Cuộc 'gặp gỡ' giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác

Cuộc 'gặp gỡ' giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác là sự kết nối của Đông và Tây, của các phương pháp cổ truyền và khoa học tiến bộ, của cây cỏ và máy móc, là sự tương đồng và tấm lòng của những bậc lương y, là niềm say mê và trách nhiệm đối với khoa học của những nhà bác học.

Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác là sự kết nối của Đông và Tây, của các phương pháp cổ truyền và khoa học tiến bộ, của cây cỏ và máy móc, là sự tương đồng và tấm lòng của những bậc lương y, là niềm say mê và trách nhiệm đối với khoa học của những nhà bác học.

Một trong các sứ mệnh của các bác sĩ thuộc địa là truyền bá văn hóa Pháp đến thuộc địa và thúc đẩy sự tiến bộ y tế. Nhiều bác sĩ, trong đó nhiều người thuộc Hải quân Pháp, đã đến Đông Dương với nhiệm vụ cống hiến cho công cuộc chinh phục và đáp ứng các yêu cầu trợ giúp cũng như kiến thức của họ về bệnh lý và sức khỏe. Bên cạnh đó họ còn là những nhà thám hiểm, nhà khoa học. Có thể kể đến Alexandre Yersin, Paul-Louis Simond. Armand Corre, Albert Calmette.

 Bác sĩ Albert Sallet (1879-1948). Ảnh tư liệu

Bác sĩ Albert Sallet (1879-1948). Ảnh tư liệu

Vào thời kỳ gặp gỡ ban đầu giữa Tây y và Đông y, có thể nói là gần như không thể dung hòa. Các thầy thuốc Việt Nam hầu như chưa tiếp nhận sách vở y học phương Tây và ngược lại, các bác sĩ Pháp có mặt ở Việt Nam không quan tâm nhiều đến y học Hoa - Việt ở An Nam (médecine sino-annamite, với nghĩa y học cổ truyền Việt Nam trong đó có phần tiếp thu và kế thừa y học Trung Hoa). Bác sĩ Albert Sallet (1879- 1948) là một trường hợp ngoại lệ, có thể nói ông là người Pháp đầu tiên đề cập đến đóng góp của 2 danh y nổi tiếng Việt Nam, là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông.

Cuộc “gặp gỡ" giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác trước hết là cuộc gặp giữa một bác sĩ thuộc địa, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong công cuộc chinh phục, và một danh y bản địa. Tuy nhiên, sau một thời gian trải qua các công việc của một bác sĩ trong chính quyền thuộc địa, Albert Sallet xin nghỉ hẳn chức vụ nhân viên y tế để theo đuổi vai trò của một nhà khoa học, để tìm đến sự say mê và hấp dẫn của y học dân tộc bản địa, để nghiên cứu những gì mà các bậc tiền bối như Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông để lại.

Ông từng khám phá dân tộc Chăm, say mê tìm hiểu y dược truyền thống và “ma thuật phòng bệnh” của người Chăm. Đồng thời Albert Sallet không ngừng học hỏi và tìm hiểu, nghiên cứu về hệ thực vật Việt Nam. Chuyên môn, kiến thức sâu rộng, khá chính xác trong lĩnh vực này đã cho phép ông không chỉ viết một số tác phẩm về cây cỏ mà còn hiểu được các dược liệu, thuốc bắc và thuốc nam, biết rõ điểm mạnh của y học cổ truyền Việt Nam so với y học truyền thống Trung Hoa, đó là phương pháp trị liệu và nam dược. Nhờ hiểu biết về ngôn ngữ Việt Nam và y học cổ truyền cũng như phong tục địa phương, năm 1919, Albert Sallet trở thành thành viên hợp tác của Trường Viễn Đông Bác cổ. Được coi là “nhà thực vật học xuất sắc, có kiến thức sâu rộng về sự vật, con người bản địa và thông thạo bản ngữ”, ông được mời phụ trách việc nghiên cứu dược điển Nam y, thực hiện bản tóm tắt dược liệu, các vị thuốc ở miền Trung. Kết quả khảo sát này là việc xuất bản cuốn sách “L'Officine sino-annamite en Annam” (Nhà thuốc cổ truyền ở An Nam) (năm 1931) trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Thuộc địa Paris.

