Cuộc hành hương mùa xuân

Những ngày đầu năm mới, cả không gian và thời gian đều đắm chìm trong sắc màu lễ hội đậm đà. Cuộc hành hương mùa xuân về miền tín ngưỡng - tâm linh cũng nhờ vậy mà chộn rộn lắm rồi...

Khách thập phương dâng hương, vãn cảnh tại Di tích đền Nưa - Am Tiên.

Từ khắp nẻo phố thị đến làng quê, khách thập phương náo nức trẩy hội và chân bước như muốn cuốn vào nhịp điệu hân hoan, rạo rực của vẻ xuân tươi mới. Mở lòng giữa không gian mùa xuân phảng phất mùi trầm hương, nơi cửa đền cửa chùa, dường như là cách để con người tìm lại sự thanh thản cho tâm hồn. Có người chọn thời khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới để đi chùa, vin cành hái lộc, mong rước điều tốt đẹp về nhà. Và ra giêng, khí tết vẫn còn giăng mắc, người ta lại rủ nhau trẩy hội đền, hội chùa, vãn cảnh vui xuân. Trong cái ý nghĩa ban đầu tốt đẹp của hành động ấy, con người không chỉ cầu mong cho mọi ước vọng về một năm mới tốt tươi đủ đầy và an lành hạnh phúc sẽ được như ý nguyện; mà còn hướng mình, răn mình theo chữ Thiện và điều Nhân.

Lễ hội vốn là sinh hoạt văn hóa đậm sắc xuân, hương xuân và tình xuân làm vậy. Cùng với các nghi thức trang nghiêm của phần lễ, thì phần hội chính là các lớp văn hóa tín ngưỡng, được lắng đọng và chắt lọc qua thời gian lịch sử, gắn với nhân vật được thờ phụng và đời sống của cộng đồng đã sản sinh, nuôi dưỡng di sản. Bởi vậy, lễ hội được ví như một bảo tàng văn hóa. Đó là loại “bảo tàng tâm thức”, có khả năng lưu giữ các giá trị văn hóa, cũng đồng thời là sân khấu trình diễn các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng. Để rồi trẩy hội cũng là cách con người hưởng thụ, nhận thức và bảo vệ vốn văn hóa dân tộc. Hơn nữa, ở một khía cạnh khó lý giải, qua cuộc hành hương mùa xuân về miền tín ngưỡng - tâm linh, dường như mỗi người còn được khoác thêm “tấm áo văn hóa”, để “định vị” giá trị bản thân trong cộng đồng.

Như khẳng định của nhiều nhà nghiên cứu, thì ý nghĩa và giá trị sâu xa của lễ hội nằm ở các giá trị cộng cảm và cộng mệnh. Còn theo cách lý giải của nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Gia Khánh, trong tác phẩm “Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian”, thì lễ hội là “sinh hoạt tập thể long trọng, thường đem lại niềm phấn chấn cho tất cả mọi người và cho mỗi một con người. Những quy cách và những nghi thức của lễ hội mà mọi người phải tuân theo, tạo nên niềm cộng cảm của toàn thể cộng đồng, làm cho mỗi người gắn bó chặt chẽ hơn với cộng đồng và do đó, thấy mình vươn lên ở tầm cao hơn, với một sức mạnh lớn hơn”! Bởi vậy mà, lễ hội và trẩy hội xuân, từ xưa đã trở thành nếp sinh hoạt, thành phong tục đẹp, đã làm phong phú và giàu có đời sống tinh thần - tâm linh người Việt. Đồng thời, góp phần làm đa dạng và đậm đà sắc màu dân tộc, cho bức tranh văn hóa Việt Nam.

Ngày nay, khi đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa của con người cũng không ngừng tăng theo. Vì vậy, việc bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống, cũng như hình thành các lễ hội văn hóa mới, đang nhận được nhiều sự quan tâm. Song, thực trạng tổ chức, quản lý lễ hội ở nhiều nơi, lại đang gióng lên hồi chuông báo động về những hành vi lệch lạc, diễn ra công khai tại nhiều lễ hội lớn trên khắp cả nước. Đó chính là sự biến tướng của văn hóa, hay sự phản văn hóa. Từ những chuyện tưởng cũ mà không cũ như xả rác bừa bãi, giắt tiền lẻ khắp chốn; rồi thì bói toán, rút quẻ, vui chơi có thưởng, ăn xin ăn mày; rồi đến chen lấn khấn vái, kêu thay bái đỡ; thậm chí là xô đẩy, dẫm đạp lên nhau để hứng lộc, cướp lộc...

Đó là niềm tin tín ngưỡng đơn thuần, hay là sự biểu hiện của niềm tin mù quáng? Câu trả lời có lẽ dựa vào cảm nhận, cách nhìn, nhận thức của mỗi người. Còn dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu văn hóa, thì cầu lợi chính là nền tảng ban đầu của sự mê tín dị đoan! Thậm chí, trước nhiều hiện tượng xô bồ, phản cảm xảy ra trong các lễ hội những năm gần đây, có người đã phải thốt lên rằng, “bi kịch tín ngưỡng” đang trở thành một trong những bi kịch lớn của người Việt đầu thế kỷ XXI. Vì sao lại như vậy? Do nhận thức “méo mó” và sự ngộ nhận con người? do cách thức quản lý, tổ chức lễ hội kiểu “hành chính”? hay là do bản thân văn hóa luôn có sự tiếp biến và thay đổi không ngừng? Đồng ý rằng, văn hóa luôn có sự biến đổi linh hoạt cùng hiện thực đời sống. Lễ hội, suy cho cùng cũng xuất phát từ đời sống, hay là sự thăng hoa của đời sống, cho nên, sự biến đổi của nó cũng là tất yếu. Song lễ hội luôn gắn với niềm tin tín ngưỡng - tâm linh, hay luôn mang “tính thiêng”. Thế nhưng đôi khi, do sự mơ hồ về “tính thiêng” ấy, mà con người đang “trần tục hóa” hay cố tình hiểu sai lệch về ý nghĩa đích thực của lễ hội.

Nói như vậy không có nghĩa là mặt trái đang lấn át thuần phong mỹ tục. Bởi, trong hàng nghìn lễ hội diễn ra quanh năm trên khắp cả nước, có rất nhiều lễ hội dân gian truyền thống, quy mô nhỏ, nhưng vẫn giữ được nhiều nét thuần khiết, mộc mạc, đậm đà bản sắc, với sự thành kính, trang nghiêm vốn có. Đó là một trong những biểu hiện sinh động của văn hóa làng quê, cũng chính là cái gốc văn hóa dân tộc. Đồng thời, sự tồn tại của các lễ hội ấy hướng con người đến cái Chân - Thiện - Mỹ. Sâu xa hơn, như ý kiến của một học giả, thì cái đích cuối cùng của lễ hội truyền thống người Việt là bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi con người. Do vậy, trẩy hội là cuộc hành hương mùa xuân thú vị, hay trở thành cuộc “chạy xô” của lễ lạt, khấn vái; trẩy hội để gìn giữ, lan tỏa các giá trị đẹp, hay biến thành “bi kịch tín ngưỡng thành”...; tất cả, đang và sẽ tùy vào nhận thức và hành vi của chính mỗi người trẩy hội.

Bài và ảnh: Lê Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/cuoc-hanh-huong-mua-xuan/113625.htm