Cuộc gọi 'rác': Tối hậu thư cho nhà mạng!

Dù các nhà mạng đã quyết liệt thu hồi gần 1 triệu SIM rác nhưng người dùng vẫn bị làm phiền, thậm chí đối mặt nguy cơ bị lừa đảo bởi cuộc gọi rác

Chị Vũ Mai Hoa (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), chủ thuê bao VinaPhone, cho biết gần đây, thường xuyên nhận được những cuộc gọi chào mời đủ thứ dịch vụ, từ mời cho con tham gia lớp học tiếng Anh đến tư vấn đầu tư chứng khoán, cho vay tiền, thậm chí là dọa khóa thuê bao điện thoại, thông báo có biên lai phạt tiền vi phạm giao thông...

Đủ kiểu làm phiền

"Tôi đang chạy xe ngoài đường thì thấy cuộc gọi hỏi có phải tôi là phụ huynh bé X. (tên con tôi) không. Tôi vội vàng dừng xe để nghe thì té ra là mời cho con tham gia lớp học tiếng Anh cùng các khóa kỹ năng sống. Không biết họ lấy dữ liệu ở đâu mà có thông tin chính xác về tên, tuổi của con mình" - chị Hoa lo ngại.

Cũng bị cuộc gọi rác làm phiền, anh Nguyễn Tuấn Tú (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM), chủ thuê bao Viettel, kể anh đã nhiều lần nhắn tin báo cáo với nhà mạng về việc nhận được cuộc gọi chào mời mua nhà đất hoặc thông báo nhận bưu phẩm. Nhờ đã báo cáo nên khi những đầu số này gọi đến lần sau, cuộc gọi sẽ hiển thị cảnh báo màu đỏ.

"Có những cuộc gọi không phải từ SIM rác mà từ chính các doanh nghiệp (DN), ngân hàng mình có giao dịch. Chẳng hạn, tôi gửi tiết kiệm tại một ngân hàng và đã từ chối mở thẻ Visa. Nhưng sau đó, tôi thường xuyên nhận được cuộc gọi của nhân viên ngân hàng mời mở thẻ dù tôi đã nhiều lần đề nghị xóa tên tôi ra khỏi danh sách khách hàng cần chăm sóc. Việc DN, ngân hàng "khủng bố" khách hàng bằng các cuộc gọi như thế này cũng gây phiền toái không kém gì cuộc gọi rác" - anh Tú phản ánh.

100.000 tin nhắn giả mỗi ngày

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Phạm Đức Long cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã cập nhật thông tin thuê bao, đối soát cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư đối với hơn 11 triệu thuê bao. Trong quá trình này đã khóa và phục hồi xấp xỉ 2,5 triệu thuê bao có thông tin không chính xác. Hiện còn hơn 200.000 khách hàng sở hữu nhiều SIM; còn nhiều cuộc gọi rác và khoảng 2.000 cuộc gọi lừa đảo/tháng.

Đáng chú ý, thời gian qua, người tiêu dùng còn đối mặt với tình trạng kẻ xấu sử dụng các trạm thu phát sóng (BTS) giả để phát tán tín hiệu sóng vô tuyến điện. Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ TT-TT, cho hay những trạm BTS giả có thể nhắn hàng ngàn tin nhắn trong một phút và 80.000 - 100.000 tin nhắn/ngày. Nội dung các tin nhắn có thể đi kèm những trang web cờ bạc trực tuyến hoặc mạo danh website của ngân hàng để lừa đảo.

Theo ông Trần Mạnh Tuấn, tin nhắn giả xuất hiện là do một lỗ hổng bảo mật của mạng GSM (2G). Lỗ hổng này tuy đã được các tổ chức quốc tế phát hiện nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. Trong khi đó, thiết bị BTS giả mạo thường nhập lậu vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch. Các thiết bị này rất nhỏ gọn và được các đối tượng thường sử dụng những trạm BTS giả trên những phương tiện di động như trên ôtô, xe máy nên gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, kiểm tra.

Người tiêu dùng cần cẩn trọng trước các cuộc gọi lừa đảo từ SIM rácẢnh: HOÀNG TRIỀU

Người tiêu dùng cần cẩn trọng trước các cuộc gọi lừa đảo từ SIM rácẢnh: HOÀNG TRIỀU

Trước thực trạng trên, Bộ TT-TT đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan... kiểm soát, ngăn chặn việc bán thiết bị BTS giả trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, phối hợp với các ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán nhằm triển khai các biện pháp kỹ thuật công nghệ để xác thực thông tin và định danh khách hàng khi thực hiện giao dịch.

Vừa qua, Bộ TT-TT đã tìm ra giải pháp hiệu quả để ứng phó với những đối tượng vận hành trạm BTS. Cụ thể, Bộ TT-TT phối hợp với nhà mạng và cơ quan công an nhận biết, khoanh vùng khi có trạm BTS giả hoạt động. Sau đó, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của Cục Tần số vô tuyến điện sẽ sử dụng thiết bị định vị để xác định chính xác vị trí của các trạm BTS giả và phối hợp Bộ Công an bắt giữ tại chỗ.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Tần số vô tuyến điện đã phát hiện, xác định và xử lý 24 vụ sử dụng thiết bị giả mạo để phát tán tin nhắn rác và lừa đảo tại TP Hà Nội, TP HCM, tỉnh Gia Lai, Quảng Nam, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên... Trong đó, riêng năm 2023 Cục Tần số vô tuyến điện trực tiếp ngăn chặn 12/15 vụ.

