Cuộc gặp ngắn, dư âm dài

Sau hơn ba năm kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, cuộc gặp trực tiếp dài gần 2 giờ đồng hồ ngày 16/5 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đánh dấu một bước chuyển mang tính biểu tượng: hai bên lần đầu tiên chính thức ngồi lại đối thoại. Dù chưa mang lại đột phá, sự kiện này cho thấy các nỗ lực hòa bình vẫn đang âm ỉ vận hành, và quan trọng hơn, rằng chiến tranh - dù kéo dài, khốc liệt và phức tạp đến đâu - vẫn có thể được hóa giải bằng con đường ngoại giao.

Bối cảnh của vòng đàm phán lần này cho thấy nhiều yếu tố mang tính thử nghiệm. Cuộc gặp tại Cung điện Dolmabahce, dưới sự bảo trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, diễn ra trong khi mặt trận chiến sự tại miền Đông Ukraine vẫn căng thẳng, với các cuộc pháo kích không ngừng giữa hai bên tại Donetsk và Kharkov. Đồng thời, nền kinh tế Nga tiếp tục chịu sức ép nặng nề từ các lệnh cấm vận phương Tây, trong khi Ukraine vẫn lệ thuộc phần lớn vào viện trợ quân sự từ Mỹ và châu Âu - vốn đang đối mặt với làn sóng “mệt mỏi chiến tranh” rõ rệt tại quốc nội.

Quang cảnh cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/5.Ảnh: Tân Hoa Xã.

Quang cảnh cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/5.Ảnh: Tân Hoa Xã.

Trong làn khói mịt mù của xung đột kéo dài, quyết định quay trở lại bàn đàm phán là một tín hiệu quan trọng. Phái đoàn Nga do trợ lý Tổng thống Vladimir Putin, ông Vladimir Medinsky dẫn đầu, cùng đại diện từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và cơ quan tình báo. Ukraine cử Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov làm Trưởng đoàn, đồng hành cùng nhiều quan chức cấp cao trong lĩnh vực an ninh, ngoại giao. Một chi tiết gây chú ý là việc các đại diện Ukraine mặc quân phục, trong khi phía Nga sử dụng trang phục vest, phản ánh phần nào sự đối lập về cách thể hiện thông điệp chính trị: một bên nhấn mạnh hình ảnh “quốc gia bị xâm lược”, một bên thể hiện vai trò đối tác chiến lược.

Về kết quả cụ thể, cuộc đàm phán kéo dài chưa đầy hai giờ và không đạt được bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn hay lộ trình rút quân nào. Dù vậy, điểm sáng duy nhất nhưng mang ý nghĩa không nhỏ chính là việc hai bên nhất trí trao đổi 1.000 tù binh mỗi bên. Đây được xem là bước đi xây dựng lòng tin đầu tiên sau hơn ba năm xung đột. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nhận định đây là “biện pháp xây dựng lòng tin” và thể hiện kỳ vọng rằng nó sẽ mở đường cho các cuộc tiếp xúc tiếp theo.

Trong bối cảnh mối quan hệ song phương gần như bị cắt đứt từ năm 2022, việc hai bên cùng nhau thực hiện một hành động nhân đạo như trao đổi tù binh cho thấy ít nhất vẫn tồn tại kênh liên lạc và một phần ý chí tìm tiếng nói chung. Tuy nhiên, những bất đồng mang tính cốt lõi vẫn còn đó. Ukraine tiếp tục yêu cầu Nga rút toàn bộ lực lượng khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là thiết lập lệnh ngừng bắn kéo dài ít nhất 30 ngày.

Trong khi đó, phía Nga tiếp tục đưa ra các điều kiện được phương Tây đánh giá là “phi thực tế”, bao gồm việc Ukraine công nhận chủ quyền của Nga tại các vùng Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson - những khu vực được Moscow sáp nhập đơn phương từ năm 2022. Chính vì vậy, các nhà quan sát cho rằng, dù có tín hiệu khởi đầu, triển vọng đạt được hòa bình toàn diện vẫn còn rất xa.

