Cuộc giải cứu những cuốn sách quý tại Mali

Sau hai lần thoát khỏi số phận bị tàn phá, hàng trăm nghìn bản thảo cổ xưa của Tây Phi đang được người dân Timbuktu bảo quản và số hóa trước tình trạng bạo lực dâng cao.

 Có khoảng 20.000 tài liệu cổ được bảo quản trong môi trường có điều hòa ở thư viện Ahmed Baba trước khi bị phóng hỏa. Ảnh: Ben Curtis/AP.

Có khoảng 20.000 tài liệu cổ được bảo quản trong môi trường có điều hòa ở thư viện Ahmed Baba trước khi bị phóng hỏa. Ảnh: Ben Curtis/AP.

Timbuktu là một thành phố nhỏ ở miền Nam Mali (châu Phi), khô cằn, nghèo đói và chìm trong bạo lực. Song ít ai biết rằng trong thời hoàng kim của mình, khoảng đầu thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 16, nơi đây từng là trung tâm tri thức lớn của vùng Tây Phi.

Nằm ở rìa nam của sa mạc Sahara, cách sông Niger 20 km về phía Bắc, thành phố ngủ yên qua nhiều thế kỷ tưởng chừng đã rơi vào quên lãng, cho đến khi một dự án với hơn 40.000 bức ảnh chụp lại các bản thảo cổ xưa của Timbuktu được đăng tải trên mạng Internet.

Thư viện online này như một tiếng nổ bất ngờ tới giới nghiên cứu, đồng thời mở ra cánh cửa để thế giới có thể tiếp cận được với kho tàng tri thức cổ xưa tại châu Phi. Hóa ra, những di sản văn hóa, đặc biệt là những cuốn sách và bản thảo quan trọng của thành phố vẫn luôn được người dân Timbuktu giữ gìn, âm thầm truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, ẩn sâu trong các bức tường gạch để tồn tại qua nhiều trận tàn phá nghiêm trọng ở thành phố.

Trung tâm tri thức một thời

Được thành lập vào khoảng năm 1100 sau Công nguyên, Timbuktu khi đó là một trung tâm trao đổi hàng hóa, nơi giao nhau giữa sa mạc Sahara và đồng bằng sông Niger, tạo ra một vùng nông nghiệp tươi tốt và sinh lợi. Các vương quốc Tây Phi hùng mạnh và những người chăn gia súc vùng Nam Sahara thường tụ họp ở đây.

Timbuktu là một điểm buôn bán nhỏ nhưng thành công, từ đó phát triển thành một trung tâm thương mại và học thuật, biến đế chế Mali trở thành một trong những đế chế có ảnh hưởng nhất trong thời kỳ Hoàng kim của Hồi giáo.

Đến đầu thế kỷ thứ 8, Timbuktu đã trở thành một điểm nối giữa các dân tộc Hồi giáo Ả Rập và Tây Phi. Các vị vua của Tây Phi và các nhà lãnh đạo Hồi giáo thường xuyên tụ họp ở Timbuktu để giao dịch, học hỏi và nuôi dưỡng các đồng minh chính trị mạnh mẽ.

Đến thế kỷ 16, Timbuktu có khoảng 150 đến 180 trường học tôn giáo, hay còn gọi là Maktabs. Các nhà thờ Hồi giáo lớn không chỉ để thực hành tâm linh mà còn là trung tâm tri thức về toán học, luật, ngữ pháp, lịch sử, địa lý, thiên văn học và chiêm tinh học. Trong số các trường học, Đại học Koranic Sankore tại đây được xem là cơ sở giáo dục đại học lâu đời nhất ở Châu Phi cận Sahara.

 Abdel Kader Haïdara, người đã chỉ đạo nhóm giải cứu sách lớn nhất ở Timbuktu năm 2013, đang ở trong kho lưu trữ hàng nghìn cuốn sách tại trụ sở tổ chức do ông lập nên. Ảnh: Nicolas Réméné/The New York Times.

Abdel Kader Haïdara, người đã chỉ đạo nhóm giải cứu sách lớn nhất ở Timbuktu năm 2013, đang ở trong kho lưu trữ hàng nghìn cuốn sách tại trụ sở tổ chức do ông lập nên. Ảnh: Nicolas Réméné/The New York Times.

Sống sót qua hai ngọn lửa lớn

Với truyền thống học tập lâu đời, không có gì ngạc nhiên khi sách ở Timbuktu là tài sản quý giá được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Song, Đế quốc Mali bắt đầu suy yếu vào thế kỷ 15, bị thay thế bởi Đế quốc Songhai rồi bị chiếm bởi quân đội Marrakech vào cuối thế kỷ 16. Kể từ đó, phần lớn các trung tâm học tập của Timbuktu đã bị phá hủy và kho tàng tri thức quan trọng ở đây bắt đầu trải qua “kiếp nạn” của mình - điều sẽ kéo dài trong nhiều thế kỷ sau đó.

Biến cố lớn đầu tiên là vào năm 1591 khi quân đội của Marrakech chiếm được thành phố, nhiều thư viện bị cướp phá và những học giả có tiếng nhất bị giết hại. Một số bản thảo còn sót lại là nỗ lực bảo tồn của nhiều gia đình ở Timbuktu. Họ giấu sách trong những bức tường gạch của gia đình, lưu truyền qua nhiều thế hệ và đợi đến khi đất nước tạm gọi là yên bình, họ đưa chúng đến các thư viện mới được xây nên.