 Bìa và những hình ảnh dụng cụ bào chế thuốc trong cuốn sách “L'Officine sino-annamite en Annam” của Albert Sallet.

Bìa và những hình ảnh dụng cụ bào chế thuốc trong cuốn sách “L'Officine sino-annamite en Annam” của Albert Sallet.

 Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791).

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791).

Nếu tính về thời đại, Hải Thượng Lãn Ông sống và thực hành nghề y cách Albert Sallet trên dưới 150 năm về trước. Nếu nói về y thuật, Hải Thượng Lãn Ông là bậc thầy, là vị tiền bối, là ông tổ của y học cổ truyền Việt Nam. Albert Sallet ghi nhận: “Trong quá trình nghiên cứu dược liệu An Nam, tôi tiếp xúc thường xuyên với công việc của Hải Thượng”. Bộ tập đại thành về Nam y dược học của vị danh y Việt Nam, trong đó có những trích dẫn từ các sách y học Hán của Trung Quốc và những phần do Hải Thượng Lãn Ông viết, chính là nguồn kiến thức sâu rộng đối với Albert Sallet trong quá trình khám phá, học hỏi và nghiên cứu.

Albert Sallet có mặt gần 30 năm ở Đông Dương (1903-1931), coi Việt Nam như quê hương thứ hai. Ông từng về Hương Sơn (Hà Tĩnh), tìm gặp các hậu thế của Lãn Ông, tìm kiếm sách vở và thông tin qua Thái Y Viện và Cơ học Viện ở Huế. Ông viết: “Xứ Bắc kỳ xưng nơi sinh, nhưng ông sống chủ yếu ở các vùng phía Bắc Trung Kỳ: ông học hành ở đó, ông thực hành ở đó, ông mất ở đó. Con cháu của ông vẫn cư trú tại Hà Tĩnh. Tôi nắm được một số thông tin từ những người này, tôi thu thập được những thông tin khác từ những sách vở và truyền thống vẫn còn lưu lại, ví dụ như từ Thái Y Viện, nơi chăm sóc sức khỏe của Hoàng cung”.

 Quê mẹ Hải Thượng Lãn Ông ở thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhìn từ trên cao. Ảnh: Thùy Thắng.

Quê mẹ Hải Thượng Lãn Ông ở thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhìn từ trên cao. Ảnh: Thùy Thắng.

Nơi ở của Lê Hữu Trác ở Hương Sơn được Albert Sallet miêu tả như sau: “Khu vườn nơi ngôi nhà ông ấy ở, tại Bàn Thượng, được gọi là vườn đào. Từ khi tồn tại nơi này của vị danh y giờ chỉ còn lại một gò đất và một cái ao. Trên gò đất, ông ấy thường treo một dải vải dài ở đỉnh cột, mà sự hiện diện của nó chỉ có một mục đích, đó là chỉ cho người thầy thuốc biết được hướng gió (để điều chế thuốc) và các thông tin chỉ dẫn liên quan…”. Ở Hương Sơn, ông còn gặp Cống sinh tú tài Đinh Nho Chấn, người chịu trách nhiệm biên soạn bộ sách về y học cổ truyền An Nam có tên là Trung Việt Dược tính hợp biên, do Thái Y Viện chủ trì, thực hiện vào thời vua Duy Tân. “Tôi đã nhờ đến bộ sách của Đinh Nho Chấn cho các công trình về dược liệu của người An Nam. Ông ấy đã cung cấp cho tôi những thông tin có giá trị”.

 Núi Giả, hồ Sen và vườn đào tại Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Ảnh: Thùy Thắng.

Núi Giả, hồ Sen và vườn đào tại Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Ảnh: Thùy Thắng.

