Xây dựng đời sống văn hóa gắn với xóa bỏ hủ tục lạc hậu

Với đặc thù là tỉnh vùng cao, biên giới, Cao Bằng có 27 dân tộc cùng sinh sống với 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc đều có đời sống văn hóa, phong tục, tập quán mang những nét độc đáo, đặc sắc rất riêng. Tuy nhiên, một số nơi còn giữ những phong tục, tập quán lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, sản xuất và tín ngưỡng, trong đó có hủ tục trở thành rào cản đối với sự phát triển, tiến bộ xã hội.

Xóm Nà Pù, xã Nam Quang (Bảo Lâm) có 112 hộ, 558 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Nhiều năm trước đây, trong xóm còn tồn tại nhiều hủ tục trong việc tang, việc cưới, cúng bái lúc ốm đau... gây lãng phí, tốn kém tiền của, thời gian như: trong việc cưới, nhiều gia đình nhà gái thách cưới rất cao; đám cưới tổ chức dài ngày, ăn uống linh đình gây tốn kém. Trong việc tang, đồng bào tổ chức đám tang dài ngày, người chết không được đưa vào áo quan; mổ nhiều gia súc để cúng bái, đốt nhiều vàng mã gây lãng phí và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, hoặc khi ốm đau người nhà không đưa đến các cơ sở y tế điều trị mà mời thầy mo về cúng… Nhiều gia đình có tư tưởng trọng nam khinh nữ, cấm con dâu ngồi ăn cơm chung với bố chồng, cùng với đó là tệ nạn uống rượu, tảo hôn khiến tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xóm luôn chiếm tỷ lệ cao trong xã.

Trưởng xóm Nà Pù, xã Nam Quang (Bảo Lâm) Đào Văn Trọng cho biết: Trước đây, xóm tồn tại một số hủ tục, nhất là việc các đám cưới, đám tang tổ chức dài ngày, ăn uống linh đình gây tốn kém. Do đó, Ban Công tác Mặt trận xóm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tích cực xóa bỏ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang. Quan tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Cùng với đó, xóm xây dựng hương ước, quy ước, trong đó có nội dung phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và đề ra các giải pháp xóa bỏ những phong tục, tập quán còn lạc hậu trong nhân dân. Các hộ được cấp phát tài liệu tuyên truyền, giúp người dân hiểu và tuân thủ các quy định về pháp luật.

Từ những cách làm đó, đến nay, hầu hết người dân trong xóm đều xây dựng, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh. Đồng bào dân tộc Mông tổ chức đám cưới, đám tang gọn nhẹ, đơn giản, không kéo dài gây lãng phí, các giá trị văn hóa tốt đẹp được người dân gìn giữ và phát huy. Tỷ lệ gia đình văn hóa hằng năm đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được nâng cao.

Chủ tịch UBND xã Nam Quang Mã Văn Vừ cho biết: Để các dân tộc trong xã gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và bài trừ những hủ tục ra khỏi đời sống, trong những năm qua, xã Nam Quang đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu và tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thông qua các buổi sinh hoạt thôn, xóm, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tích cực phối hợp với các đoàn thể tích cực, chủ động tuyên truyền, phổ biến tới các hội viên, nhân dân, thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào như: “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, phong trào xây dựng “Gia đình nông dân văn hóa”, “Nông dân sản xuất giỏi” của Hội Nông dân... Để người dân có địa điểm vui chơi, sinh hoạt, xã hỗ trợ các xóm xây dựng nhà văn hóa mới từ 550 - 700 triệu đồng/nhà. Nhờ đó, các xóm vận động bà con đóng góp để xây dựng nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp. Hiện tại, 9/11 xóm trong xã đạt danh hiệu xóm văn hóa. Các hoạt động văn nghệ, thể thao ngày càng phát triển sôi nổi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm thu hút đông đảo nhân dân tham gia các trò chơi dân gian.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm thu hút đông đảo nhân dân tham gia các trò chơi dân gian.

Bảo Lâm là địa phương có trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng từ phong tục tập quán, tiếng nói riêng, trong đó có những phong tục, tập quán tốt đẹp cần được bảo tồn và phát huy, song cũng có một số hủ tục ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân cần phải loại bỏ. Để các dân tộc trong huyện, nhất là dân tộc Mông xóa bỏ được các hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, huyện chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, trong đó, phục dựng lại một số lễ hội của đồng bào dân tộc như: Lễ hội dân tộc Mông, Lô Lô, các làn điệu dân ca, dân vũ... Ngoài ra, huyện khuyến khích người dân đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... Nhờ đó, đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn huyện được nâng lên rõ rệt, thể hiện qua các phong trào thể thao, văn nghệ quần chúng được quan tâm tổ chức, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Việc cưới, tang, lễ hội ngày càng đi vào nền nếp, thực hiện theo nếp sống văn minh.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ đó, tạo dựng môi trường sống văn hóa, văn minh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Quá trình triển khai, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện, Thành phố chú trọng lồng ghép tuyên truyền các nội dung của phong trào, tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa. Tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, lao động sản xuất, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân, gia đình, việc cưới, việc tang và lễ hội. Các khu dân cư lấy tiêu chí xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội là một trong những tiêu chí bình xét các danh hiệu thi đua; vận động nhân dân đưa nhiệm vụ xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu vào quy ước, hương ước. Đến nay, về cơ bản việc cưới đã tổ chức trang trọng, văn minh, tiết kiệm phù hợp với truyền thống dân tộc và bản sắc văn hóa từng vùng, miền. Các nghi thức trong tang lễ được tổ chức gọn gàng, vệ sinh, văn minh, tiết kiệm.

Cùng với đó, việc xây dựng hoàn thiện quy ước, hương ước tiếp tục được các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 1.462/1.462 hương ước, quy ước được công nhận. Thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, góp phần đẩy lùi các hủ tục, đưa nếp sống văn hóa, văn minh ngày càng hiện hữu trong đời sống nhân dân. Từ đó, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nông Hậu

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/xay-dung-doi-song-van-hoa-gan-voi-xoa-bo-hu-tuc-lac-hau-3174477.html