Năm 2012, thảm họa lại xảy ra khi thành phố rơi vào tay của lực lượng Hồi giáo cực đoan, dẫn đến nhiều tạo tác văn hóa của thành phố đã bị phá hủy hoặc hư hại. Các đền thờ bị đột nhập và các bản thảo vô giá từ thời trung cổ bị đốt cháy hoặc đánh cắp. Sau khi có sự can thiệp quân đội của Pháp và Mali vào tháng 1 năm 2013, các chiến binh thánh chiến đã phóng hỏa nhiều tòa nhà và kho lưu trữ của thành phố, bao gồm cả thư viện Ahmed Baba rồi bỏ chạy.

Nhưng có một điều mà những kẻ phóng hỏa và cả những nhà chức trách của Mali không biết được, đó là trong vòng chưa đầy một năm kể từ khi xảy ra biến cố, những người dân Timbuktu đã âm thầm và bí mật chuyển hàng chục nghìn bản thảo ra khỏi thư viện. Đến khi kho lưu trữ bốc cháy, phần lớn tài liệu đã an toàn nằm trong các kho chứa bí mật của người dân.

Dường như đã thành phản xạ hiếm có ở Timbuktu, mỗi khi thành phố rơi vào vòng xoáy của hỗn loạn và bạo lực thì người dân nhanh chóng tìm mọi cách đem số sách quý đi giấu nhằm bảo tồn những văn kiện cũ nhưng cực kỳ quan trọng của thành phố.

“Mọi người đi ngủ lúc 2 giờ chiều, vậy nên tầm 2-4 giờ thì tôi lẻn vào tòa nhà và lấy sách ra trong những chiếc túi. Đến tối chúng tôi lén đem chúng về nhà… Vì phải đi đi lại lại rất nhiều lần, tôi sợ rằng nếu quân thánh chiến bắt được, họ sẽ chặt tay tôi”, Mohamed Alkadi S Maïga, người đã chuyển khoảng 30 nghìn cuốn sách ra khỏi kho lưu trữ kể lại, theo The Guardian.

Ở khắp nơi trong thành phố, nhiều người dân cũng bất chấp luật lệ khắc nghiệt của quân đội thánh chiến và lén lút che giấu các cuốn sách quý. Ali Imam Ben Essayouti - một người dân ở Timbuktu, đã vội vàng chuyển 8.000 cuốn sách cổ (có từ thế kỷ 14) tại một thánh đường do ông từng quản lý đến một kho chứa bí mật. Ông nói với The New York Times: “Những văn bản này không chỉ dành cho người dân ở Timbuktu. Chúng thuộc về toàn bộ nhân loại, và chúng tôi có nhiệm vụ phải cứu lấy chúng".

Số hóa - tia hy vọng mới cho những tài liệu cổ xưa

Đến nay, người ta vẫn chưa biết chính xác số văn kiện đã bị mất từ sau hai biến cố lớn đó, những gì còn sót lại chủ yếu là các văn bản luật, kinh Qur'an và các nghiên cứu khoa học, y học… Đối mặt với mối lo rằng tình trạng bạo lực ở Mali có thể khiến các tài liệu vô giá này biến mất mãi mãi, một nhóm giải cứu sách đã gấp rút chụp lại các trang giấy và lưu giữ chúng trên môi trường Internet.

Dự án này đã được bắt đầu ngay sau lần các thư viện bị đốt trụi vào năm 2013. Những tài liệu được “giải cứu” sau đó được chụp lại, từng trang một. Hiện đã có hơn 40.000 bức ảnh được đăng tải trên Google Art & Culture như một thư viện online mà bất cứ ai cũng có thể truy cập.

Andogoly Guindo - Bộ trưởng văn hóa Mali - nói: “Người châu Phi đã biết viết sớm hơn rất nhiều dân tộc khác trên thế giới. Và đây là những văn bản có thể giúp chúng ta soi sáng quá khứ của Châu Phi.

 Góc làm việc nơi chụp lại các văn bản cổ và chuyển chúng thành dạng ảnh, trong một căn phòng nhỏ yên lặng trong thủ đô Bamako của Mali. Ảnh: Nicolas Réméné / The New York Times

Góc làm việc nơi chụp lại các văn bản cổ và chuyển chúng thành dạng ảnh, trong một căn phòng nhỏ yên lặng trong thủ đô Bamako của Mali. Ảnh: Nicolas Réméné / The New York Times

Theo The New York Times, một trong số những nhân viên đang số hóa văn bản ở Bamako nói đã làm công việc này được 5 năm, nhưng còn rất lâu mới có thể hoàn thành công việc này, căn phòng chất đầy các bản thảo đang chờ được anh chụp lại.

Tuy nhiên, việc đem những văn bản này đến với công chúng toàn cầu vẫn chưa phải là chặng cuối của quá trình đầy vất vả. Vấn đề còn nằm ở chỗ phần lớn những tài liệu này, nếu không phải là người lớn lên trong môi trường giáo dục truyền thống của Hồi giáo Tây Phi thì không thể đọc được.

Độc giả bình thường không thể đọc được chữ Ả Rập cũng như chữ Ajami, loại chữ viết Ả Rập đã được cải biến ở châu Phi. Bởi số lượng học giả có thể làm việc này là rất ít, nên trong số những tài liệu đã được “giải thoát” bằng con đường số hóa thì lại chỉ có một phần nhỏ mới được giải mã.

Trong khi đó, tình trạng bạo lực ở Mali đang ngày càng căng thẳng. Điều này khiến những người đang làm công việc bảo tồn sách quý lo sợ, liệu hàng chục nghìn bản thảo này có thể chờ đến khi được số hóa và giải mã không khi mà tương lai về ngọn lửa lần thứ ba đang dần hiện ra trước mắt họ.

Thanh Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-giai-cuu-nhung-cuon-sach-quy-tai-mali-post1365980.html