Tháng 8-2023 sẽ hết cuộc gọi rác?

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định: "Chắc chắn đến hết tháng 8-2023 sẽ chấm dứt triệt để tình trạng cuộc gọi rác với các biện pháp quyết liệt".

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết Bộ TT-TT sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ, kiên quyết 6 biện pháp ngăn chặn tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo. Cụ thể, chỉ đạo DN viễn thông tiếp tục chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý cuộc gọi lừa đảo, điều tra và xử lý các BTS giả... Đồng thời, kiểm tra, đánh giá việc xây dựng, triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn cuộc gọi rác, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến, cung cấp cho người dùng các công cụ để chủ động ngăn chặn từ các thiết bị sử dụng hằng ngày...

Cũng theo ông Phúc, sau khi chuẩn hóa thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ TT-TT sẽ xử lý các chủ thuê bao sở hữu 10 SIM trở lên. Song song đó, cung cấp cho người sử dụng các công cụ để có thể chủ động ngăn chặn cuộc gọi rác từ thiết bị đầu cuối của mình.

Ngoài ra, ngày 17-4 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây là cơ sở pháp lý để ngành TT-TT xây dựng thông tư hướng dẫn triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hoạt động của ngành và cũng là căn cứ để cơ quan chức năng xử lý mạnh tay các vi phạm.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long cho hay để xử lý SIM rác, giai đoạn tiếp theo, bộ sẽ chuyển từ chuẩn hóa sang triển khai biện pháp quản lý chính chủ người dùng.

Ông VÕ DUY KHÁNH, Trưởng Phòng cấp cao An ninh di động, Trung tâm Nghiên cứu mã độc - Tập đoàn Công nghệ Bkav:

Ảnh hưởng tâm lý người sử dụng

Cuộc gọi và tin nhắn rác đã có từ rất lâu nhưng kể từ sau dịch COVID-19 thì bùng phát mạnh mẽ những cuộc gọi lừa đảo. Những cuộc gọi này không chỉ gây phiền toái mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người sử dụng điện thoại. Để xử lý triệt để vấn đề này, các nhà mạng và các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề định danh số điện thoại. Việc triển khai định danh công dân điện tử đang được hoàn thành. Có thể tích hợp số điện thoại với định danh công dân điện tử để giải quyết tình trạng sim không định danh, SIM rác tràn lan.

Người tiêu dùng nên bình tĩnh lắng nghe, phân biệt những cuộc gọi làm phiền, lừa đảo với cuộc gọi thông thường. Đặc biệt là hạn chế nghe điện thoại, nói chuyện trong thời gian dài để tránh làm theo những việc theo dẫn dụ của kẻ xấu.

Chuyên gia công nghệ TRẦN THANH TUẤN, Giải nhất giải thưởng I-Star 2021:

Khó xử lý tận gốc?

Bản thân tôi vẫn thường xuyên nhận được những cuộc gọi rác nên đã cài đặt điện thoại ở chế độ hạn chế cuộc gọi lạ. Hiện nay, có nhiều ứng dụng (app) hỗ trợ việc xác định cuộc gọi rác từ dữ liệu cộng đồng song cài app thì phải đồng bộ danh bạ, dẫn đến nguy cơ mất dữ liệu cá nhân.

Mặc dù các cơ quan chức năng và nhà mạng đã có nhiều giải pháp kiểm soát, hạn chế cuộc gọi, tin nhắn rác nhưng vì thủ đoạn phát tán cuộc gọi rác ngày càng tinh vi và hiện đại nên việc quản lý rất khó. Nếu như trước đây, nhân viên gọi điện theo cách thủ công chỉ được 10-20 cuộc/ngày thì bây giờ, tổng đài ảo có thể gọi cùng lúc cho nhiều người với cùng một nội dung. Có những SIM điện thoại được mua về chỉ dùng để phát tán cuộc gọi, tin nhắn rác, dùng xong là vứt bỏ nên việc báo cáo SIM trong nhiều trường hợp là không hiệu quả.

Ông VÕ KHÁNH DƯƠNG, Trung tâm An ninh mạng ATHENA:

Cần kiểm chứng các con số

Trước thực trạng cuộc gọi rác vẫn hoành hành như hiện nay, cần kiểm chứng con số gần 1 triệu SIM rác được các nhà mạng thu hồi trong đợt cao điểm vừa qua có xác thực hay chưa? Bên cạnh đó, nếu các cuộc thanh tra chuyên ngành đã được thực hiện liên tục nhiều năm qua nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để cuộc gọi rác thì có thể tổ chức thanh tra liên ngành với sự tham gia của lực lượng công an, quản lý thị trường... để tăng hiệu quả.

Cần thẳng thắn nhìn nhận SIM rác gây phiền toái cho người dùng nhưng đem lại doanh thu không nhỏ cho nhà mạng. Có khả năng nhà mạng vì cân nhắc bài toán doanh thu mà không tích cực chống SIM rác. Cần tăng mức phạt đối với DN, như ngừng phát hành sim trong 2-3 tháng, để đủ sức răn đe.

BẢO TRÂN - VƯƠNG NGỌC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/cuoc-goi-rac-toi-hau-thu-cho-nha-mang-20230706214021063.htm