Liệu đảng cực hữu Đức có bị cấm sau kỳ bầu cử thành công?

Chính quyền của tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz đang xem xét khả năng cấm đảng cực hữu Con đường mới cho nước Đức (AfD). Tuy nhiên, động thái này có thể phản tác dụng.

Đầu tháng 5, Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp Liên bang (BfV) - cơ quan tình báo nội địa Đức - chính thức xếp AfD vào nhóm “tổ chức cực đoan cánh hữu”.

Quyết định trên làm dấy lên cuộc tranh luận: Liệu chính quyền và tòa án Đức có nên ban hành lệnh cấm đối với đảng này hay không.

“Ông ấy thực sự coi đây là điều nghiêm túc”, một trong những đồng minh thân cận nhất của Thủ tướng Merz nói với Financial Times.

Theo phe ủng hộ, AfD gây ra quá nhiều nguy cơ với nền dân chủ Đức đến mức cần bị cấm. Tuy vậy, phe phản đối cho rằng lệnh cấm có thể phản tác dụng và trở thành cơ hội tuyên truyền cho phe cực hữu.

Công cụ từ hiến pháp

Hồi đầu năm nay, ông Merz từng tuyên bố đảng AfD mong muốn “hủy diệt” Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của ông, cũng như “làm xói mòn những nền tảng của nền dân chủ”. Ông cũng so sánh AfD và sự nổi lên của Đức Quốc xã đầu thập niên 30 của thế kỷ trước.

Dù vậy, ông cũng từng tỏ ý nghi ngờ việc áp đặt lệnh cấm lên AfD.

“Không thể cấm 10 triệu cử tri”, Thủ tướng Merz nói, cho biết chính phủ sẽ chỉ hành động “sau quá trình xem xét cẩn trọng nhất”.

Các đảng phái lớn ở Đức nhìn chung đồng thuận về nguy cơ của AfD, cũng như “độ vênh” trong chính sách của đảng này - vốn mang màu sắc bài nhập cư và phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác biệt về việc có nên ban hành lệnh cấm hay không.

Một trong những người ủng hộ cấm AfD trong đảng CDU là nghị sĩ trẻ Tilman Kuban, cựu lãnh đạo tổ chức thanh niên của đảng.

“Các nền dân chủ tự coi trọng bản thân cần tự vệ trước kẻ thù, với các công cụ được hiến pháp quy định”, ông Kuban nói.

Tuy nhiên, tiếng nói của ông Kuban chỉ là thiểu số trong phe bảo thủ Đức. Ông Markus Söder, lãnh đạo Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) - đảng “chị em” của CDU - nhận định cách thức đối đầu với AfD cần làm “làm chính trị một cách đúng đắn”.

 Bà Alice Weidel và ông Tino Chrupalla - hai lãnh đạo của AfD. Ảnh: Reuters.

Bà Alice Weidel và ông Tino Chrupalla - hai lãnh đạo của AfD. Ảnh: Reuters.

Công chúng Đức cũng tương đối chia rẽ: Tỷ lệ ủng hộ lệnh cấm chỉ hơi vượt qua mốc 50%, theo khảo sát của hãng thăm dò dư luận Insa.

Sau khi đánh bại Đức Quốc xã, bản hiến pháp mới của Đức - được Mỹ và các nước đồng minh chấp thuận - có điều khoản cấm một số đảng phái nhằm bảo vệ hệ thống chính trị. Dù vậy, trong lịch sử Đức, chỉ có hai lần một đảng bị cấm thành công - bao gồm một đảng cực hữu kế thừa phát xít Đức hồi năm 1952.

Năm 2003 và 2017, tòa án hiến pháp Đức hai lần từ chối ban hành lệnh cấm với đảng Quốc gia Dân chủ Đức (NPD) theo đường lối tân phát xít. Theo tòa, dù NPD theo chủ nghĩa cực đoan, đảng này chưa đủ lớn để gây ra mối đe dọa với nền dân chủ Đức.

Vấn đề với AfD dường như trái ngược: Quy mô quá lớn của đảng khiến giới chức Đức ngần ngừ khi đưa ra lệnh cấm. Trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2, AfD giành được phiếu của 21% cử tri. Các cuộc thăm dò sau đó cho thấy tỷ lệ ủng hộ đảng tiếp tục tăng lên khoảng 24%. Một số thậm chí cho thấy tỷ lệ ủng hộ đảng AfD đã vượt qua đảng CDU.