..................
CUỘC “GẶP GỠ” GIỮA ALBERT SALLET VÀ LÊ HỮU TRÁC LÀ SỰ KẾT NỐI CỦA ĐÔNG VÀ TÂY, CỦA CÁC PHƯƠNG PHÁP CỔ TRUYỀN VÀ KHOA HỌC TIẾN BỘ, CỦA CÂY CỎ VÀ MÁY MÓC, LÀ SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ TẤM LÒNG CỦA NHỮNG BẬC LƯƠNG Y...

Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác là sự kết nối của Đông và Tây, của các phương pháp cổ truyền và khoa học tiến bộ, của cây cỏ và máy móc, là sự tương đồng và tấm lòng của những bậc lương y, là niềm say mê và trách nhiệm đối với khoa học của những nhà bác học. Albert Sallet đã gặp Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, cả về mặt y đức của một thầy thuốc và cả về y thuật, về tâm huyết của một nhà khoa học, một bác học. Cuộc “gặp gỡ” giữa 2 vị danh y lớn, những người luôn tò mò, khám phá không biết mệt mỏi, cả 2 đều chọn đứng bên lề và không màng đến danh lợi, quyền thế và của cải, những người biết cách xa xã hội, giải phóng mình khỏi mọi sự ràng buộc, hướng đến tự do trong khoa học. Theo nhà văn Yvelines Feray - tác giả của tiểu thuyết “Ông già Lười”, đó còn là sự gặp gỡ của 2 nền y học, một loại mà phương Đông gọi là y học mềm (médecine douce), chỉ các liệu pháp truyền thống và một dạng y học khác mà phương Tây gọi là y học đổ máu (médecine sanglante) với phương pháp cắt mổ trần trụi, chảy máu có phần man rợ thường thấy vào đầu thế kỷ XX.

 Dao cầu, thuyền tán là những dụng cụ làm thuốc được Đại danh y Lê Hữu Trác sử dụng để bào chế, cắt thuốc, kê đơn, chữa bệnh cho người dân.

Dao cầu, thuyền tán là những dụng cụ làm thuốc được Đại danh y Lê Hữu Trác sử dụng để bào chế, cắt thuốc, kê đơn, chữa bệnh cho người dân.

.................................
ALBERT SALLET LÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN HIỂU Y HỌC CỔ TRUYỀN HOA - VIỆT “KHÔNG PHẢI LÀ MỘT HỆ THỐNG NGUYÊN KHỐI, KỲ LẠ VÀ HOÀN TOÀN LỖI THỜI TRƯỚC Y SINH HỌC HIỆN ĐẠI, MÀ LÀ SỰ ĐA DẠNG VỀ KỸ THUẬT CHẨN ĐOÁN VÀ KHẢ NĂNG CHỮA BỆNH” VÀ NHẬN THỨC RÕ NHỮNG GIÁ TRỊ CŨNG NHƯ NHỮNG HẠN CHẾ VỀ CĂN CỨ VÀ PHƯƠNG PHÁP.

Vừa là thầy thuốc vừa là nhà khoa học, Albert Sallet là người đầu tiên hiểu y học cổ truyền Hoa - Việt “không phải là một hệ thống nguyên khối, kỳ lạ và hoàn toàn lỗi thời trước y sinh học hiện đại, mà là sự đa dạng về kỹ thuật chẩn đoán và khả năng chữa bệnh” và nhận thức rõ những giá trị cũng như những hạn chế về căn cứ và phương pháp. Từ năm 1930, lương y Lê Hữu Trác của Việt Nam được biết đến trong giới y học và khoa học ở Pháp qua bài của Albert Sallet, “Một danh y lớn của An Nam: Hải Thượng Lãn Ông” đăng trong Tập san Hiệp hội Pháp về lịch sử Y khoa. Albert Sallet đánh giá công trình của Lê Hữu Trác như sau: “Tôi tin rằng, thoát khỏi mớ hỗn độn nặng nề của những lý thuyết cũ và tất cả những khuynh hướng lỗi thời vay mượn từ những quan niệm vũ trụ của triết học Trung Quốc, tác phẩm trình bày chi tiết về một liệu pháp có thể trở nên có giá trị. Chắc chắn công việc này thể hiện nỗ lực mạnh mẽ và tận tâm của một người, mà bằng cách hướng quan sát y tế của mình trong quá trình thực hành lâu dài, đã có thể đưa ra những suy luận hợp lý về giá trị của những gì được sử dụng. Nghiên cứu của chúng ta với sự trợ giúp các phương tiện thực sự khoa học có thể kiểm soát một cách chuẩn xác và có lợi”.

