Nam Phi: Tiêm chất phóng xạ vào sừng tê giác để hạn chế nạn săn trộm

Ngày 25/6, các nhà khoa học Nam Phi bắt đầu thử nghiệm tiêm chất phóng xạ vào sừng tê giác sống để dễ phát hiện chúng hơn tại các trạm biên giới, nhằm hạn chế nạn săn trộm.

Nam Phi là nơi sinh sống của phần lớn tê giác trên thế giới, điểm nóng của nạn săn trộm tê giác để lấy sừng do nhu cầu từ châu Á, nơi sừng tê giác được sử dụng trong y học cổ truyền vì được cho là có tác dụng chữa bệnh.

Tại trại tê giác ở Waterberg thuộc tỉnh Limpopo phía đông bắc Nam Phi, nơi một số loài tê giác ăn cỏ có da dày đang được chăn thả, ông James Larkin, Giám đốc đơn vị vật lý sức khỏe và bức xạ của Đại học Witwatersrand, người đứng đầu dự án cho biết, chất phóng xạ sẽ làm cho chiếc sừng trở nên vô dụng, về cơ bản là độc hại đối với con người.

Một con tê giác được tiêm thuốc an thần nằm bất tỉnh khi giáo sư James Larkin (phải) cẩn thận cấy đồng vị phóng xạ vào sừng của nó. (Ảnh:AFP)

Một con tê giác được tiêm thuốc an thần nằm bất tỉnh khi giáo sư James Larkin (phải) cẩn thận cấy đồng vị phóng xạ vào sừng của nó. (Ảnh:AFP)

Ông Larkin cho biết, để thực hiện thủ thuật này, con tê giác sẽ được đưa vào giấc ngủ và không hề cảm thấy đau đớn. Liều lượng chất phóng xạ rất thấp nên sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của động vật, hoặc môi trường dưới bất kỳ hình thức nào.

Vào tháng 2, Bộ Môi trường Nam Phi cho biết, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết nạn buôn bán bất hợp pháp, 499 loài động vật có vú khổng lồ đã bị giết vào năm 2023 (tăng 11% so với số liệu năm 2022).

Tổng cộng 20 con tê giác sống sẽ được thí điểm đưa vào dự án có tên Rhisotope, theo đó chúng sẽ được tiêm một liều phóng xạ đủ mạnh để các máy dò được lắp đặt tại các đồn biên giới trên toàn cầu có thể phát hiện ra. Những máy dò phóng xạ này vốn được lắp đặt với mục đích "để ngăn chặn khủng bố hạt nhân".

Các nhà khoa học cho biết, các đặc vụ ở biên giới thường có máy dò bức xạ cầm tay để phát hiện hàng lậu. Ngoài ra, hàng nghìn máy dò bức xạ cũng được lắp đặt tại các cảng và sân bay.

Sừng tê giác được săn lùng trên thị trường chợ đen, nơi nó có giá ngang bằng với vàng. Theo ông Arrie Van Deventer, người sáng lập trại nuôi tê giác Waterberg, những biện pháp trước đó đã không ngăn được những kẻ săn trộm. “Có lẽ đây là biện pháp sẽ ngăn chặn được nạn săn trộm”, ông nói. "Đây là ý tưởng hay nhất mà tôi từng nghe".

Theo ước tính của Tổ chức Tê giác quốc tế, có khoảng 15.000 con tê giác sống ở quốc gia Nam Phi này.

Jessica Babich, Giám đốc điều hành của dự án cho biết, giai đoạn cuối cùng của dự án sẽ là chăm sóc động vật theo "quy trình khoa học và quy trình đạo đức phù hợp". Sau đó, nhóm sẽ lấy mẫu máu theo dõi để đảm bảo tê giác được bảo vệ một cách toàn diện.

Ông Larkin cho biết phóng xạ sẽ tồn tại được 5 năm trên chiếc sừng, rẻ hơn so với việc cưa bỏ sừng sau mỗi 18 tháng.

Quỳnh Trâm

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nam-phi-tiem-chat-phong-xa-vao-sung-te-giac-de-han-che-nan-san-trom-437849.html