Cuộc gặp đầu tiên sau 5 năm giữa lãnh đạo Anh và Trung Quốc bị hủy

Cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo Trung Quốc và Anh sau 5 năm đã bị hủy vì cuộc họp khẩn liên quan đến việc tên lửa bắn trúng lãnh thổ Ba Lan gần biên giới Ukraine.

 Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại hội nghị G20. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại hội nghị G20. Ảnh: Reuters.

Phố Downing cho biết nhiều thay đổi trong lịch trình khiến cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 bị hủy, song nói thêm Thủ tướng Sunak đã kỳ vọng sẽ gặp được ông Tập, Guardian đưa tin.

Đã 18 tháng kể từ lần gần nhất một thủ tướng Anh điện đàm với chủ tịch Trung Quốc, và lần gần nhất lãnh đạo hai nước gặp nhau là vào đầu năm 2018, khi cựu Thủ tướng Anh Theresa May thăm Bắc Kinh.

Ông Sunak có lý do để muốn gặp trực tiếp ông Tập. Các quan chức cho rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo dự kiến có mục tiêu tìm những lĩnh vực mà cả hai nước có thể phát triển, bao gồm an ninh năng lượng và giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh không đưa thêm chi tiết về việc cuộc gặp bị hủy. "Tôi muốn nhấn mạnh Trung Quốc cam kết thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc - Anh", bà nói, theo South China Morning Post.

 Gia đình cựu Thủ tướng Anh Theresa May (trái) gặp gia đình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 1/2018. Ảnh: Pool.

Gia đình cựu Thủ tướng Anh Theresa May (trái) gặp gia đình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 1/2018. Ảnh: Pool.

Trong khi đó, ông Sunak đã gặp người đồng cấp Canada Justin Trudeau, cũng như điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Cả hai cuộc trò chuyện đều diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng sự cố tên lửa rơi ở Ba Lan ít khả năng là do Nga khai hỏa.

Việc ông Sunak sắp xếp để gặp ông Tập cũng khiến một số nghị sĩ đảng Bảo thủ chỉ trích, khi nhiều người gây sức ép buộc chính phủ phải coi Trung Quốc là "mối đe dọa".

Ông Sunak được cho là có cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Trung Quốc, so với người tiền nhiệm Liz Truss. Trước khi từ chức, bà Truss đã có kế hoạch coi Trung Quốc là mối đe dọa, đồng thời làm mới các ưu tiên đối ngoại và quốc phòng của Anh. Chiến lược được công bố gần nhất của chính phủ Anh coi Bắc Kinh là "đối thủ cạnh tranh có hệ thống".

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-gap-dau-tien-sau-5-nam-giua-lanh-dao-anh-va-trung-quoc-bi-huy-post1375925.html