Cuộc giải cứu 'không có trong kịch bản' (kỳ cuối)

Cuối năm 1968, địch liên tục tổ chức những trận càn với mục tiêu sát hại những chiến sĩ cách mạng, đàn áp dân chúng hòng làm nhụt ý chí chiến đấu của quân và dân ta, nên tổ chức đã lên kế hoạch ngăn chặn bằng cách tiếp cận những tên chỉ huy hung hăng, gây nhiều tội ác nhất để tiêu diệt khiến địch như rắn mất đầu.

Có những trận đánh mà trước khi xung trận, từ cấp chỉ huy cho đến Anh hùng LLVTND Phan Thị Ngọc Tươi cùng đồng đội xác định là rất nguy hiểm, có thể hy sinh tính mạng để giành thắng lợi, nhưng cũng có những trận tưởng chừng không mấy hiểm nguy thì lại khiến bà rơi vào tình thế ngặt nghèo và chỉ kịp thoát khi được người xa lạ, mà theo bà Tươi, chắc chắn đấy cũng là một chiến sĩ cách mạng ẩn danh kịp thời giải cứu.

1. Nhận thấy Phan Thị Ngọc Tươi thông minh, lanh lợi, lại có lòng dũng cảm và đặc biệt là chí khí chiến đấu cao nên vào một ngày đầu tháng 4/1969, bà được chỉ huy Phạm Văn Ty gọi lên nói chuyện, làm công tác tư tưởng và giao cho nhiệm vụ hết sức nặng nề đó là tiêu diệt tên đại úy thám báo Mười. Đưa vào tay bà tấm ảnh của tên Mười, ông Phạm Văn Ty bảo: “Tên này là một tay thám báo khét tiếng ác ôn, thường sử dụng rất nhiều thủ đoạn tàn ác để tra tấn chiến sĩ cách mạng và những người dân có liên quan nên hành động này, con phải tính toán thật kỹ và đảm bảo giữ an toàn tính mạng trở về đơn vị sau khi hoàn thành nhiệm vụ...”.

Anh hùng Phan Thị Ngọc Tươi.

Anh hùng Phan Thị Ngọc Tươi.

Nhận nhiệm vụ, Phan Thị Ngọc Tươi lập tức tiến hành công tác trinh sát, nhận diện qua ảnh, khi biết tên này rất mê gái thì bà lập tức vào vai một nữ sinh con nhà giàu có, quyền quý chủ động tiếp cận đối tượng. Gần một tháng liên tục áp sát mục tiêu, bà giành nhiều thời gian tìm hiểu và nắm được sở thích, quy luật hoạt động, lịch trình di chuyển hằng ngày của tên đại úy thám báo này. Nhận thấy thời cơ đã đến, Phan Thị Ngọc Tươi lập tức báo cáo phương án tiêu diệt tên ác ôn này theo 2 cách đánh táo bạo do bà vạch ra gồm ám sát bằng súng ngắn hoặc gài mìn hẹn giờ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ có đồng đội yểm trợ để rút lui an toàn. Sau khi nghe trình bày, cấp trên nhanh chóng chấp thuận và giao cho bà chủ động ấn định thời gian thực hiện để vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân, đồng đội, vừa đạt hiệu quả tối đa.

Chuẩn bị chu đáo đến từng chi tiết nhỏ nhất, bà chủ động đặt lịch hẹn và đến ngày 5/5/1969, Phan Thị Ngọc Tươi tiếp tục hóa trang thành một nữ sinh thanh tú đến điểm hẹn gặp tên Mười. Trước khi đi, bà đã ngụy trang cẩn thận một khẩu súng ngắn giấu trong chiếc túi xách tay giống như hầu hết các thiếu nữ con nhà giàu khác thường sử dụng và một quả mìn hẹn giờ trong gói quà.

Trước nét xinh đẹp, duyên dáng của Phan Thị Ngọc Tươi cùng với phong thái rất tự tin, điềm tĩnh khiến đại úy Mười không chút mảy may nghi ngờ, mà cứ xoắn xuýt mời bà lên xe rồi bảo tài xế nổ máy cho xe chạy quanh thị xã Bến Tre.

Đang chầm chậm lướt phố thì Mười bất ngờ ra ám hiệu cho xe tăng tốc lao về hướng phà Rạch Miễu sang đất Mỹ Tho khiến Phan Thị Ngọc Tươi rất bất ngờ bởi tình huống này không nằm trong sự tính toán khi thu thập tài liệu, hơn nữa tên này cũng không có thói quen đi chơi ở ngoài tỉnh. Nếu tiếp tục đi với tên này đến cùng, mà rời khỏi Bến Tre thì chắc chắn sẽ không nhận được sự yểm trợ của đồng đội, mà phải chiến đấu một mình, e rằng sẽ khó đạt được thành công và cũng không chắc có bảo toàn được tính mạng như lời chỉ huy căn dặn, còn buông luôn thì không biết bao giờ mới có cơ hội tiêu diệt nên sau khi suy đi tính lại, Phan Thị Ngọc Tươi quyết định bám sát mục tiêu, theo đến cùng. Phà cập bến, xe lao về hướng Sài Gòn, nơi nữ trinh sát trẻ chưa một lần đặt chân đến.

