Phong cách mới của ông Trump tại Phòng Bầu dục
Đối mặt với ông Trump ở nhiệm kỳ hai, việc chuẩn bị hồ sơ mới chỉ là phần dễ. Họ còn phải sẵn sàng cho những cú bắt tay và những màn 'nhu thuật ngoại giao' đầy bất ngờ.
Từng là không gian trang nghiêm cho các cuộc gặp mặt lịch sử giữa các nguyên thủ quốc gia, Phòng Bầu dục dưới thời Tổng thống Donald Trump đang dần biến thành một sân khấu kịch tính.
Hình ảnh Tổng thống Trump lớn tiếng trách móc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngay trước ống kính truyền thông quốc tế hồi tháng 2 vừa qua, với sự tiếp lời từ Phó Tổng thống JD Vance, tưởng chừng mang tính đồng minh nhưng nhanh chóng trượt khỏi quỹ đạo khi ông Trump đe dọa cắt viện trợ cho Ukraine.
Không dừng lại ở đó, những cáo buộc nhắm vào Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hay màn đối đầu căng thẳng với Thủ tướng Canada Mark Carney càng khiến giới ngoại giao nhận ra rằng: tiếp xúc với ông Trump trong nhiệm kỳ hai không còn là chuyện ngoại giao thông thường.

Cuộc khẩu chiến dữ dội của Tổng thống Ukraine Zelensky và phía Nhà Trắng tại Phòng Bầu dục hồi tháng 2 là minh chứng rõ nét cho phong cách ngoại giao đậm màu sắc cá nhân của ông Trump. Ảnh: Reuters.
Kịch bản chính trị kiểu "truyền hình thực tế"
Theo 5 cựu đại sứ từng phụ trách tổ chức các cuộc gặp cấp cao tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng dưới thời ông Trump hoạt động như một phim trường - nơi các nguyên thủ buộc phải chuẩn bị tâm thế cho mọi tình huống bất ngờ, từ bị công kích công khai cho đến những màn tâng bốc.
Chính ông Trump cũng xác nhận điều đó khi kết thúc buổi gặp với ông Zelensky: “Chắc chắn đây sẽ là một chương trình truyền hình tuyệt vời”.
Ngay cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - người từng có mối quan hệ thân thiết với ông Trump - cũng phải tính toán. Sau khi ông Trump tuyên bố sẽ “rất cứng rắn” với Israel về vấn đề ngừng bắn ở Gaza, chỉ 24 giờ sau, một quan chức Israel cho biết họ đã chấp thuận đề xuất ngừng bắn 60 ngày.
“Không bao giờ được phản bác ông Trump trước ống kính”, cựu Đại sứ Pháp tại Mỹ Gérard Araud khẳng định.

Phòng Bầu dục trở thành một "phim trường" cho những tình huống bất ngờ kiểu truyền hình thực tế mà ông Trump dành cho các nhà lãnh đạo khác. Ảnh: Reuters.
Theo các nhà ngoại giao, ông Trump nhiệm kỳ hai hoạt động ở một “cấp độ hoàn toàn khác”. Năm 2017, ông còn đang làm quen với chính quyền và ranh giới quyền lực. Nhưng giờ đây, ông đã tự tin và táo bạo hơn nhiều.
“Ông Trump nhiệm kỳ đầu còn bất an, ghét bị coi thường. Nhưng giờ ông ấy hiểu rõ quyền lực trong tay và không quan tâm đến giới hạn hay chỉ trích”, ông Araud nhận xét.
Còn Joe Hockey - cựu Đại sứ Australia tại Mỹ - thì nhận định ông Trump “giao dịch lộ liễu hơn” và là “một tay thương lượng đáng gờm hơn”.
Tạm biệt các chuẩn mực cũ
Với những chi tiết mạ vàng lấp lánh và cách bày trí mang đậm dấu ấn cá nhân, Phòng Bầu Dục của ông Trump không chỉ là trung tâm điều hành quyền lực mà còn là nơi thể hiện cái tôi và tầm nhìn riêng của ông về nước Mỹ.
Araud ví von Nhà Trắng của ông Trump như một cung điện hoàng gia, nơi ai không có mối liên hệ cá nhân với Tổng thống hoặc gia đình ông thì gần như không thể đạt được mục tiêu nào đáng kể.
Ngay cả khi có được buổi gặp riêng, “cũng không đồng nghĩa với việc ông ấy sẽ lắng nghe hay thay đổi quan điểm”.
Trái với các chính quyền trước - nơi quy trình, nghi thức và sự tôn trọng lẫn nhau là chuẩn mực - Nhà Trắng dưới thời ông Trump trở nên cá nhân hóa mạnh mẽ và đầy bất ngờ.