“Khá khó sử dụng lệnh cấm như một công cụ chống lại các đảng dân túy tại châu Âu lúc này”, bà Angela Bourne, giáo sư chính trị châu Âu tại Đại học Roskilde (Đan Mạch), nói với Financial Times. “Họ được quá nhiều cử tri bầu trong các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Họ dường như quá quyền lực”.

Hai luồng quan điểm

Động thái hôm 2/5 của BfD bị AfD chỉ trích gay gắt. AfD cũng đã khởi kiện BfV ra tòa.

Tuy nhiên, một số đảng viên - như nghị sĩ Sieghard Knodel - đã tuyên bố rời khỏi đảng. Một số đảng viên khác cảnh báo phe cực đoan trong đảng đừng làm gì để khiến các đối thủ lợi dụng.

Nếu tòa án Đức bảo vệ quyết định của BfV, các cơ quan tình báo Đức sẽ có thêm công cụ để thu thập thông tin, thậm chí là xâm nhập vào đội ngũ của đảng. Một số thành viên AfD cũng có thể mất quyền sử dụng vũ khí. Khả năng gây quỹ của AfD cũng gặp thêm khó khăn. Dù vậy, các động thái này khó có thể tác động quá mạnh với đảng.

Theo quy định, chính phủ hoặc một viện trong Quốc hội Đức có quyền kêu gọi tòa án hiến pháp cấm một đảng. Quy trình xem xét sẽ mất ít nhất hai năm, theo giới chuyên gia.

Nếu một đảng bị cấm, đảng đó sẽ bị giải tán và các nghị sĩ sẽ mất ghế. Các thành viên cấp cao của đảng cũng sẽ bị cấm thiết lập các tổ chức kế tục - dù một số ý kiến cho rằng quy định này không dễ thực thi.

Theo phe phản đối, việc khởi động quy trình cấm AfD rất dễ phản tác dụng - nhất là khi tòa án từ chối.

 Một cuộc tuần hành ủng hộ AfD tại Berlin, tháng 9/2021. Ảnh: Reuters.

Một cuộc tuần hành ủng hộ AfD tại Berlin, tháng 9/2021. Ảnh: Reuters.

“Tôi cho rằng quy trình pháp lý sẽ rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro”, Thủ hiến bang Brandenburg Dietmar Woidke, người từng tham gia vào một nỗ lực không thành công nhằm cấm đảng NDP, nói.

Bộ trưởng Nội vụ Alexander Dobrindt cũng cảnh báo chưa có đủ bằng chứng cho thấy AfD đang gây hại đủ nghiêm trọng với nền chính trị Đức.

Số khác cho rằng đây sẽ là cơ hội giúp AfD lặp lại tuyên bố họ là đảng phái bị phân biệt đối xử. “Nguy cơ là hành động này sẽ giúp ích cho AfD, vốn coi mình là nạn nhân”, ông Andreas Busch, giáo sư chính trị học tại Đại học Göttingen, nói.

Về phần mình, những người ủng hộ cho rằng AfD dù gì cũng tự coi mình là nạn nhân. Cựu lãnh đạo đảng Xanh Ricarda Lang - một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất với lệnh cấm - tuyên bố các đảng phái có thể sử dụng con đường dân chủ để tiếm quyền như đảng Quốc xã trước đây.

“Tôi tin rằng AfD là một đảng như vậy. Tại sao chúng ta không cấm họ?”, bà viết.

Luồng ý kiến khác cho rằng lệnh cấm sẽ khiến phe cực hữu Đức suy yếu.

“Tôi tin rằng vấn đề sẽ không mất đi”, bà Michaela Hailbronner, giáo sư Đại học Münster, nói. Câu hỏi đặt ra là bạn có thể lấy đi một chút sức mạnh chính trị và làm suy yếu phong trào một chút hay không”.

Phe ủng hộ lệnh cấm cho rằng Thủ tướng Merz không còn nhiều thời gian. AfD đang nhắm đến vị trí dẫn đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2029. Nếu kịch bản này xảy ra, Đức sẽ đứng trước cuộc khủng hoảng chính trị.

“Chính quyền trước đã do dự quá lâu và bỏ lỡ cơ hội”, bà Julia Dück, người đã tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình chống AfD trên khắp nước Đức hồi đầu tháng 5, nói. “Chính quyền mới có thể tiếp tục đứng nhìn - hoặc bắt đầu quy trình cấm”.

Hà Thủy

Nguồn Znews: https://znews.vn/lieu-dang-cuc-huu-duc-co-bi-cam-sau-ky-bau-cu-thanh-cong-post1553705.html