Đại tá, Anh hùng LLVTND Phan Thị Ngọc Tươi chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Hà Nội, năm 2011.

Đại tá, Anh hùng LLVTND Phan Thị Ngọc Tươi chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Hà Nội, năm 2011.

Tưởng chừng tên này chỉ sang Mỹ Tho ăn nhậu, nhưng khi vừa lên khỏi phà Rạch Miễu, tài xế lập tức rồ ga cho xe chạy vòng qua trung tâm tỉnh lị này rồi đi thẳng lên hướng Sài Gòn. Chưa từng đặt chân đến chốn phồn hoa đô hội, lại không rành đường đi nước bước khiến ruột gan Phan Thị Ngọc Tươi nóng như lửa đốt. Trong đầu xuất hiện một loại câu hỏi rằng lỡ vị phát hiện mìn hẹn giờ và một khẩu súng ngắn mang theo thì phải hy sinh bản thân không tiếc, nhưng phụ niềm tin cùng sự mong đợi về một chiến thắng của chỉ huy và đồng đội đặt vào bản thân mình trước đó thì có xứng đáng không...

Gạt qua những dòng suy nghĩ, bà lấy lại sự điềm tĩnh tiếp tục đối mặt với hắn, chờ cơ hội ra tay. Gần trưa, xe tới trung tâm Sài Gòn. Nhằm điều xe chạy theo ý mình để hành động, Phan Thị Ngọc Tươi chủ động bảo đại úy Mười cho xe chạy quanh các phố phường rồi giả bộ nhõng nhẽo đòi tên này thuyết minh, hướng dẫn tham quan.

Quả mìn được cài đặt sẽ kích nổ vào lúc 11h30’ nên khi thấy đồng hồ chỉ con số 11h15’, Phan Thị Ngọc Tươi vờ kêu đau bụng, đòi tài xế tìm cửa hàng thuốc tây để mua và định bụng sẽ tìm đường trốn thoát trước khi quả mìn phát nổ. Tuy nhiên, chỉ sau vài phút, chiếc xe đã dừng trước một hiệu thuốc trong khi còn hơn 10 phút nữa mìn mới nổ. Trước tình huống trớ trêu này, bà phải diễn vở kịch trì hoãn bằng cách giả vờ kêu với đại úy Mười rằng “hết đau rồi, không cần mua thuốc nữa".

Xe tiếp tục lăn bánh được vài phút, Phan Thị Ngọc Tươi lại kêu đau bụng và một lần nữa chiếc xe lại dừng trước cửa hàng thuốc tây khi chưa đến thời gian kích nổ. Để tránh bị đối tượng nghi ngờ về sự bất thường liên tục của mình, bà nhanh trí nũng nịu “hiệu thuốc nhỏ, không thể có thứ thuốc cần mua". Khi kim đồng hồ nhích dần đến giờ thời điểm mìn được kích nổ, Phan Thị Ngọc Tươi lại kêu đau bụng dữ dội rồi bảo đại úy Mười kêu tài xé ghé hiệu thuốc gần nhất. Nhằm cắt đuôi tên này, bà yêu cầu tên Mười ngồi yên đó, chờ một lát, không được đi theo, ra khỏi xe là bị giận.

Nghĩ rằng những cô gái xinh đẹp, mới lớn thì luôn nũng nịu nên Mười răm rắp nghe theo, ngồi lại trên xe chờ đợi. Phan Thị Ngọc Tươi tranh thủ sửa lại bọc quà để quả mìn xoay đúng hướng rồi quàng túi xách tay đựng khẩu súng ngắn, xuống xe, băng qua đường. Vừa kịp chạy vào hiệu thuốc thì một tiếng nổ vang dội phát ra, ngọn lửa bùng lên khiến chiếc xe Jeep bốc cháy ngùn ngụt.

Rời khỏi đám cháy, Phan Thị Ngọc Tươi nhanh chóng tìm đường thoát thân bằng cách luồn lách qua những con hẻm nhỏ chằng chịt và khi vừa bước ra con đường lớn thì bất ngờ có một thanh niên điều khiển xe gắn máy chạy đến cản địa. Sau vài lần né tránh, lách qua nhưng anh ta cứ bám theo, ép vô chặn đường. Luôn thường trực tư thế sẵn sàng chiến đấu, bà đứng lại, phóng thẳng ánh mắt giận dữ vào mặt anh ta rồi quát: “Muốn gì?”.

