳ hình thức nào. Ông ấy sẽ không thảo luận về giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine”.
Theo nguồn tin, Giám đốc CIA cũng sẽ đề cập đến các trường hợp công dân Mỹ bị giam giữ ở Nga.
Đầu tháng 11, truyền thông phương Tây đưa tin các quan chức hàng đầu của Nga và Mỹ đang tiến hành các cuộc đàm phán bí mật. Theo Tạp chí Phố Uôn (WSJ), Cố vấn An ninh Quốc gia của Mỹ Jake Sullivan đã có cuộc gặp với Yury Ushakov, trợ lý chính sách đối ngoại cấp cao của Tổng thống Vladimir Putin và Nikolay Patrushev, người đồng cấp của Sullivan trong chính phủ Nga.
Trả lời trước giới phóng viên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre khẳng định các cuộc tiếp xúc trên tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro. Vào thời điểm đó, người phát ngôn điện Kremlin Peskov nói rằng báo chí Anh và Mỹ đăng tải những thông tin sai.
Từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ, Thổ Nhĩ Kỳ luôn đóng vai trò như một nhà hòa giải then chốt. Vào cuối tháng 3, nước này đã đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán giữa các đại diện Nga-Ukraine, trong đó hai bên đã đạt được tiến bộ đáng kể để hướng tới một một thỏa thuận hòa bình.
Tuy nhiên, kết quả của các cuộc đàm phán đó đã bị ảnh hưởng từ chuyến công du tới Kiev vào tháng 4 của Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là ông Boris Johnson. Theo truyền thông Ukraine, nhà lãnh đạo Anh đã nói với Tổng thống Ukraine rằng các quốc gia phương Tây sẽ không ủng hộ hiệp ước an ninh được đề xuất đã được thảo luận với Nga.
Ankara cũng giúp Liên hợp quốc (LHQ) khởi động Sáng kiến Biển Đen, một thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc bằng tàu chở hàng. Thỏa thuận được ký vào tháng Bảy dự kiến hết hạn vào ngày 19/11. Nga nhiều lần tuyên bố họ có thể không đồng ý gia hạn trừ khi LHQ thực hiện lời hứa tạo điều kiện cho Moskva xuất khẩu ngũ cốc và phân bón như một phần của thỏa thuận.