 Bác sỹ Albert Sallet ở Toulouse - Pháp năm 1932. Ảnh internet.

Bác sỹ Albert Sallet ở Toulouse - Pháp năm 1932. Ảnh internet.

Là người phương Tây đầu tiên nghiên cứu về di sản của Lê Hữu Trác và giới thiệu ông tổ của ngành Đông y Việt Nam cũng như y học dân tộc Việt Nam ra nước ngoài, Albert Sallet là người mở đường cho các nghiên cứu tiếp theo về Lê Hữu Trác tại Pháp và trong Pháp ngữ. Hai gương mặt tiêu biểu nhất của thế hệ nối tiếp là giáo sư, bác sĩ Pierre Huard với nghiên cứu “Lãn Ông với y học dân tộc Việt Nam” (thực hiện cùng Maurice Durand) năm 1953 và Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Trần Huân với luận án về Hải Thượng Lãn Ông do Pierre Huard hướng dẫn, bảo vệ năm 1950. Pierre Huard và Nguyễn Trần Huân cùng giới thiệu về Lê Hữu Trác ở Hội nghị toàn quốc các Hiệp hội bác học lần thứ 101 ở thành phố Lille năm 1976. Sau này nhiều nhà nghiên cứu ở Pháp tiếp tục thực hiện các luận án và nhiều nghiên cứu khác như Tâm Langlet - giảng viên Viện Khảo cứu cao cấp (EPHE), Vũ Thịnh Cường ở Trung tâm Bệnh viện Đại học Saint-Antoine; Tiến sĩ, bác sĩ Anita Bui ở Bệnh viện Hotel-Dieu và Cochin; Tiến sĩ y khoa, bác sĩ Trịnh Thị Hoài Tú, nhà nghiên cứu Annick Gúenel ở Trung tâm nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS); Tiến sĩ dược khoa, dược sĩ Julien…

 Bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh do Đại danh y Lê Hữu Trác biên soạn.

Bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh do Đại danh y Lê Hữu Trác biên soạn.

Ngày nay, các phương pháp trị bệnh của Lê Hữu Trác đã được biết đến ở nhiều nơi trên thế giới, không chỉ trên sách vở, mà cả qua thực hành, đặc biệt các phương pháp trị liệu dựa trên sự cân bằng âm - dương. Di sản đồ sộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” đã được dịch một phần sang tiếng Pháp, hy vọng dần dần sẽ có công trình tập hợp đầy đủ bản gốc cùng với bản chuyển ngữ và chú giải hoàn chỉnh trong một ngôn ngữ thông dụng, đặc biệt là một ngôn ngữ châu Âu.

NỘI DUNG: NGUYỄN THỊ SÔNG HƯƠNG

ẢNH: THẮNG - THÙY - NHẤT & NGUỒN INTERNET

THIẾT KẾ: HUY TÙNG

Bộ “bách khoa toàn thư” của nền y dược học cổ truyền Việt Nam

Bộ mộc bản sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh là bộ mộc bản gốc, duy nhất khắc lại đầy đủ bộ sách thuốc Y tông tâm lĩnh của Đại danh y Lê Hữu Trác.

Khai mạc Triển lãm Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Những hình ảnh, tư liệu được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh giúp khán giả hiểu sâu hơn về di sản quý giá của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại cho hậu thế.

Nguyễn Thị Sông Hương

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/cuoc-gap-go-giua-albert-sallet-va-le-huu-trac-post279790.html