Với ánh mắt cảm phục, tha thiết xin được giúp nữ trinh sát, anh này ra lệnh "lên xe". Phan Thị Ngọc Tươi lên xe, xe phóng vút đi, khoảng 10 phút sau cả hai đã vượt khỏi vòng phong tỏa của cảnh sát. Lúc này Phan Thị Ngọc Tươi mới thắc mắc hỏi anh ta là ai, tên gì, sau này muốn gặp lại thì tìm ở đâu. Nhưng, người đàn ông quả cảm này đã không trả lời mà chỉ hỏi Phan Thị Ngọc Tươi muốn về đâu. Yêu cầu người này kiếm giùm một chiếc taxi, Phan Thị Ngọc Tươi đã rút lui an toàn.

Trở về đơn vị trình diện, nhìn đồng đội nữ thì nước mắt chảy dài, nam thì mặt mày buồn thiu rồi trách cứ, còn vị chỉ huy Phạm Văn Ty thì mặt đỏ bừng bừng, miệng quát lớn: “Tại sao con lại hành động như vậy... Tại sao con lại rời xa địa bàn của mình lên tận Sài Gòn là nơi lạ nước lạ cái, với nhiều cạm bẫy chết người...”. Lúc đầu, khi mới bị trách mắng, Phan Thị Ngọc Tươi ngớ người ra, tưởng rằng mình đã phạm lỗi gì lớn lắm, nhưng nhìn ánh mắt, nét mặt cùng giọng mắng mọi người, bà hiểu rằng tất cả những con người, từ chỉ huy cho đến chiến sĩ đều như cha con, anh em một nhà nên khi hay tin bà thoát khỏi tầm kiểm soát thì bồn chồn, lo lắng vì nghĩ rằng khả năng hy sinh là rất cao, khả năng sống sót quá thấp. Để xua tan bầu không khí trĩu nặng, Phan Thị Ngọc Tươi hóm hỉnh bảo với ông Ty: “Đại úy Mười đã bị tiêu diệt mà con vẫn còn nguyên vẹn đây thôi, con xin hứa lần sau sẽ hành động kỹ càng hơn để bảo đảm an toàn tính mạng... Mọi người cười lên đi...”.

Anh hùng Phan Thị Ngọc Tươi nhận hoa chúc mừng từ đồng đội.

Anh hùng Phan Thị Ngọc Tươi nhận hoa chúc mừng từ đồng đội.

2. Năm 1972, địch thành lập Trung tâm cải huấn thiếu nhi Đà Lạt, thực chất là nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi ở khắp miền Nam. Phan Thị Ngọc Tươi là một trong hơn 600 tù nhân của trung tâm này. Tại đây, để làm nhụt ý chí của những chiến sĩ nhỏ tuổi, bọn quản giáo, cai ngục không từ một hành động dã man nào như đánh đập, trói buộc, bắt nhịn ăn, dội nước lạnh vào người trong cái rét căm căm. Tuy nhiên, những tù nhân nhỏ tuổi không những không nhụt chí, mà còn đoàn kết chống chào cờ, chống khủng bố, có những chiến sĩ đã tự mổ bụng phản đối chế độ hà khắc của bọn cai ngục; tổ chức đánh cảnh cáo những tên cai ngục và tiến hành vượt ngục để trở về tiếp tục chiến đấu.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, vì dư luận quốc tế, địch buộc phải giải tán nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Tất cả tù nhân tại đây, một số nam lớn tuổi hơn bị chúng ép đôn quân, số còn lại chúng thả về, nhưng với riêng Phan Thị Ngọc Tươi, chúng cho mật thám luôn bám sát.
Với thương tích đầy mình, đơn vị lệnh cô về nhà ngoại tại Sơn Hòa để có điều kiện trị bệnh và tạo thế hợp pháp lâu dài tiếp tục hoạt động. Thấy tình hình không ổn, khi nhử ta không thành công, chắc chắn chúng sẽ bắt lại nên Ngọc Tươi xin lệnh rút và được lãnh đạo đồng ý. Ra vùng giải phóng, vừa chống chọi với bệnh tật, Ngọc Tươi vừa học và công tác tại quân y dã chiến Ty An ninh cho đến ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.

Buổi gặp mặt của các chiến sĩ T30.

Buổi gặp mặt của các chiến sĩ T30.

Năm 1983, Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi tốt nghiệp Đại học An ninh, sau đó tốt nghiệp cử nhân báo chí rồi về công tác tại Báo Công an TP Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu.

Với những chiến công xuất sắc trong chiến đấu, với ý chí kiên cường, kiên trung, luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, năm 2010, Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND - phần thưởng cao quý, ghi nhận công lao đóng góp xứng đáng của bà trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nguyễn Gia

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/cuoc-giai-cuu-khong-co-trong-kich-ban-ky-cuoi--i766639/