Sự khác biệt rõ rệt của Phòng Bầu dục hiện tại so với thời của người tiền nhiệm Biden, với những chi tiết mạ vàng mang đậm dấu ấn quyền lực của ông Trump. Ảnh: Newsweek.
“Khi đó, có những quy tắc cơ bản về sự tôn trọng dành cho lãnh đạo nước ngoài. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp các lãnh đạo tận dụng tối đa khoảnh khắc quý giá này để hiểu nhau như những con người thực sự”, Rufus Gifford, cựu Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch và Trưởng ban nghi lễ ngoại giao dưới thời Tổng thống Joe Biden, chia sẻ.
Sarukhán kể lại, trước các chuyến thăm, đội ngũ của ông luôn chuẩn bị những chủ đề phá băng, điểm chung để thúc đẩy không khí tích cực.
Ông nhớ mãi hình ảnh Tổng thống Mexico Vicente Fox đến thăm trang trại của Tổng thống George W. Bush, sau khi ông Bush từng đến thăm nông trại của ông Fox ở Mexico - một biểu tượng ngoại giao được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Thậm chí trước lễ nhậm chức của ông Obama, Đại sứ quán Mexico còn tổ chức triển lãm nghệ thuật đặc biệt tại Washington để Tổng thống Felipe Calderón gặp gỡ gia đình Obama.
“Đó là một bàn thắng tuyệt đẹp, nếu dùng ngôn ngữ bóng đá”, Sarukhán hào hứng.
Rủi ro và phần thưởng
Trước những kịch bản như "truyền hình thực tế" của ông Trump, cựu Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho rằng các lãnh đạo phải chuẩn bị sẵn tinh thần đối phó với những đòn tấn công bất ngờ, những câu hỏi khó nhằn và cả những cái bắt tay "vật lý học".
Araud từng phải cảnh báo đội của Tổng thống Macron về cú bắt tay "nghiền nát" từ ông Trump trong lần gặp đầu năm 2017: “Hãy chuẩn bị tinh thần, ông ấy sẽ bóp rất mạnh”.

Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay nhau trước bữa trưa trước Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels (Bỉ) năm 2017. Ảnh: Reuters.
Ông khuyên các lãnh đạo nên thể hiện sự tán dương hết mực và để ông Trump tự do độc thoại. “Một cuộc gọi điện với Trump kéo dài tối thiểu 45 phút và ít nhất 40 phút là ông ấy nói”.
Gifford cũng cảnh báo: Đừng cố tỏ ra thân thiện một cách giả tạo: “Ông Trump có thể thích điều đó trong khoảnh khắc, nhưng về lâu dài, ông ấy sẽ lật ngược tình thế".
“Không hiểu sao nhiều lãnh đạo vẫn nghĩ Phòng Bầu Dục là nơi nghi lễ như cũ. Hoàn toàn không phải vậy”, Gifford nói thẳng.
Dù vậy, theo ông Landsbergis, với các quốc gia nhỏ hơn như Lithuania, một cuộc gặp tại Phòng Bầu Dục - dù kèm rủi ro - vẫn là cơ hội vàng để gửi đi thông điệp quan trọng.
Nhưng để vượt qua "bãi mìn" này, các nguyên thủ nên học cách đối mặt với sự khó đoán, như cách Araud hình dung về ông Trump: người duy nhất ra quyết định và thường quyết định không theo kịch bản.