Thêm vào đó, sự vắng mặt của Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp này là một dấu hiệu cho thấy cả hai bên chưa thực sự sẵn sàng cho những nhượng bộ mang tính chính trị. Việc các vòng đàm phán trước đó, đặc biệt là tại Belarus và Istanbul năm 2022, từng sụp đổ khi chỉ còn cách thỏa thuận vài điều khoản cho thấy nỗi ám ảnh về sự đổ vỡ vẫn phủ bóng lên các cuộc gặp hiện nay.

Trong bối cảnh đó, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa được chú ý. Với vị trí địa chính trị đặc biệt - là thành viên NATO nhưng duy trì quan hệ ổn định với Nga - Ankara được coi là một trong số ít những bên có thể tiếp cận cả Moscow lẫn Kiev mà không đánh mất vị thế trung gian.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì cuộc gặp lần này là nỗ lực nối tiếp di sản ngoại giao từ năm 2022, khi nước này từng bảo trợ cho thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Tuy nhiên, việc giữ thế cân bằng giữa phương Tây và Nga cũng khiến Ankara đối mặt với nhiều sức ép. Một mặt, nước này cần tiếp tục duy trì quan hệ thương mại - năng lượng với Moscow; mặt khác, họ không thể làm tổn hại quan hệ chiến lược với Washington và Brussels. Chính vì vậy, dù nắm giữ vị trí địa lợi, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần bước đi khôn khéo để duy trì vai trò cầu nối mà không bị nghiêng về phía nào.

Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố mong muốn “chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ nếu có cơ hội đối thoại trực tiếp với ông Vladimir Putin”. Tuy vậy, tuyên bố này cũng vấp phải hoài nghi từ cả giới phân tích và các đồng minh châu Âu, vốn đang tìm kiếm một lộ trình ổn định hơn thay vì trông chờ vào đàm phán song phương cá nhân. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU), dù tiếp tục ủng hộ tiến trình hòa bình, vẫn chưa đưa ra sáng kiến nào mang tính chiến lược mới kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Brussels hồi tháng 3 vừa qua.

Nhìn về tương lai, giới chuyên gia đang đặt ra ba kịch bản chính cho tiến trình hòa bình sau Istanbul. Thứ nhất là đàm phán sẽ tiếp tục theo hướng từng bước, bắt đầu bằng các thỏa thuận kỹ thuật như trao đổi tù binh, vùng phi quân sự, hoặc ngừng bắn cục bộ, từ đó tiến đến bàn luận các vấn đề lớn như lãnh thổ hay trung lập vĩnh viễn. Đây là phương án thực tế nhưng cần rất nhiều thời gian, sự kiên nhẫn chính trị và lòng tin - vốn đang là điều xa xỉ trong bối cảnh hiện nay.

Kịch bản thứ hai là đàm phán rơi vào bế tắc, chiến sự tiếp tục leo thang, đặc biệt trong mùa hè - thời điểm cả Nga và Ukraine có thể khởi động các chiến dịch quân sự mới nhằm tìm kiếm lợi thế trước khi quay lại bàn đàm phán. Trong trường hợp đó, Istanbul sẽ không phải là cột mốc mang tính bước ngoặt mà chỉ là một điểm dừng tạm thời trên chặng đường dài của xung đột.

Cuối cùng, một số ý kiến kỳ vọng vào khả năng xuất hiện đột phá chính trị từ một cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin. Tuy nhiên, điều này vẫn chỉ nằm trong phạm vi suy đoán và phụ thuộc vào nhiều biến số khó lường, trong đó có cả những tính toán nội bộ của hai bên về thời điểm phù hợp và những nhượng bộ có thể chấp nhận.

Dù vậy, một điều không thể phủ nhận là việc Nga và Ukraine cùng ngồi lại - dù trong hoàn cảnh dè chừng, với kết quả khiêm tốn - vẫn là một tia sáng tích cực sau ba năm mờ mịt chiến tranh. Istanbul không phải là hồi kết, cũng chưa thể là khởi đầu trọn vẹn, nhưng nó cho thấy cánh cửa ngoại giao vẫn chưa bị đóng sập hoàn toàn. Trong một thế giới đầy rẫy bất định, nơi xung đột khu vực dễ dàng biến thành khủng hoảng toàn cầu, việc duy trì đối thoại, xây dựng lòng tin từng bước và kiên trì thúc đẩy ngoại giao chính là điều kiện tiên quyết để nuôi hy vọng về một nền hòa bình bền vững.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/cuoc-gap-ngan-du-am-dai-i768695/